MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ngay trước thềm G20, Trung Quốc khiến tất cả bất ngờ: Mời vào BRICS thế lực cả Nga và Mỹ phải cả nể

04-09-2023 - 07:56 AM | Tài chính quốc tế

Trung Quốc đã công khai ý định mời Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập BRICS.

Trung Quốc đã công khai ý định mời Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập BRICS.

Sau màn "gây sốc" phương Tây cách đây 5 năm, quốc gia được ví như "Trung Quốc ở châu Âu" đang có khả năng trở thành thành viên chính thức của BRICS.

Theo Press TV , Trung Quốc đã công khai ý định mời Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập khối các nền kinh tế mới nổi BRICS. Động thái của Bắc Kinh diễn ra khi BRICS mới kết nạp thêm 6 thành viên mới và Hội nghị thượng đỉnh G20 sắp diễn ra tại Ấn Độ (từ ngày 9-10/9).

Thổ Nhĩ Kỳ - ứng viên tiềm năng mà Trung Quốc nhắm tới - đang là một thành viên cốt cán trong G20. Song, điểm đáng chú ý hơn cả nằm ở tầm ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực.

Theo tờ Aydinlik của Thổ Nhĩ Kỳ, trong cuộc gặp với các nhà báo ở Ankara ngày 1/9, Đại sứ Trung Quốc tại Thổ Nhĩ Kỳ Lưu Thiếu Bân cho biết Trung Quốc "mong muốn Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập BRICS" , đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh và Ankara sẽ sánh vai cùng nhau trên con đường phát triển kinh tế.

Ông Lưu nhắc lại việc BRICS kết nạp thêm 6 thành viên mới trong tháng 8 và nói rằng đây "là một khởi đầu lịch sử được mong đợi trên trường quốc tế".

Đáng nói, trong vài ngày nữa, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ có chuyến thăm tới Nga và gặp gỡ Tổng thống Vladimir Putin. Theo kế hoạch, Nga sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh BRICS vào năm tới tại Kazan - thủ phủ của Cộng hòa Tatarstan, một chủ thể của Liên bang Nga có số lượng lớn người Thổ sinh sống.

Ngay trước thềm G20, Trung Quốc khiến tất cả bất ngờ: Mời vào BRICS thế lực cả Nga và Mỹ phải cả nể - Ảnh 1.

Trong chuyến thăm Nga sắp tới, ông Erdogan sẽ thảo luận về khả năng gia nhập BRICS. Ảnh: Press TV

Các nguồn tin của Press TV cho biết ông Erdogan và ông Putin sẽ có cuộc thảo luận về khả năng Ankara tiếp cận BRICS. Thổ Nhĩ Kỳ hiện đang nỗ lực tìm kiếm nguồn vốn đầu tư mới để bù đắp thiệt hại kinh tế do đại dịch COVID-19 gây ra những năm gần đây. Một số chuyên gia nhận định, việc Thổ Nhĩ Kỳ tiếp cận được Ngân hàng Phát triển mới (NDB do BRICS thành lập) sẽ "mở đường" cho Ankara.

Bên cạnh đó, tư cách thành viên BRICS cũng có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ tăng doanh thu thương mại, bởi Ankara vốn đã là đối tác thương mại lớn của các thành viên BRICS như Nga, Ấn Độ, Iran, Saudi Arabia và UAE.

Một "Trung Quốc ở châu Âu"

Thổ Nhĩ Kỳ giữ vai trò quan trọng chiến lược trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Nước này nằm dọc phía Nam Biển Đen, có vị trí như một cây cầu kết nối châu Âu và châu Á, giáp với Trung Đông ở phía Nam, Trung Á ở phía Đông và khu vực Kavkaz ở phía Bắc.

Trong số nhũng quốc gia giáp Biển Đen, các eo biển của Thổ Nhĩ Kỳ là tuyến đường duy nhất dẫn tới biển Aegean, Địa Trung Hải và các đại dương khác.

Nhờ vị trí đặc biệt, Thổ Nhĩ Kỳ là trạm trung chuyển năng lượng giữa châu Âu và châu Á với dự án "Đường ống gas tự nhiên xuyên lục địa Anatolia" (TANAP). Trong tình trạng Nga đang chịu lệnh trừng phạt về nhiều mặt từ Hoa Kỳ và EU, Thổ Nhĩ Kỳ nổi lên như một đối tác thay thế lý tưởng và đáng tin cậy nhờ những điều kiện đang sở hữu.

Ngay trước thềm G20, Trung Quốc khiến tất cả bất ngờ: Mời vào BRICS thế lực cả Nga và Mỹ phải cả nể - Ảnh 2.

Thổ Nhĩ Kỳ được ví như "Trung Quốc ở châu Âu". Ảnh: International Banker

Năm 2015, khi đề cập tới việc Thổ Nhĩ Kỳ xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU), ông Volkan Bozki - Chủ tịch Ủy ban Đối Ngoại Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ khi đó tuyên bố: "EU không thể nói không với Thổ Nhĩ Kỳ. Các hệ quả sẽ tiêu cực đối với châu Âu, chứ không phải với chúng tôi".

Giới chuyên gia nhận định, sự tự tin của Thổ Nhĩ Kỳ là có cơ sở, do nước này sở hữu tiềm lực kinh tế mạnh hơn so với nhiều nước thành viên của EU thời điểm ấy. Tốc độ phát triển kinh tế của Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn đó nhanh tới mức họ được ví von như một "Trung Quốc ở châu Âu".

Do tác động của đại dịch COVID-19 và biến động của tình hình thế giới, kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ đã hứng chịu những thiệt hại nhất định, với lạm phát vượt mức 80% trong tháng 8/2022.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Scott Kanowsky của Investing.com , phần lớn thời gian trong năm ngoái, nền kinh tế trị giá 820 tỷ USD của Thổ Nhĩ Kỳ vẫn tiếp tục phát triển, vượt xa hầu hết các nước có cùng tiềm lực kinh tế.

Về quân sự, Thổ Nhĩ Kỳ có sức mạnh quân sự đứng thứ 11 thế giới (theo xếp hạng của Global FirePower) và thuộc các lực lượng top đầu NATO, với kinh nghiệm chiến đấu dày dặn. Đây cũng là quốc gia đặt các căn cứ quân sự của Mỹ, cũng như các trang thiết bị phòng thủ quan trọng của cả NATO và Washington.

Với vị thế quan trọng như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ đã trở thành tâm điểm trong các cuộc cạnh tranh ảnh hưởng giữa Mỹ và Nga suốt nhiều thập kỷ qua. Cả Nga và Mỹ đều có phải có những sự "nhún nhường" nhất định trước Ankara. Riêng đối với NATO, có thể nói Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên "khó sống chung nhưng không thể sống thiếu".

Bất ngờ lớn sau 5 năm im ắng

Tháng 7/2018, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan đã khiến tất cả các đồng minh phương Tây bất ngờ khi tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS. Tại hội nghị, ông Erdogan đã kêu gọi các nhà lãnh đạo BRICS xem xét kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ làm thành viên, thế nhưng khi ấy, BRICS chưa có ý định mở rộng khối.

5 năm trôi qua, từ đó cho tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ chưa hề góp mặt thêm lần nào ở hội nghị thượng đỉnh BRICS. Vì thế, thông tin về việc Trung Quốc mời Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập BRICS, cũng như cuộc gặp sắp tới giữa ông Erdogan và ông Putin nhằm thảo luận về vấn đề này, quả là một bất ngờ quá lớn với phương Tây.

Theo tờ Turkish Minute , mối quan tâm của Thổ Nhĩ Kỳ đối với BRICS chủ yếu xuất phát từ quan hệ cá nhân của ông Erdogan và Tổng thống Putin, không phải là hệ quả từ chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ.

Cả Nga và Thổ đều đang có lợi ích trong các khoản đầu tư năng lượng chiến lược song phương như đường ống dẫn khí đốt Blue Stream xuyên Biển Đen và nhà máy điện hạt nhân Akkuyu ở tỉnh Mersin, Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngay trước thềm G20, Trung Quốc khiến tất cả bất ngờ: Mời vào BRICS thế lực cả Nga và Mỹ phải cả nể - Ảnh 3.

Cách đây 5 năm, Thổ Nhĩ Kỳ đã '"gây sốc" phương Tây khi tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS. Ảnh: Anadolu

Trong khi đó, theo Silk Road Briefing , một khối hồi giáo mạnh mẽ trong BRICS đã bắt đầu nổi lên (với Ai Cập, UAE, Saudi Arabia) và ông Erdogan sẽ không muốn Thổ Nhĩ Kỳ nằm ngoài một nhóm có ảnh hưởng như vậy.

Trong bối cảnh nền kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ cần được đầu tư và hỗ trợ xuất khẩu, ông Erdogan đã thực hiện một chuyến gây quỹ nhỏ ở Trung Đông vào tháng 7 năm nay để tìm kiếm nguồn vốn cho nhiều dự án.

Hoạt động này đã gặt hái được thành công, ông Erdogan đã ký được các thỏa thuận trị giá hơn 50 tỷ USD với UAE và thêm khoản đầu tư trị giá 9,9 tỷ USD với Qatar.

Với việc các nước thành viên BRICS đang có ảnh hưởng đáng kể đến các hiệp định thương mại tự do tại những khu vực tương ứng của họ, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ coi khối này là thị trường phát triển mới đầy tiềm năng.

Ở chiều ngược lại, chuyên gia phân tích Jim O'Neill (người đã sáng tạo ra cụm từ viết tắt BRIC trước khi Nam Phi gia nhập) cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ giải quyết được những vấn đề phức tạp của hệ thống lấy Mỹ làm trung tâm và trật tự thế giới mới.

Hiện chưa có xác nhận nào từ giới chức Thổ Nhĩ Kỳ hay các thành viên BRICS rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức nộp đơn gia nhập khối này. Song, một số chuyên gia cho rằng, ngay cả khi chính phủ Erdogan nộp đơn xin gia nhập BRICS thì các thành viên NATO vẫn có thể gây áp lực để buộc Ankara từ bỏ ý định.

Theo Vy Lam

Nhịp Sống Thị Trường

Trở lên trên