Ngày tàn của những nhà môi giới, thương nhân tài chính Phố Wall?
Năm 2010, doanh thu từ nghiệp vụ môi giới giao dịch chứng khoán của 12 ngân hàng lớn nhất Mỹ đạt 149 tỷ USD thì đến năm 2019, con số này chỉ còn 83 tỷ USD.
- 27-09-2020Tránh sự suy giảm từ thị trường chứng khoán, giới nhà giàu chuyển hướng đầu tư vào... đồng hồ
- 24-09-2020Nhà đầu tư cá nhân giúp giá trị công ty chứng khoán Trung Quốc ‘tăng điên cuồng’
- 15-09-2020The Economist: Hãy cẩn thận với sức mạnh của những nhà đầu tư nhỏ lẻ được trang bị vũ khí là hợp đồng phái sinh
Phố Wall từng là tâm điểm của thị trường chứng khoán thế giới với sự sôi động của dòng tiền. Khung cảnh nhốn nháo, ồn ào tại các sàn chứng khoán Phố Wall đã trở thành biểu tượng của nền kinh tế Mỹ.
Thế nhưng giờ đây, các công ty đang sa thải dần những thương nhân tài chính (Trader), thay vào đó là công nghệ điện tử ít tốn kém cũng như hiệu quả hơn. Ví dụ như Goldman Sachs, họ có khoảng 500 thương nhân tài chính cách đây 15 năm với nhiệm vụ nói chuyện cùng khách hàng qua điện thoại và đặt lệnh. Thế nhưng ngày nay theo hãng tin CNBC, công ty này chỉ còn khoảng 3 người chịu trách nhiệm công việc này bởi chúng chủ yếu được giao dịch qua nền tảng điện tử online.
Số lượng thương nhân tài chính, nhà môi giới và nghiên cứu của 12 hãng đầu tư lớn nhất Mỹ đã giảm từ 49.200 người vào năm 2010 xuống chỉ còn 32.200 người năm 2019, mức giảm 35%. Tại mảng chứng khoán, các ngân hàng này thuê khoảng 21.400 nhân viên vào năm 2010 thì đến năm 2019, con số này chỉ còn 16.000 người.
Trong vài năm trở lại đây, hàng loạt những tập đoàn lớn như Deutsche Bank, Citigroup hay Societe General đã sa thải lượng lớn thương nhân tài chính khi áp dụng nền tảng công nghệ mới. Thậm chí Deustch Bank còn tuyên bố từ bỏ mảng kinh doanh chứng khoán quốc tế và sa thải 18.000 lao động.
Nguyên nhân chính nằm ở công nghệ thuật toán giao dịch đang ngày một phát triển, cho phép người mua và người bán tự động khớp lệnh với nhau. Thậm chí nhiều ứng dụng còn cho phép nhà đầu tư mua bán cổ phiếu theo những thuật toán hoặc đặt lệnh tự động theo những nhà đầu cơ nổi tiếng. Chính điều này đã khiến lợi nhuận mảng môi giới giao dịch chứng khoán bị suy giảm mạnh.
Các chuyên gia đều cho rằng nền tảng giao dịch điện tử hiện nay khiến thị trường trở nên hiệu quả hơn, dễ tiếp cận cũng như rẻ hơn so với truyền thống.
Tất nhiên, nền tảng giao dịch điện tử cũng đi kèm với nhiều rủi ro. Năm 2010, một trục trặc kỹ thuật đã khiến 1 nghìn tỷ USD trên thị trường chứng khoán Mỹ bốc hơi chỉ trong 36 phút.
Cuộc cách mạng của Phố Wall
Nghề thương nhân tài chính được cho là khởi đầu từ thế kỷ 17 tại Amsterdam khi Công ty Đông Ấn Hà Lan phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Vài trăm năm sau, các sàn giao dịch chứng khoán bùng nổ ở các nơi trên thế giới và nghề thương nhân tài chính là xương sống của các sàn này cho đến tận thập niên 1990.
Trước khi nền tảng giao dịch điện tử được ứng dụng, phần lớn các giao dịch chứng khoán sẽ phải thông qua thương nhân tài chính. Các giao dịch sẽ được hoàn thành bởi con người và chính những nhân viên này sẽ là người chủ động tìm người mua hoặc bán, tự thỏa thuận và nắm quyền kiểm soát.
Khách hàng đầu tư dù mang danh nghĩa sở hữu cổ phiếu nhưng nhiều người không có kiến thức chuyên môn cũng như không nắm bắt được thị trường, qua đó bị các nhà môi giới thao túng.
Trước năm 2005, sàn giao dịch chứng khoán New York vẫn phải mất đến 9 giây để hủy một lệnh giao dịch và các thương vụ vẫn chủ yếu được hoàn thành bởi nhân lực dù công nghệ đã được ứng dụng khá nhiều trên thị trường chứng khoán.
Dần dần, sự bùng nổ của máy tính cá nhân, điện thoại di động cùng nhiều công nghệ khác đã thúc đẩy nền tảng giao dịch điện tử cũng như các thuật toán đầu tư. Các lệnh mua bán dần được tự động khớp với nhau trên các nền tảng giao dịch điện tử. Sàn chứng khoán New York hiện nay dù vẫn còn không gian cho các thương nhân tài chính nhưng phần lớn các lệnh mua bán đã được chuyển qua tự động.
Ngày tàn của nghề môi giới chứng khoán?
Tại Mỹ, thương nhân tài chính là những nhà đầu tư chuyên nghiệp được đào tạo làm việc trong một công ty tài chính hoặc các cá nhân nhỏ lẻ. Họ mua và bán các công cụ tài chính được trao đổi trên các thị trường chứng khoán, thị trường phái sinh và thị trường hàng hóa, gồm có các sàn giao dịch chứng khoán, sàn giao dịch phái sinh và sàn giao dịch hàng hóa.
Theo Sifma, Mỹ có khoảng 484.500 lao động làm trong ngành chứng khoán thập niên 1990. Tính đến cuối năm 2017, con số này là 952.500 người.
Mức tiền thưởng cho nhân viên ngành chứng khoán cũng qua thời đỉnh cao. Khởi điểm với mức bình quân 24.928 USD năm 1989 và đạt đỉnh 248.223 USD vào năm 2006 sau đó suy giảm chỉ còn 153.700 USD vào năm 2018.
Hãng tin CNBC cho biết kể từ năm 2010 đến nay, mức thưởng cho nhân viên môi giới, thương nhân tài chính chứng khoán của Phố Wall đang giảm nhanh chóng. Nguyên nhân chính là mức phí giao dịch lẫn môi giới đang ngày một giảm do ảnh hưởng từ các nền tảng giao dịch điện tử cũng như thuật toán, khiến các công ty và ngân hàng có ít lợi nhuận cuối năm để thưởng cho nhân viên hơn.
Năm 2010, doanh thu từ nghiệp vụ môi giới giao dịch chứng khoán của 12 ngân hàng lớn nhất Mỹ đạt 149 tỷ USD thì đến năm 2019, con số này chỉ còn 83 tỷ USD.
Trước năm 1997 khi nền tảng giao dịch điện tử bắt đầu được ứng dụng, thị trường chứng khoán Mỹ mỗi ngày có khoảng 1,17 lệnh được khớp thì con số này đã đạt tới 6,54 tỷ lệnh năm 2019. Đã có những thời kỳ các nhà môi giới và thương nhân tài chính nắm quyền sinh sát khi định giá chứng khoán để khớp lệnh thì nay chúng hầu như được làm tự động trên nền tảng công nghệ điện tử.
Với ưu điểm nhanh chóng, không mệt mỏi cũng như bị ảnh hưởng bởi các nhân tố bên ngoài, nền tảng giao dịch điện tử cùng các thuật toán đầu tư tự động đang xóa xổ dần những nhân viên môi giới và thương nhân tài chính Phố Wall.
Đầu tư bị động
Ngoài yếu tố công nghệ, sự trỗi dậy của đầu tư bị động trong tình hình ngày càng có nhiều bất ổn trên thị trường cũng đang dần loại bỏ các nhà môi giới chứng khoán.
Theo lý thuyết, đầu tư chủ động (Active Investment) là việc sử dụng yếu tố con người như việc sắp xếp một quản lý hay một nhóm quản lý để chủ động kiểm soát danh mục đầu tư. Những người quản lý sẽ dựa vào báo cáo phân tích, dự báo, cũng như phán đoán và kinh nghiệm cá nhân của họ để quyết định mua hoặc bán một cổ phiếu. Trái ngược với đầu tư chủ động là đầu tư thụ động, hay còn được biết đến là phương pháp đầu tư theo chỉ số.
Đầu tư thụ động (Passive Investment) là một chiến lược đầu tư để tối đa hóa lợi nhuận bằng cách giảm thiểu mua và bán. Theo đó các nhà đầu tư mua cổ phiếu trong các chỉ số phổ biến chẳng hạn như chỉ số S&P 500 và giữ nó trong một khoảng thời gian dài. Không giống đầu tư chủ động, phương pháp đầu tư thụ động tối thiểu các khoản phí và hạn chế rủi ro mà có thể xảy ra với việc giao dịch thường xuyên. Mục tiêu đầu tư thụ động là tích lũy dần dần.
Sự gia tăng của đầu tư thụ động làm giảm lao động cần có trên thị trường chứng khoán và loại bỏ dần những nhà môi giới hay thương nhân tài chính.
Theo nhiều chuyên gia, ngành chứng khoán trong tương lai không xa sẽ là lãnh địa của các thuật toán khi công nghệ ngày một phát triển và các nền tảng liên tục tự cập nhật cũng như hoàn thiện để hiệu quả hơn.
Nhịp sống kinh tế