Nỗi ám ảnh khủng hoảng di cư trở lại châu Âu
Thảm kịch chìm thuyền khiến hơn 60 người thiệt mạng ngoài khơi Italy hôm 26/2 một lần nữa khiến nỗi ám ảnh khủng hoảng di cư trở lại với châu Âu. Năm 2022, châu lục này đã phải chứng kiến số lượng người di cư cao nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng năm 2015.
- 01-03-2023Cúm gia cầm khiến gần 60 triệu con gà chết ở Mỹ nhưng tại sao Trung Quốc lại lao đao?
- 01-03-2023Bí mật bên trong một công ty tự xưng là 'tốt nhất Trái đất'
- 01-03-2023Chuyện về công ty từng từ chối mua lại Netflix, từ thống trị với 9.000 cửa hàng đến chỗ phá sản
Thuyền chở người di cư từ Afghanistan, Iran và một số nước khác, khởi hành từ Thổ Nhĩ Kỳ đã bị chìm sáng 26/2 ở vùng bờ biển phía Đông Calabria của Italy, làm ít nhất 64 người chết và hàng chục người vẫn đang mất tích. Vào thời điểm gặp nạn, chiếc thuyền được cho là đang chở khoảng 150-200 người di cư. Và đây mới chỉ là phần nổi của tảng băng. Thảm họa là hồi chuông cảnh tỉnh buộc Liên minh châu Âu phải đánh giá lại chính sách tị nạn của mình.
Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người sống sót sau thảm họa chìm thuyền ở Steccato di Cutro, gần Crotone, Italy, ngày 28/2. Ảnh: Reuters
Người phát ngôn Ủy ban châu Âu Anitta Hipper thừa nhận: “Di cư là một thách thức của châu Âu và phải được giải quyết cùng nhau và đây là những gì chúng tôi đang làm. Chúng ta có nghĩa vụ pháp lý để giải cứu và đảm bảo an toàn tính mạng trên biển”.
Nếu như năm 2015, dòng người tị nạn và người di cư ồ ạt đổ vào châu Âu phần nhiều là chạy trốn xung đột và chiến tranh, thì 8 năm sau châu lục đang phải đối mặt với sự gia tăng gần 64% số người di cư trái phép vượt biển. Một con số không bao gồm gần 8 triệu người tị nạn Ucraina hiện sống rải rác khắp châu Âu. Tuy nhiên châu Âu lại vẫn chưa sẵn sàng để cải cách hệ thống tị nạn của mình. Các nhà hoạch định chính sách đang rơi vào tình thế khó khăn khi các hội nghị thượng đỉnh toàn cầu như Hội nghị các bên tham gia công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 27 (COP 27) và Diễn đàn kinh tế thế giới Davos đã thất bại trong việc giải quyết vấn đề di cư liên quan đến khí hậu.
Bà Sara Prestianni, nhà hoạt động nhân quyền thuộc tổ chức EuroMed Rights đánh giá: “Hiện nay chính sách di cư của châu Âu hướng ra bên ngoài nhiều hơn, với việc tăng cường cách tiếp cận bằng đòn bẩy và có điều kiện. Tuy nhiên, đó không phải là giải pháp, mà thậm chí còn là một phần của vấn đề. Thảm kịch ở Italia một lần nữa cho thấy, giải pháp duy nhất có thể để ngăn người di cư mạo hiểm tính mạng trên biển là tăng cường các con đường hợp pháp và tiếp cận hợp pháp vào Liên minh châu Âu”.
Thảm kịch chìm thuyền chở người di cư không phải là lần đầu tiên xảy ra. Nhưng ngày càng có nhiều người đang cố gắng bất chấp hiểm nguy để đến với “miền đất hứa”, mà con số kỷ lục 15.000 người hồi năm 2022 là minh chứng rõ nhất. Trên toàn cầu, dòng người di cư cũng đã tăng gấp đôi trong thập kỷ qua.
VOV