MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngập bụi mịn vì cháy rừng, Sydney đang trở thành "phòng thí nghiệm" của cả thế giới

07-01-2020 - 14:10 PM | Tài chính quốc tế

Chất lượng không khí ở Sydney vốn rất tốt, vì thế các nhà nghiên cứu có thể dễ dàng xác định ô nhiễm không khí trên diện rộng gây ra những tác hại như thế nào đến sức khỏe con người.

Khói mù dày đặc bao phủ Sydney đang biến thành phố lớn nhất nước Úc thành 1 phòng thí nghiệm khổng lồ để thế giới có cái nhìn sâu sắc hơn về những tác hại mà khí độc từ những đám cháy có thể gây ra cho sức khỏe con người.

Nhiều bác sĩ đã cảnh báo về 1 làn sóng thiệt mạng do mắc phải các bệnh về phổi và tim. Số lượng người phải đến phòng cấp cứu gia tăng đột biến, và về dài hạn cuộc khủng hoảng cháy rừng đang bao trùm nước Úc có thể ảnh hưởng đến cả thai nhi, đe dọa làm gia tăng tỷ lệ nhiễm các bệnh tim mạch.

Mặc dù hiện nay nhiều thành phố trên thế giới từ Bắc Kinh đến New Delhi đã trở thành minh chứng cho thấy những mối nguy hại của ô nhiễm không khí, từ trước đến nay các nghiên cứu đều chủ yếu tập trung vào ô nhiễm do việc đốt xăng và than đá gây ra. Trong trường hợp Sydney, khói mù khiến người dân cảm thấy nghẹt thở xuất phát từ chỗ ít nhất 2,7 triệu hecta đất hoang nhiều bụi rậm bị đốt cháy trong suốt hơn 1 tháng qua. Nhiều địa điểm khác trên thế giới như California và Alaska có đặc điểm tương tự.

Thêm vào đó, chất lượng không khí ở Sydney vốn rất tốt, vì thế các nhà nghiên cứu có thể dễ dàng xác định ô nhiễm không khí trên diện rộng gây ra những tác hại như thế nào đến sức khỏe con người. Sydney đã ghi nhận mức độ ô nhiễm không khí cao gấp 12 lần ngưỡng nguy hiểm.

Theo số liệu của WHO, trên toàn thế giới cứ 10 người thì có 9 người bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm không khí, và mỗi năm có tới hơn 7 triệu người chết sớm vì ô nhiễm không khí. Các nước công nghiệp hóa nhanh chóng phải chịu gánh nặng lớn nhất vì khí thải từ các nhà máy, xe cộ và hoạt động đốt cây để giải phóng mặt bằng.

Nguyên nhân chính gây hại cho sức khỏe con người chính là bụi siêu mịn PM2.5 – những hạt bụi siêu nhỏ có đường kính từ 2,5 micromet trở xuống có thể thâm nhập sâu vào phổi và gây viêm, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, hô hấp và cả ung thư.

Ngoài bụi siêu mịn, khói từ các đám cháy có thể chứa hàng trăm thành phần khác sẽ làm các triệu chứng của bệnh hen suyễn trầm trọng hơn nhiều so với khí thải từ phương tiện giao thông.

Joan Casey, giáo sư tại trường y tế công Mailman của ĐH Columbia, cho biết các nhà nghiên cứu sẽ theo dõi những người dân Sydney trong vài năm để đánh giá tác động của khói bụi từ cháy rừng tới sức khỏe của họ. Theo Casey, người cũng sống ở California trong mùa cháy năm ngoái, các dữ liệu này sẽ giúp hệ thống y tế chuẩn bị tốt hơn và có phản ứng hiệu quả hơn với những thảm họa tương tự.

Một số nhóm tuổi sẽ dễ bị ảnh hưởng hơn. Trẻ em là nhóm chịu nguy cơ cao, nguy cơ giảm xuống ở thanh niên và tăng lên đối với nhóm từ trung niên đến người cao tuổi. Phụ nữ có thai cũng bị ảnh hưởng nhiều hơn.

Tham khảo Bloomberg

Thu Hương

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên