Ngành xây dựng sẽ tăng trưởng khả quan trong năm 2018
Theo Báo cáo Triển vọng ngành năm 2018, Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) dự báo tăng trưởng ngành xây dựng vẫn tiếp tục duy trì mức khả quan trong năm 2018, nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ bắt đầu chậm lại.
- 26-12-2017Vật liệu xây dựng tiêu thụ mạnh dịp cuối năm
- 16-12-2017Giá thép Trung Quốc giảm gần 2% vì thị trường xây dựng
Cụ thể, thị trường xây dựng cơ sở hạ tầng được dự báo tiếp tục tăng trưởng tốt nhờ vào vốn FDI dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh.
BSC kỳ vọng năm 2018, ngành xây dựng sẽ được hưởng lợi lớn từ vốn FDI sẽ tiếp tục đà tăng trưởng mạnh nhờ vào Việt Nam vẫn là nước có chi phí nhân công thấp trong khu vực, các ưu đãi, hỗ trợ của chính phủ sau sự thành công của hiệp định APEC.
Bên cạnh đó, BSC cũng lưu ý trong lịch sử, vốn FDI năm 2008 đã ghi nhận mức tăng trưởng kỷ lục đạt hơn 64 tỷ USD, gấp gần 3 lần sau hội nghị APEC năm 2007.
Dự báo tăng trưởng ngành xây dựng vẫn tiếp tục duy trì mức khả quan trong năm 2018, nhưng tốc độ tăng trưởng sẽ bắt đầu chậm lại. Theo dự báo của BMI, ngành xây dựng sẽ vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng thực trong năm 2018 đạt 9,63% và đạt mức bình quân khoảng 7,8% trong giai đoạn 2018-2021 chủ yếu nhờ vào tăng trưởng đầu tư của khối tư nhân và nước ngoài.
BSC cho rằng thị trường xây dựng dân dụng sẽ chậm lại do tốc độ tăng trưởng ngành bất động sản đặc biệt là bất động sản nhà ở sẽ chậm lại hơn so với năm 2017.
BSC nhận thấy biên lợi nhuận gộp ngành xây dựng đã bắt đầu có xu hướng giảm dần từ Q2/2017 (trừ CII và CTI do có ảnh hưởng 1 phần tỷ trọng từ các mảng kinh doanh khác). Việc các doanh nghiệp này đạt được mức biên lợi nhuận cao như giai đoạn năm 2016 sẽ rất khó.
Do đó, BSC dự báo biên lợi nhuận gộp ngành Xây dựng trong năm 2018 sẽ thấp hơn so với mức bình quân năm 2017. Nguyên nhân là do: Yếu tố cạnh tranh gay gắt hơn khi phân khúc căn hộ cao cấp bắt đầu gặp khó khăn, khi đó các doanh nghiệp sẽ phải chuyển về phân khúc trung cấp và bình dân, cạnh tranh với các nhà thầu khác; giá cả nguyên vật liệu sắt, thép, cát… có xu hướng tăng mạnh trong thời gian vừa qua; xu hướng phải đẩy mạnh tỷ trọng ở phân khúc nhà ở trung cấp – bình dân và nhà xưởng công nghiệp có biên lợi nhuận gộp thấp hơn.
Mặc dù vậy, BSC vẫn đánh giá khả quan với ngành Xây dựng dựa trên các yếu tố: Các doanh nghiệp xây dựng dân dụng với lượng hợp đồng ký kết cho năm 2018 vẫn duy trì mức tốt; nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng tăng trưởng ổn định trong dài hạn và lượng vốn FDI vào Việt Nam dự kiến sẽ tăng mạnh trong năm 2018.
Nhịp sống kinh tế