MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngày càng nhiều cổ phiếu có chất lượng thấp được đẩy giá cao, thị trường đang có phần "nóng" trong ngắn hạn

Ngày càng nhiều cổ phiếu có chất lượng thấp được đẩy giá cao, thị trường đang có phần "nóng" trong ngắn hạn

Tần suất xuất hiện ngày càng nhiều hơn các hàng hóa cổ phiếu có chất lượng xấu nhưng giá lại được đẩy lên cao. Điều này không chỉ ảnh hưởng đồng tiền của nhà đầu tư mà còn tới sự phát triển chung của thị trường.

Sự phát triển mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Việt Nam trong một vài năm trở lại đây đã khiến nhiều người không khỏi bất ngờ, vượt xa các dự báo của chuyên gia hay nhà phân tích. 

Trao đổi trong buổi Tọa đàm sáng 18/11 do Báo Đầu tư Chứng khoán phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức, ông Lê Chí Phúc, Tổng Giám đốc SGI Capital lạc quan cho rằng nếu so sánh với các thị trường đi trước Việt Nam khoảng 10 đến 15 năm thì dư địa phát triển cho thị trường vẫn còn rất lớn. Hiện mới chỉ có 1% lượng dân số thực sự tham gia đầu tư chứng khoán tuy nhiên giá trị giao dịch đã bùng nổ với hàng loạt phiên tỷ đô.

Dựa trên nghiên cứu, ông Phúc chỉ ra những nguyên nhân đã đưa thị trường chứng khoán Việt Nam trở nên bứt phá như vậy. Đó là việc bản thân người dân Việt Nam khi tiếp cận với những thị trường tài chính, những sản phẩm mới về đầu tư, thông qua công nghệ mới để mở tài khoản hay nền tảng giao dịch mới đều rất cởi mở. Đây chính là điểm khác biệt giúp quy mô giao dịch vượt qua rất nhiều thị trường khác trong khu vực.

Ngày càng nhiều cổ phiếu có chất lượng thấp được đẩy giá cao, thị trường đang có phần nóng trong ngắn hạn - Ảnh 1.

Nguồn: Tọa đàm tổ chức bởi Báo Đầu tư

Vị CEO SGI Capital đánh giá, "sẽ không mất quá nhiều thời gian để chứng khoán trở thành một trong những kênh tài sản đầu tư trọng điểm bên cạnh những kênh truyền thống. Sự thay đổi trong tư duy người Việt đang diễn ra nhanh hơn những kỳ vọng mà các công ty chứng khoán hay quản lý quỹ như chúng tôi đã đề ra".

Tầm nhìn 3 -5 năm tới, ông Lê Chí Phúc nhận định quy mô phát triển thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng sẽ còn phát triển nhanh hơn nữa, và gây bất ngờ cho cả những người lạc quan nhất.

Ba động lực thúc đẩy thị trường bứt phá

Cùng chung quan điểm này, ông Trần Lê Minh, Giám đốc Đầu tư Dragon Capital cho rằng hiện tại là thời điểm thị trường chứng khoán đang có sự thay đổi về mặt bản chất. Hiện tại, các động lực phát triển đã dần xuất hiện, qua đó phát sinh những động lực khác cho sự phát triển của thị trường.

Đầu tiên, ông Minh đề cập đến yếu tố tài chính, mức GDP bình quân đầu người của Việt Nam hiện đã tăng lên 2.700 USD, trong đó riêng hai thành phố lớn Hà Nội và TP.HCM, mức thu nhập đã vượt ngưỡng 5.000 USD. Khi đạt đến một ngưỡng nhất định, tầng lớp trung lưu tăng lên, qua đó nhu cầu đầu tư tài chính trong người dân sẽ tự động tăng lên. Trong bối cảnh lãi suất gửi tiết kiệm giảm, nhu cầu đầu tư cổ phiếu, trái phiếu hay bảo hiểm sẽ nhanh chóng gia tăng.

Thứ hai, vị chuyên gia đến từ Dragon Capital đạm giá, bước tiến trong công nghệ đã đem lại sự thay đổi lớn trong hoạt động cho công ty chứng khoán và công ty trong ngành quản lý quỹ. Cách thức tiếp cận khách hàng đã trở nên dễ dàng khi chỉ một phần mềm trên điện thoại đã hoàn toàn có thể tham gia đầu tư chứng khoán, tạo nên động lực kích thích đầu tư trong dân cư.

Ngày càng nhiều cổ phiếu có chất lượng thấp được đẩy giá cao, thị trường đang có phần nóng trong ngắn hạn - Ảnh 2.

Nguồn: Tọa đàm tổ chức bởi Báo Đầu tư

Cuối cùng, động lực thứ ba được ông Trần Lê Minh đề cập đến chính là thay đổi về nhận thức người đầu tư.

Ở thời điểm hiện tại, nhu cầu muốn độc lập tài chính trở nên mạnh mẽ khi yếu tố dịch bệnh xuất hiện tại Việt Nam. "Tần suất tìm kiếm cụm từ "bỏ phố về quê" có tới hơn 34 triệu lượt tìm kiếm và tăng vọt từ tháng 10/2020, cho thấy sự quan tâm đối với việc tự do tài chính, an toàn tài chính, về hưu sớm ngày một rõ ràng", ông Minh đưa ra minh họa. 

Trên thực tế, thị trường chứng khoán đã có sự tăng trưởng số lượng người tham gia một cách thần kỳ, một năm bằng 4 năm trước cộng lại.

Thanh khoản TTCK Việt Nam vượt cả Singapore, mức tăng có quá "nóng"?

Tuy vậy, xét theo góc độ ngược lại, ông Trần Lê Minh cho rằng cũng nên đặt ra một câu hỏi mà mức tăng này có "nóng" hay không, và một thế hệ nhà đầu tư vẫn chưa có đủ kiến thức chuyên môn về lĩnh vực đang dấn thân vào. Do đó, tần suất xuất hiện ngày càng nhiều hơn các hàng hóa cổ phiếu có chất lượng xấu nhưng giá lại được đẩy lên cao. Điều này không chỉ ảnh hưởng đồng tiền của nhà đầu tư mà còn tới sự phát triển chung của thị trường.

Đánh giá thêm về mối băn khoăn trên, ông Phạm Vũ Thăng Long, Giám đốc Nghiên cứu kinh tế vĩ mô Công ty Chứng khoán HSC cho rằng giao dịch bùng nổ dù mang đến sự phấn khởi cho các nhà đầu tư nhưng cũng không phải không có nghi ngại được đặt ra.

Ngày càng nhiều cổ phiếu có chất lượng thấp được đẩy giá cao, thị trường đang có phần nóng trong ngắn hạn - Ảnh 3.

Nguồn: Tọa đàm tổ chức bởi Báo Đầu tư

Theo ông Long, quy mô giao dịch 20.000 tỷ đồng/phiên trước đây đã là một niềm mơ ước, tuy nhiên hiện tại những phiên giao dịch tỷ đô đã không còn quá xa lạ. Đặc biệt, nếu so với các nước trong khu vực, giá trị giao dịch tại thị trường chứng khoán Việt Nam có những phiên vượt cả thị trường Singapore và gần bằng Thái Lan. Trong khi đó, quy mô GDP của Việt Nam mới bằng 2/3 Thái Lan.

Về mặt điểm số, chỉ số chính VN-Index từ khoảng năm 2020 đến nay đã tăng 54%, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong các chỉ số của khu vực Đông Nam Á.

Ông Phạm Vũ Thăng Long đánh giá, đà tăng này có mức độ "nóng" nhất định trong ngắn hạn. Tuy vậy, xét về dài hạn, chuyên gia HSC cho rằng, GDP bình quân đầu người Việt Nam ước tính sẽ đạt khoảng 25 triệu/người – gấp đôi hiện tại và sự gia tăng của tầng lớp trung lưu sẽ là cơ sở cho mục tiêu 8% dân số mở tài khoản chứng khoán tới năm 2030 như Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã đề cập.

Phương Linh

Doanh Nghiệp Tiếp Thị

Trở lên trên