MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngày càng mất vị thế, lợi nhuận “Eiffel Việt Nam” chưa năm nào vượt quá 30 tỷ đồng

26-06-2017 - 08:23 AM | Doanh nghiệp

Tại Sài Gòn, Công ty Eiffel đã thực hiện các công trình Cầu quay Vận tải Hải dương; Bến cảng Sài Gòn (1901-1915); Bến Nhà Rồng (1927-1929)…

Alexander Gustave Eiffel sinh ngày 15/12/1832 tại Dijon, Pháp. Ông là một trong những kiến trúc sư vĩ đại nhất mọi thời đại, là tác giả của ngọn tháp lừng danh Eiffel đồng thời là đồng tác giả của tượng Nữ thần Tự do bất hủ ở Mỹ và những công trình kiến trúc nổi tiếng trên thế giới.

Năm 1958, ông thành lập công ty xây dựng và ban đầu lấy tên là Xưởng G.Eiffel. Đến năm 1893, đổi tên thành công ty Xây dựng Levallois Perret và đến năm 1937, tiếp tục đổi tên thành Công ty Eiffel. Hoạt động của Eiffel không chỉ gói gọn trong nước Pháp mà còn phát triển nở rộ trên toàn Châu Âu và thế giới.


Gustave Eiffel - một trong những kiến trúc sư vĩ đại nhất mọi thời đại

Gustave Eiffel - một trong những kiến trúc sư vĩ đại nhất mọi thời đại

Tại Đông Dương nói chung và Việt Nam nói riêng, Eiffel cũng ghi dấu ấn đậm nét với hàng loạt công trình kiến trúc đồ sộ, được thực hiện thông qua công ty Eiffel Asia – một chi nhánh của hãng Eiffel.

Cụ thể, tại Sài Gòn, Công ty Eiffel đã thực hiện các công trình Cầu quay Vận tải Hải dương; Bến cảng Sài Gòn (1901-1915); Bến Nhà Rồng (1927-1929); Các nhà kho bến cảng; Cầu Kinh Tẻ; Hệ thống thu dẫn nước Tân Sơn Nhất; Các bể chứa nước trên phố Pellerin; Riêng tại Chợ Lớn, công ty đã làm các công trình như Cầu Malabars; Cầu Cần Giuộc. Tại Hải Phòng, Eiffel cũng để lại dấu ấn với cầu Joffre (cầu Lạc Long) và cầu Hạ Lý.


Cầu Tràng Tiền - Huế

Cầu Tràng Tiền - Huế


Bến Cảng nhà Rồng - TP.HCM

Bến Cảng nhà Rồng - TP.HCM

Tại miền Trung, Eiffel đã trùng tu cầu Tràng Tiền; xây dựng những cây cầu trên tuyến đường sắt Sài Gòn - Mỹ Tho, Sài Gòn - Phan Thiết - Phan Rang; xây móng và lắp ráp những cây cầu lớn trên tuyến đường Đà Nẵng - Nha Trang; Cầu Gò Dầu Hạ; Cầu trên sông Srépok tại Ban Mê Thuột...

Ngoài ra, công ty còn thực hiện việc xây móng chiếc cầu mới trên sông Stung-Slot (tuyến đường Sài Gòn - Phnôm Pênh); Các cây cầu trên tuyến đường thuộc địa số 23 từ Muongphine đến Saravane; Các cây cầu trên đường số 13 từ Paksé đến Viêng Chăn. Tại Phnôm pênh, công ty Eiffel cũng thiết kế các bể chứa nước; cầu trên sông Bassac; các cầu tàu, bến cảng; Lắp đặt xiphông tại hồ Tonlé-Sap để cung cấp nước cho thành phố. Bên cạnh đó, công ty Eiffel cũng đã xây dựng hầu hết các chợ có kết cấu khung thép ở Đông Dương.

“Eiffel Việt Nam” ngày nay ra sao?

Từ năm 1977 công ty Eiffel Asia được chuyển giao cho chính phủ Việt Nam. Qua quá trình xây dựng và trưởng thành, công ty đã từng có những tên gọi xí nghiệp lắp máy; Công ty Xây lắp, CTCP Đầu Tư và Xây Lắp Chương Dương và nay là CTCP Chương Dương – Chương Dương Corp (Mã CK: CDC).

Hiện tại, đại diện phần vốn Nhà nước tại Chương Dương Corp là TCT Vật liệu xây dựng số 1 (FICO) chỉ còn nắm giữ 3,73 triệu cổ phiếu CDC, tương ứng tỷ lệ sở hữu 23,77% doanh nghiệp này.

Với nền tảng có sẵn từ thời Eiffel, Chương Dương Corp được thừa hưởng thế mạnh về việc thi công xây dựng công trình, kết cấu thép. Hoạt động kinh doanh của công ty không chỉ bó gọn trong lĩnh vực xây dựng như trước mà đã mở rộng sang các lĩnh vực bất động sản, văn phòng cho thuể, kinh doanh vật liệu xây dựng.

Tuy vậy, khác với thời hoàng kim xưa kia, “Effeil Việt Nam” hiện không còn giữ được vị thế là công ty xây hàng đầu và bị hàng loạt những cái tên mới nổi như Coteccons, Hòa Bình, Delta, Phục Hưng Holdings…bỏ xa. Địa bàn hoạt động của Chương Dương Corp cũng thu hẹp đáng kể, chủ yếu hiện diện tại TP.HCM và các tỉnh Nam trung bộ.

Với vị thế ngày càng có phần suy yếu, trong suốt 10 năm qua, doanh thu Chương Dương Corp chỉ quanh quẩn 200 – 300 tỷ đồng mỗi năm và lợi nhuận chưa năm nào quá 30 tỷ đồng. Hiện tại, cổ phiếu CDC đang giao dịch quanh vùng giá 15.000 đồng, tương ứng vốn hóa thị trường Chương Dương Corp đạt 234 tỷ đồng.

Hoàng Anh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên