MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngày mai, mở phiên phúc thẩm vụ án “đất vàng” 8-12 Lê Duẩn

28-11-2021 - 14:34 PM | Xã hội

Ngày mai, mở phiên phúc thẩm vụ án “đất vàng” 8-12 Lê Duẩn

Sau phiên xử sơ thẩm hơn một năm trước, các bị cáo trong vụ án đồng loạt kháng cáo.

Ngày mai (29/11), TAND cấp cao tại TP.HCM dự kiến mở phiên tòa phúc thẩm vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” với các bị cáo Nguyễn Thành Tài, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM; Lê Thị Thanh Thúy, cựu Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm, Chủ tịch HĐQT CTCP đầu tư Lavenue và đồng phạm.

Trước đó, ngày 20/9/2020, TAND TP.HCM xét xử sơ thẩm tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thành Tài 8 năm tù; bị cáo Lê Thị Thanh Thúy, bị cáo Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM cùng 5 năm tù; bị cáo Nguyễn Hoài Nam, nguyên Bí thư quận 2 án 4 năm tù; bị cáo Trương Văn Út, nguyên Phó trưởng phòng Quản lý đất thuộc Sở Tài nguyên Môi trường TP.HCM án 3 năm tù.

HĐXX tuyên buộc Công ty Lavenue trả lại khu đất 8-12 Lê Duẩn cho UBND TP.HCM; hủy bỏ các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các giấy tờ đã cấp cho công ty này. Nhà nước thiệt hại 4,7 tỷ trong việc dỡ bỏ căn nhà số 12 Lê Duẩn nên buộc 5 bị cáo liên đới bồi thường số tiền này theo tỷ lệ bằng nhau.

Theo HĐXX, bị cáo Nguyễn Thành Tài là người nhận thức rõ nhà đất 8-12 Lê Duẩn thuộc sở hữu Nhà nước. Bị cáo biết Công ty Hoa Tháng Năm của bị cáo Lê Thị Thanh Thúy mới thành lập, không có năng lực tài chính cũng như kinh nghiệm trong lĩnh vực khách sạn nhưng vì nể nang mối quan hệ với bị cáo Thúy; đồng thời muốn đẩy nhanh dự án nên bị cáo Tài đã đồng ý cho Công ty Hoa Tháng Năm tham gia dự án 8-12 Lê Duẩn rồi ký nhiều văn bản trái luật.

Về thiệt hại trong vụ án, Viện kiểm sát cáo buộc các bị cáo gây thất thoát lãng phí hơn 1.927 tỷ đồng. Tuy nhiên, HĐXX chấp nhận quan điểm bào chữa của các luật sư về xác định thiệt hại trong vụ án là tại thời điểm hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Thành Tài và đồng phạm là gần 253 tỷ đồng.

Cụ thể, tại thời điểm giao đất thực hiện dự án, nếu giao đất qua đấu giá và cho thu tiền sử dụng đất thì Nhà nước sẽ thu được khoản tiền tương đương quyền sử dụng đất và tài sản trên đất theo kết luận của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự là hơn 900 tỷ đồng. Nhưng với quyết định giao đất trái pháp luật của bị cáo Tài, Nhà nước chỉ thu được số tiền hơn 647 tỷ đồng (Lavenue đã đóng vào ngân sách).

Với số tiền hơn 647 tỷ đồng mà Lavenue đã nộp ngân sách thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với dự án 8-12 Lê Duẩn, trong đó Công ty Hoa Tháng Năm góp 30%, Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP góp 20%, Công ty KIDO (trước đây là Kinh Đô) góp 50%, HĐXX tuyên tịch thu vốn góp của Công ty Hoa Tháng Năm, trả lại số tiền góp vốn của Công ty Quản lý kinh doanh nhà TP và Công ty KIDO.

HĐXX cũng tuyên thu hồi số tiền 200 tỷ đồng mà 4 công ty thuộc Bộ Công Thương hưởng lợi từ việc chuyển nhượng 50% vốn góp tại Lavenue cho Công ty KIDO.

Sau bản án sơ thẩm, 4 bị cáo Tài, Kiệt, Nam, Út kháng cáo xin xem xét lại mức án; 3 bị cáo Nam, Kiệt, Út kháng cáo không chấp nhận liên đới cùng bị cáo Tài, Thúy bồi thường hơn 4,7 tỷ đồng.

Riêng bị cáo Lê Thị Thanh Thúy kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Bà Thúy cho rằng, bản án sở thẩm đã tuyên trái với Khoản 2 Điều 98 Bộ luật TTHS năm 2015 về “lời khai của bi can, bị cáo” khi đã dùng lời khai của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội, kết tội bị cáo mà không có chứng cứ vật chất trực tiếp kèm theo.

Liên quan việc tòa tuyên tịch thu hơn 189 tỷ đồng của Công ty Hoa Tháng Năm góp vốn vào Công ty Lavenue, phía bà Thúy cho rằng, nhận định và quyết định của tòa cấp sơ thẩm là không thuyết phục bởi lẽ không có bất cứ tài liệu chứng cứ nào chứng minh Công ty Hoa Tháng Năm được thành lập nhằm mục đích hoạt động tội phạm. Số tiền góp vốn vào Công ty Lavenue không phải là vật chứng để có thể bị tịch thu theo Điều 47 BLHS 2015.

Viện trưởng Viện KSND TP.HCM sau đó đã kháng nghị bản án sơ thẩm về phần xử lý vật chứng và tiền thiệt hại trong vụ án.

Theo Viện KSND TP.HCM, HĐXX sơ thẩm chỉ thu hồi 126/157 tỷ đồng là tiền vốn góp của Công ty quản lý kinh doanh nhà để trả về cho ngân sách Nhà nước là vẫn gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 30 tỷ đồng.

Theo Viện KSND TP.HCM, thiệt hại cần được xác định tại thời điểm khởi tố vụ án là hơn 1.927 tỷ đồng theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, không phải là 253 tỷ đồng, tại thời điểm các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội.

Theo Huyền Trâm

BizLive

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên