Ngày mai lấy ý kiến dân về mức giảm phí BOT quốc lộ 91
Ngày mai (30-1), Tổng cục Đường bộ Việt Nam cùng với chủ đầu tư và địa phương sẽ họp với người dân và doanh nghiệp để lấy ý kiến phương án giảm phí BOT tại hai trạm T1 và T2 trên quốc lộ 91.
- 24-01-2018Từ 25/1, xử phạt ô tô dừng quá 5 phút ở trạm BOT
- 23-01-2018Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Không làm BOT trên đường hiện hữu
- 19-01-2018Thủ tướng ra công điện bảo đảm an ninh trật tự tại các trạm thu phí BOT
- 09-12-2017Thừa Thiên - Huế đề nghị miễn giảm phí BOT cho người dân địa phương
Ngày 29-1, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật đã làm việc với UBND TP Cần Thơ và các tỉnh liên quan xung quanh việc bàn phương án giảm giá phí đối với một số phương tiện trên địa bàn Cần Thơ và các tỉnh khi lưu thông qua hai trạm thu phí BOT trên quốc lộ 91 .
Trao đổi với một số báo sau khi kết thúc cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Đào Anh Dũng cho biết cuộc họp thống nhất giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam, cùng với chủ đầu tư và địa phương sẽ họp với dân và doanh nghiệp ở quận Ô Môn để bàn phương án giải quyết vào ngày mai (30-1).
Theo đó, cuộc họp ngày mai sẽ bàn phương án giảm phí BOT cho một số phương tiện qua trạm T1 (quốc lộ 91, đặt tại quận Ô Môn).
Đối với trạm T2 (đặt tại quận Thốt Nốt), ông Dũng cho biết cũng có phương án giảm và trong cuộc họp ngày mai Tổng cục Đường bộ cũng sẽ có ý kiến luôn.
Một số xe phản đối về mức phí tại trạm T1 gây ra cảnh ùn tắc nhẹ tại trạm này vào ngày 13-1. Ảnh: GT
Chúng tôi tiếp tục trao đổi thêm với ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở GTVT TP Cần Thơ, ông Dũng cho biết cuộc họp thống nhất, ngày mai Sở GTVT, UBND quận Ô Môn, nhà đầu tư, Tổng cục Đường bộ, Vụ PPP của Bộ GTVT tổ chức cuộc họp với các hộ dân, doanh nghiệp và tổ chức trên địa bàn quận Ô Môn để lấy ý kiến người dân và doanh nghiệp về phương án miễn, giảm.
“Trên cơ sở lấy ý kiến của doanh nghiệp, người dân, tổ chức, địa phương phối hợp với nhà đầu tư, Tổng cục Đường bộ, Vụ PPP sẽ trình cho Bộ GTVT xem xét quyết định chính thức mức giảm trạm T1 và T2.
Cuộc họp ngày mai sẽ đưa ra phương án giảm của khu vực lân cận là phường nào, mức giảm bao nhiêu để lấy ý kiến người dân, doanh nghiệp xem mức giảm đó thế nào, hợp lý chưa.
Nếu người dân đồng thuận cao phương án đưa ra sẽ trình Bộ xem xét. Còn nếu người dân không đồng thuận thì xem người ta có ý kiến gì nữa rồi cập nhật bổ sung, báo cáo trình Bộ” - ông Dũng cho hay.
Đối với trạm BOT Cần Thơ-Phụng Hiệp, ông Dũng cho biết hôm nay UBND TP Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang cũng có đề xuất.
Theo đó, thứ trưởng thống nhất giao Tổng cục Đường bộ, nhà đầu tư và Vụ PPP xem xét lại phương án tài chính theo đề xuất của Cần Thơ và Hậu Giang rồi trình Bộ GTVT để quyết định.
Pháp luật TPHCM