Ngày càng nhiều người bị suy thận vì những lý do không ngờ: Bạn sẵn sàng bỏ ngay bây giờ?
Hàng ngày, chúng ta đang thực hiện nhiều hành vi vô tình gây tổn thương thận mà không hề hay biết. Sau khi đọc những thông tin dưới đây, bạn hãy từ bỏ chúng ngay nhé.
Chúng ta đều biết rằng thận rất quan trọng đối với sức khỏe con người. Thận có nhiệm vụ lọc máu, sản xuất hormone, hấp thụ khoáng chất, sản xuất nước tiểu, loại bỏ độc tố và điều chỉnh huyết áp.
Nhưng ít người ngờ rằng những thói quen sinh hoạt hàng ngày có nhiều hành vi vô tình gây tổn thương thận. Để cơ thể luôn khỏe mạnh, bạn nên loại bỏ những thói quen gây hại cho thận dưới đây.
1. Không uống đủ nước
Uống đủ nước giúp thận loại bỏ natri và độc tố ra khỏi cơ thể. Còn uống nhiều nước cũng là một trong những cách tốt nhất để tránh bị sỏi thận.
Nếu cơ thể bạn bị thiếu nước, lượng máu lưu thông đến thận có xu hướng giảm sút, làm cản trở khả năng loại bỏ độc tố ra khỏi cơ thể và gây ra nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.
Theo khuyến cáo, mỗi người nên uống 1,5 – 2 lít nước để thận hoạt động hiệu quả hơn.
2. Lạm dụng muối
Chế độ ăn chứa nhiều muối sẽ khiến cơ thể dung nạp hàm lượng natri cao, vốn có thể làm tăng huyết áp, từ đó làm hại thận. Vì vậy, nếu bạn ăn quá nhiều muối, thận sẽ phải làm việc quá mức để bài tiết lượng muối dư thừa ra khỏi cơ thể, dần dần gây suy giảm chức năng thận.
Lưu ý, bạn không nên ăn quá 5 gr muối/ngày.
3. Ăn thực phẩm chế biến sẵn
Thực phẩm chế biến sẵn là nguồn giàu natri và phốt pho. Những người bị bệnh thận cần hạn chế lượng phốt pho trong khẩu phần ăn.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người không bị bệnh thận dung nạp nhiều lượng phốt pho từ thực phẩm chế biến sẵn có thể bị tổn thương thận và xương.
4. Thiếu ngủ
Một giấc ngủ ngon vào ban đêm rất tốt cho sức khỏe toàn cơ thể nói chung và cho 2 quả thận nói riêng. Chức năng thận được điều chỉnh bởi chu kỳ ngủ-thức, vốn giúp phối hợp hoạt động của thận trong24 giờ.
Theo nhiều nghiên cứu, ngủ không đủ giấc cũng gây tắc nghẽn động mạch, tăng huyết áp, làm tăng nguy cơ tổn thương thận.
5. Ăn quá nhiều thịt
Protein động vật tạo ra một lượng axit cao trong máu, từ đó có thể gây hại cho thận và gây ra chứng acidosis - một tình trạng mà thận không thể loại bỏ được acid đủ nhanh.
Protein là cần thiết cho sự tăng trưởng, bảo dưỡng và sửa chữa của tất cả các bộ phận cơ thể nhưng chế độ ăn uống của bạn nên được cân bằng với trái cây và rau củ.
6. Ăn quá nhiều thực phẩm chứa nhiều đường
Đường góp phần gây béo phì, tình trạng làm tăng nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp và tiểu đường, là nguyên nhân hàng đầu gây ra bệnh thận.
Ngoài món tráng miệng, đường thường được thêm vào thức ăn và đồ uống mà bạn có thể không xem là "ngọt". Hãy nhớ giảm tiêu thụ ngũ cốc ăn sáng và bánh mì trắng, nước uống có ga, nước tăng lực... những thực phẩm chứa nhiều đường.
7. Hút thuốc
Rõ ràng, hút thuốc không tốt cho phổi và tim. Nhưng bạn có biết rằng hút thuốc không cũng tốt cho thận? Những người hút thuốc có nhiều khả năng chứa protein trong nước tiểu - một dấu hiệu của tổn thương thận.
8. Uống rượu quá nhiều
Thường xuyên uống rượu nhiều, tức là hơn 4 cốc/ngày được chứng minh là tăng gấp 2 lần nguy cơ bị bệnh thận mãn tính. Những người nghiện rượu nặng kèm theo hút thuốc đối mặt với nguy cơ bị bệnh liên quan đến thận còn cao hơn nữa.
Những người hút thuốc mà uống rượu mạnh sẽ có khả năng bị bệnh thận mãn tính gấp 5 lần so với những người không hút thuốc hoặc uống rượu quá nhiều.
9. Ngồi nhiều
Ngồi trong một thời gian dài được biết đến liên quan đến nguy cơ phát triển bệnh thận. Để giảm nguy cơ mắc bệnh thận, mọi người nên tích cực tập luyện thể chất với cường độ từ mức trung bình đến nặng, như đi bộ nhanh, chạy bộ và giảm thời gian ngồi.
10. Lạm dụng thuốc giảm đau
Các loại thuốc giảm đau phổ biến như NSAIDs (thuốc chống viêm không steroid) có thể làm giảm những cơn đau nhức nhưng lại có thể gây hại cho thận, đặc biệt nếu bạn đã bị bệnh thận. Hạn chế uống NSAIDs và không bao giờ vượt quá liều khuyến cáo.
* Theo Kidney.org
Trí thức trẻ