Ngày 20/11, Quốc hội thảo luận về việc giảm thuế giá trị gia tăng
Trong ngày làm việc đầu tiên của đợt 2, Quốc hội sẽ thảo luận về việc giảm thuế giá trị gia tăng và về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung.
- 13-11-2023Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến giảm thuế giá trị gia tăng
- 28-10-2023Từ 1/1/2024, dự kiến tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng
- 12-08-2023Điều kiện nào được khấu trừ, hoàn thuế giá trị gia tăng cho hàng hóa xuất khẩu?
Ngày 20/11, Quốc hội bắt đầu họp đợt 2 của Kỳ họp thứ 6.
Buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV.
Thành viên Chính phủ và các cơ quan, cá nhân có liên quan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc giảm thuế giá trị gia tăng.
Các đại biểu sẽ thảo luận ở hội trường về nội dung này. Bộ trưởng Bộ Tài chính giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Trước đó, Bộ Tài chính đã triển khai nghiên cứu xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế GTGT(VAT) theo quy trình, thủ tục rút gọn quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bộ Tài chính đề xuất giảm 2% thuế suất thuế GTGT, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ.
Theo Bộ Tài chính, lý do lựa chọn là: Luật Thuế GTGT hiện hành quy định 2 mức thuế suất thuế GTGT 5% và 10% (không kể mức 0% áp dụng đối với hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu; đối tượng không chịu thuế GTGT). Số thuế phải nộp = số thuế GTGT đầu ra - số thuế GTGT đầu vào. Hàng hóa, dịch vụ mua vào của cơ sở kinh doanh có loại áp dụng thuế suất 10%, 5% hoặc không chịu thuế GTGT. Do vậy, đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 5% thì cơ bản số thuế GTGT đầu ra nhỏ hơn số thuế GTGT đầu vào nên cơ sở kinh doanh thường không phát sinh số thuế GTGT phải nộp. Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT 10% thì sẽ phát sinh số thuế GTGT phải nộp (thuế GTGT đầu ra lớn hơn thuế GTGT đầu vào).
Thời gian áp dụng từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 30/6/2024.
Đánh giá tác động của chính sách, Bộ Tài chính cho biết, dự kiến số giảm thu NSNN khoảng 4,175 nghìn tỷ đồng/tháng, nếu áp dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 thì tương đương khoảng 25 nghìn tỷ đồng.
Để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu NSNN trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán NSNN, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt trong công tác quản lý thu NSNN, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế; trong điều hành yêu cầu cả ngân sách trung ương và ngân sách các địa phương phải tiếp tục rà soát, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần thiết (kể cả chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên) để đảm bảo cân đối chi ngân sách, không làm phát sinh tăng bội chi so với mức Quốc hội đã quyết định.
VTV