MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngành tôm Việt Nam chưa được định vị trên thị trường thế giới

31-07-2017 - 14:54 PM | Thị trường

Tại hội nghị Phát triển ngành tôm Việt Nam được tổ chức đầu năm nay tại Cà Mau, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu phải có những biện pháp đồng bộ để mục tiêu đưa ngành tôm Việt Nam tiến lên sản xuất lớn, sản lượng lớn, hiệu quả cao, mang lại lợi ích cho người nông dân và cho các doanh nghiệp Việt Nam, cho kinh tế Việt Nam

. Theo đó, mục tiêu đưa ra chậm nhất đến năm 2025 hoặc trước 2025, kim ngạch xuất khẩu ngành tôm phải đạt 10 tỷ USD, đạt khoảng 10% GDP quốc gia.

Việt Nam hiện đang dẫn đầu thế giới về sản xuất tôm sú và đứng thứ 3 về sản xuất tôm nói chung. Trong các mặt hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam, con tôm cũng đang có kim ngạch lớn nhất với 3,1 tỷ USD trong năm 2016. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, so với tiềm năng của ngành tôm thì con số này vẫn còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, để kim ngạch xuất khẩu tôm đạt 10 tỷ USD vào năm 2025 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ còn rất nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu này. Trong đó, việc định vị con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới và xây dựng thương hiệu quốc gia là rất cần thiết.

Ông Ngô Quang Trường, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thủy sản Biển Đông, doanh nghiệp chuyên về chế biến, xuất khẩu tôm và cá tra ở Khu công nghiệp Trà Nóc, thành phố Cần Thơ cho hay, hiện nay các sản phẩm của Biển Đông đã có thương hiệu khi xếp trên kệ các siêu thị ở thị trường Mỹ. Nếu khẳng định thương hiệu trên thị trường thế giới, ông rất tự tin với thương hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam; trong đó, một số doanh nghiệp làm rất tốt.

Theo ông Ngô Quang Trường, một số nước xung quanh Việt Nam như: Thái Lan, Ấn Độ cũng sản xuất tôm nhưng điểm đến của các doanh nghiệp ở những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc thì luôn chọn doanh nghiệp Việt Nam. Tất cả quy trình sản xuất ở Công ty Biển Đông, từ khâu nguyên liệu đến khâu chăn nuôi, chế biến đều đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của nhà nhập khẩu.

Tuy nhiên, điều đáng buồn là mặc dù làm rất tốt nhưng cả sản phẩm cá tra và sản phẩm tôm của Việt Nam; trong đó, có sản phẩm của Biển Đông vẫn chưa có một thương hiệu chung của quốc gia mà vẫn đang “khoác áo” của nhà cung cấp khi bán ra nước ngoài. Ông Trường nhận xét: "Đã đến lúc chúng ta cần hoạch định một hướng đi mới, một chất lượng sàn cho tất cả những sản phẩm tôm, cá để có một tiêu chí riêng cho từng sản phẩm".

Theo ông Claudio Dordi, Tư vấn trưởng Dự án hỗ trợ chính sách thương mại – đầu tư của EU tại Việt Nam, một nguyên nhân khiến hàng hóa Việt Nam xuất sang EU chưa được nhận diện thương hiệu đến từ thực trạng hầu hết thành phẩm nông sản Việt Nam phân phối tại thị trường EU đều được đóng mác Trung Quốc, Nhật Bản… do Việt Nam xuất nguyên liệu thô qua các nước này.

Theo đó, có đến 99% cà phê nhập khẩu vào Châu Âu có nguồn gốc từ Việt Nam, nhưng không mấy người tiêu dùng của EU biết điều này. Ngoài cà phê, nhiều sản phẩm khác của Việt Nam cũng chịu chung số phận. Người tiêu dùng châu Âu đánh đồng hàng Việt Nam và hàng Trung Quốc, khiến Việt Nam đang phải gánh chịu nhiều khó khăn khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này, khi các nước nhập khẩu đồng loạt gia tăng những hàng rào kiểm soát chất lượng hàng hóa.

Ông Claudio Dordi cũng cho biết thêm, một nguyên nhân nữa khiến hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường EU chưa được nhận diện thương hiệu là do các doanh nghiệp chưa ý thức đúng tầm quan trọng của xây dựng thương hiệu, chưa trang bị đầy đủ thông tin và tuân thủ những tiêu chuẩn đối với hàng xuất khẩu, dẫn đến số lượng hàng hóa bị trả về còn cao.

“Phần lớn sản phẩm chúng ta làm đến 90% là thương hiệu của nhà nhập khẩu. Họ làm sẵn bao bì, lấy tên của họ tại nước nhập khẩu đưa cho chúng ta sản xuất theo yêu cầu, hình thức, mẫu mã của họ,” Giám đốc Công ty Biển Đông Ngô Quang Trường tiết lộ.

Cũng theo ông Trường, đến lúc này, Việt Nam vẫn chưa xây dựng được một thương hiệu chung cho sản phẩm nào. Tại Công ty Biển Đông, các sản phẩm tôm chế biến như: tôm chiên tempura, tôm luộc đều đang mang thương hiệu của đơn vị nhập khẩu nước ngoài.

Để định vị được con tôm Việt Nam với thế giới, ông Đặng Quốc Tuấn, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Việt-Úc cho rằng, có hai vấn đề lớn cần được đặt ra. Thứ nhất là nâng cao giá trị gia tăng của con tôm, thứ hai là sản xuất bền vững. Nâng cao giá trị gia tăng thì giá bán của con tôm phải ổn định và tăng theo thời gian, trong đó có tính đến giá trị lạm phát hàng năm. “Tôi nghĩ giải pháp căn cơ, cốt cán nhất là phải có những thương hiệu”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, trên thế giới, những quốc gia mạnh thì phải có những thương hiệu mạnh. Trong từng ngành cũng phải có thương hiệu đầu ngành và những thương hiệu này phải xuất phát từ doanh nghiệp. Theo đó, bản thân doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp từ thương hiệu của mình. Do đó, họ sẽ có trách nhiệm bảo vệ và xây dựng thương hiệu một cách tốt nhất.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu Lương Ngọc Lân nhận định, muốn xây dựng hình ảnh tôm Việt Nam, con đường tất yếu là phải nâng cao chất lượng, bắt đầu từ việc tăng cường kiểm soát chất lượng giống tại các vùng sản xuất con giống tập trung, để đáp ứng nhu cầu con giống chất lượng cao phục vụ sản xuất. Đồng thời, kiểm soát chất lượng vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản, kiểm soát tốt việc sử dụng thuốc, kháng sinh trong nuôi tôm để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và thông tin rộng rãi để người nuôi được biết.

Do đó, để tôm Việt Nam sớm có thương hiệu trên thị trường quốc tế thì cần thiêt phải có những chính sách hỗ trợ từ Trung ương đến địa phương. Cụ thể, ông Lân đề xuất cần có chính sách đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và các chính sách đãi ngộ đi kèm tương xứng. Cùng với đó là chính sách hổ trợ đối với liên kết theo chuỗi giá trị từ khâu đầu vào đến đầu ra sản phẩm chất lượng cao. Bên cạnh đó là chính sách đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các công nghệ tiên tiến, hiện đại phù hợp điều kiện phát triển từng vùng sinh thái đối với từng lĩnh vực như: sản xuất giống, thức ăn, nuôi thương phẩm...

Ngoài ra, Chính phủ cần có chính sách khuyến khích và ưu đãi đầu tư đối với các công ty, doanh nghiệp, hộ nuôi ứng dụng công nghệ cao có chứng nhận: VietGAP, GlobalGAP, ASC hoặc Organic… hoặc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất nuôi trồng thủy sản, phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường…

Theo Thanh Liêm

Vietnam+

Trở lên trên