MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngày Tết bàn chuyện chuối Việt Nam

30-01-2017 - 10:38 AM | Thị trường

Nhân đọc bài “Đi tìm chìa khóa bí mật ở đảo quốc Philippines” của tác giả Quốc Việt đăng trên LĐO ngày 29.1.2017, xin được lạm bàn về chuyện “chuối Việt Nam” qua bài viết ngắn sau đây.

Công ty Borna VN vừa hợp đồng đầu tư với nông dân và chịu trách nhiệm toàn bộ quy trình trồng, bao tiêu toàn bộ sản phẩm chuối Cavendish xuất khẩu.

Theo kế hoạch trong năm 2016, công ty sẽ triển khai đầu tư trồng chuối ban đầu tại huyện Tân Biên, Gò Dầu, Trảng Bàng... với diện tích 200ha, số vốn ứng trước đầu tư cho nông dân khoảng 10 tỉ đồng.

Theo thống kê từ nhiều nguồn, thiệt hại do biến đổi khí hậu, hạn, mặn của nam Trung bộ, Tây Nguyên và ĐBSCL từ đầu năm 2016 đến nay trên 5161 tỉ đồng, riêng thiệt hại cây lúa ở ĐBSCL khoảng 232.000ha.

Về lâu về dài, sự biến đổi khí hậu cùng với sự gia tăng đập thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến ngành nông nghiệp khi mà lượng phù sa ở hạ nguồn càng ngày càng giảm đi từ 160 triệu tấn/ năm xuống còn khoảng 75 triệu tấn/ năm và nếu con số đập thủy điện không dừng lại thì con số này sẽ tiếp tục giảm. Nguy cơ ĐBSCL chung sống với hạn mặn là không tránh khỏi.

Trong kỳ họp lần thứ 11, Quốc hội khóa XIII vừa qua đã có Nghị quyết về “Kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2016-2020”, trong đó biện pháp chuyển đổi một phần diện tích 400.000ha trồng lúa sang trồng cây hàng năm như cây ngô, đậu nành…

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, cây chuối đã chứng tỏ là loại cây trồng mang lại hiệu quả trên thị trường trong cũng như ngoài nước… Tôi không hiểu vì sao các ngành chức năng, chủ lực là ngành nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) chưa quan tâm việc phát triển ngành trồng chuối, vừa ứng phó với sự biến đổi khí hậu, vừa cung ứng cho thị trường trong nước, vừa có tiềm năng xuất khẩu và điều quan trọng hơn là nâng cao, ổn định đời sống dân sinh của nông dân!

Mới đây, theo các phương tiện truyền thông thì chuối Việt Nam đang dần dần chiếm lĩnh thị trường Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Nhật Bản…, vốn dĩ là thị trường tốt của Philippines từ nhiều năm nay.

Nếu được đầu tư tốt chắc chắn chuối Việt Nam sẽ là một đối thủ xuất khẩu đáng gờm đối với chuối Philippines (hiện đang đứng hàng thứ 2 sau Ecuador). Mặc dù hiện nay năng suất chuối của ta chỉ đạt 16tấn/ha (so với Philippines 20 tấn/ha) nhưng cây chuối Việt Nam có khả năng vượt qua đất nước này là rất cao, qua kinh nghiệm trồng lúa vượt qua quốc gia này trước đây.

Tuy nhiên, hiện nay cây chuối Việt Nam hãy còn trồng rất hạn chế và có một nghịch lý là nông dân trồng chuối vẫn chưa có đầu ra ổn định trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu chuối lại thiếu hàng. Đây là một hạn chế cần sự phối hợp chặc chẽ giữa chính quyền, doanh nghiệp và nông dân. Theo các giới chức chuyên môn, trong nhiều năm tới, đầu ra của chuối vẫn ổn định khi diện tích trồng lên tới 400.000/ha.

Đã đến lúc Bộ NN&PTNT và các bộ hữu quan cùng với chính quyền địa phương có phương án khả thi cho cây chuối Việt Nam bởi đây là loại cây rất phù hợp với thổ nhưỡng miền khí hậu nhiệt đới, dễ trồng, tiêu thụ rất ít nước tưới, có thể chống chịu hạn, mặn, rất thích hợp với tình hình biến đổi khí hậu đang và sẽ gây ảnh hưởng xấu đến ngành nông nghiệp trồng lúa.

Hiện nay, nhiều giống chuối Nam Mỹ có chất lượng cao và năng suất gấp 4-5 lần chuối nội địa được nhiều nông dân trồng ở tỉnh Hưng Yên và một số tỉnh thành phía Bắc. Ngoài thị trường nội địa, tiềm năng xuất khẩu chuối có nhiều triển vọng, các tỉnh phía Bắc có thị trường lớn Trung Quốc, Cộng hòa Liên bang Nga...., các tỉnh phía Nam có Singapore, Malaysia, Nhật…

Vấn đề đặt ra tiếp theo là tạo nguồn giống có năng suất, chất lượng ổn định, đưa nông dân đi học tập kinh nghiệm ở các nước có truyền thống trồng chuối như Ecuador, Philippines…, hướng dẫn nông dân canh tác theo qui trình VietGap, qui hoạch tiểu vùng chuyên canh chuối.

Vùng ĐBSCL đang có lợi thế về diện tích, chiếm khoảng 53% diện tích trồng lúa cả nước, nơi mà vụ lúa nào, năm nào nông dân cũng điêu đứng vì hạn chế đầu ra, có thể chuyển đổi diện tích trồng chuối lên tới hàng trăm ngàn hecta.

Một hướng mở mới có căn cơ và bền vững cho nền nông nghiệp Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu và do tác động con người ở thượng nguồn sông Mê Kông, kịp thời ổn định đời sống trên 20 triệu nông dân ĐBSCL trước nguy cơ tan vỡ cấu trúc hệ sinh thái ở đây.

Theo Tú Nguyên

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên