Nghệ An là tỉnh duy nhất quy tụ 5 ông lớn công nghệ, hút vốn FDI lần đầu vượt mốc 1 tỷ USD
Hai năm trở lại đây, Nghệ An từ một “vùng trũng” về thu hút đầu tư, đã bất ngờ vươn lên là “ngôi sao sáng”, lọt top 10 về dòng vốn FDI, trở thành điểm đến mới cho các đại bàng công nghệ.
Tính đến ngày 18/12/2023, vốn FDI đăng ký vào tỉnh Nghệ An đạt hơn 1,48 tỷ USD (chính xác là 1.480,57 triệu USD), đứng thứ 9 cả nước. Cụ thể, tỉnh này có 17 dự án cấp mới với 1.203,38 triệu USD và 11 dự án điều chỉnh tăng vốn với 271,17 triệu USD trong khu kinh tế và các khu công nghiệp; cùng 01 dự án cấp mới với 4,2 triệu USD và 01 dự án điều chỉnh với 1,82 triệu USD ở ngoài khu kinh tế và các khu công nghiệp.
Đáng chú ý, 5 ông lớn công nghệ Foxconn, Luxshare, Goertek, Everwin và Juteng đã rót hơn 1,3 tỷ USD vào tỉnh, dự kiến tạo ra hơn 86.000 việc làm. Những con số này cho thấy Nghệ An đã trở thành “điểm sáng” trong thu hút nguồn vốn FDI của cả nước.
Từ năm 2019, tỉnh miền Trung này đã bắt đầu thực hiện sách lược “5 sẵn sàng” để nhanh chóng lọt vào mắt xanh của các nhà đầu tư lớn, và đã ra “trái ngọt” kể từ năm 2022, khi Nghệ An lọt top 10 địa phương thu hút vốn FDI cao nhất cả nước.
Tại Hội nghị "Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài" diễn ra tháng 9/2023, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung từng nói: “Nghệ An sẵn sàng đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh; đơn giản hóa thủ tục hành chính theo hướng "Một cửa tại chỗ", "Một đầu mối", nhất là thủ tục đầu tư vào KKT, các KCN được giải quyết nhanh chóng, thuận lợi”.
Nội dung đầu tiên và quan trọng hơn cả trong “5 sách lược" nói trên là công tác quy hoạch. Tỉnh này đã lập Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam đến năm 2040. Đồng thời, tổ chức lập, trình thẩm định, phê duyệt Đề án mở rộng Khu kinh tế Đông Nam (với việc điều chỉnh diện tích từ 20.776,47 ha; định hướng mở rộng lên trên 105.000 ha), đổi tên thành Khu kinh tế Nghệ An.
Ngoài ra, các giải pháp liên quan đến mặt bằng, quỹ đất thu hút đầu tư cũng được tỉnh đẩy mạnh. Minh chứng điển hình là Khu công nghiệp Thọ Lộc quy mô 500ha, Khu công nghiệp Hoàng Mai II quy mô trên 300ha đang được đầu tư bởi các nhà đầu tư “tên tuổi” trong lĩnh vực kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp trong nước và quốc tế. Từ đó, các khu công nghiệp này sẽ đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về mặt bằng, quỹ đất thu hút đầu tư cho các nhà đầu tư thứ cấp đến tìm hiểu và đầu tư.
Song song với đó, cơ sở hạ tầng của Nghệ An phát triển mạnh những năm gần đây. Một số tuyến đường giao thông trọng điểm đã được hoàn thành và đưa vào sử dụng, tiêu biểu là tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Hay việc dự kiến mở rộng cảng nước sâu Cửa Lò với quy mô 3 bến, diện tích sử dụng đất khu hậu phương cảng là 32ha, tổng vốn đầu tư khoảng 6.949 tỷ đồng; thực hiện mở rộng, cải tạo sân đỗ máy bay - Cảng HKQT Vinh.
Tỉnh có sự chuẩn bị “dài hơi" về nguồn nhân lực. Với lợi thế hơn 1,6 triệu người lao động, đưa vào thị trường khoảng 45.000 người mỗi năm, với hơn 30.000 nhân lực đã qua đào tạo; cùng 17 trường đại học và cao đẳng, 70 cơ sở đào tạo nghề, tỉnh sẵn sàng cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cho doanh nghiệp nước ngoài. Nghệ An cũng đưa ra các chính sách đào tạo tập trung vào kiến thức chuyên sâu, tay nghề cao, tính chuyên nghiệp và kỹ năng ngoại ngữ.
Sách lược cuối cùng mà Nghệ An áp dụng là tập trung đổi mới, cải cách, cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh, sẵn sàng đồng hành, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp xử lý các khó khăn vướng mắc. Đáng chú ý nhất là trong việc thúc đẩy chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư. Điển hình là việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho Tập đoàn Shandong Innovation Metal Technology (Trung Quốc) chỉ trong 5 ngày, giảm gần 1/3 so với quy định.
Thực tế, Nghệ An không thuộc nhóm các địa phương thu hút vốn FDI số 1 về quy mô nhưng là tỉnh duy nhất quy tụ đủ 5 ông lớn công nghệ Foxconn, Luxshare, Goertek, Everwin và JuTeng. Để làm được điều này, Nghệ An đã lên định hướng chiến lược chọn lọc dòng vốn FDI, ưu tiên dòng vốn chất lượng cao.
Hiện nay, tỉnh đặt mục tiêu thu hút đầu tư hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển bền vững. Ngay từ đầu trong công tác xúc tiến đầu tư, tỉnh tập trung vào các đối tác, lĩnh vực có định hướng; với hướng triển khai có trọng tâm, không dàn trải, lồng ghép triệt để vào các hoạt động đối ngoại, xúc tiến thương mại và du lịch.
Sự đa dạng của ngành công nghiệp cùng các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội được thực hiện quyết liệt ngay từ đầu năm, giúp Nghệ An trở thành “mảnh đất lành" cho một loạt các doanh nghiệp nước ngoài lớn kéo về làm tổ.
Ông Bùi Thanh An, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, “Nghệ An hiện trở thành điểm đến mới của nhiều ông lớn công nghệ thế giới như Foxconn, Goertek, Luxshare ICT,…với các dự án tầm cỡ trong lĩnh vực sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử”.
Không dừng lại ở kết quả đã đạt được, tỉnh đặt mục tiêu phát huy những thành tựu đã có, khắc phục những hạn chế để liên tục thu hút vốn FDI từ cả đối tác truyền thống và mới trong giai đoạn 2021-2030.
Với mục tiêu “tham vọng” khi vốn FDI đăng ký đạt từ 3-3,5 tỷ USD trong giai đoạn 2021 - 2025 và 4,5-5 tỷ USD trong giai đoạn 2026 - 2030 (tương ứng 900 triệu - 1 tỷ USD/năm), tỉnh tiếp tục tập trung thực hiện 5 giải pháp trọng tâm.
Thứ nhất, chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng về mặt bằng đầu tư. Nghệ An tiếp tục đẩy mạnh quá trình hoàn thiện, mở rộng Khu kinh tế Đông Nam thành Khu kinh tế Nghệ An. Đồng thời, tỉnh liên kết chặt chẽ hoạt động xúc tiến đầu tư với các chương trình và cơ quan quốc gia, cũng như với các địa phương trong khu vực để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
Thứ hai, huy động và ưu tiên nguồn lực đầu tư hạ tầng thiết yếu theo Đề án Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trọng điểm giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt, như: Cảng nước sâu Cửa Lò; Đầu tư nâng cấp, mở rộng Cảng hàng không quốc tế Vinh; Đường giao thông nối Vinh – Cửa Lò (giai đoạn 2)..., phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để sớm hoàn thành Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn tỉnh.
Thứ ba, tỉnh tập trung nâng cao chất lượng nguồn lao động, chú trọng đào tạo cán bộ kỹ thuật có tay nghề, nâng cao tính chuyên nghiệp, kỹ năng giao tiếp, ngoại ngữ, tin học... Tăng cường hợp tác, liên kết giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp để thực hiện việc đào tạo nghề, nhân lực gắn với nhu cầu của doanh nghiệp.
Thứ tư, tăng cường hỗ trợ, đồng hành cùng các nhà đầu tư hạ tầng hiện có để chuẩn bị sẵn sàng cơ sở hạ tầng, mặt bằng sạch để đón các nhà đầu tư thứ cấp từ làn sóng đầu tư mới. Đồng thời, tỉnh chủ động tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược để thu hút đầu tư hạ tầng, nhất là hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Thứ năm, tỉnh tiếp tục cải thiện thực chất môi trường đầu tư, kinh doanh. Cùng với đó, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhất là thủ tục đầu tư vào khu kinh tế, các khu công nghiệp; nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.
Với diện tích lớn nhất cả nước, lên đến gần 16.500km2 và dân số đông, Nghệ An đang có những đóng góp quan trọng vào nền kinh tế cả nước.
Việc trở thành “điểm dừng chân" của hàng loạt ông lớn nước ngoài đã giúp bức tranh kinh tế Nghệ An thay đổi. “Năm 2023, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức song tình hình kinh tế - xã hội tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Mặc dù gặp khó khăn hơn những năm trước nhưng phát triển kinh tế của tỉnh có xu hướng phục hồi tích cực, trong đó có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận”, ông Bùi Thanh An, Phó chủ tịch UBND tỉnh nhận định.
Năm nay, ước tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt khoảng 7,14%, đứng thứ 26 toàn quốc và đứng thứ 3 khu vực Bắc Trung Bộ, quy mô nền kinh tế đứng thứ 10/63 tỉnh, thành của cả nước. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 2,88 tỷ USD, tăng 13,52% so với năm 2022. Đây là năm thứ 3 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra.
Song hành với những bước tiến mới về kinh tế, Nghệ An cũng nhận thức rõ thách thức đi kèm. Trong đó có 4 “bài toán” cần được hóa giải trong việc thu hút FDI.
Thứ nhất, theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Bùi Thanh An, Nghệ An đang thiếu mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư mới; nguồn vốn và công tác phóng mặt bằng còn hạn chế, nhiều khó khăn, kéo dài, chưa được giải quyết dứt điểm.
Thứ hai, dù là tỉnh có dân số đông, đứng thứ 4 cả nước, cùng lực lượng lao động khá dồi dào với trên 1,6 triệu người, nhưng chất lượng nguồn nhân lực vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư FDI.
Thứ ba, kết cấu hạ tầng của tỉnh có nhiều phát triển nhưng còn hạn chế so với nhiều địa phương và có khoảng cách khá xa các trung tâm lớn, nhất là một số hạ tầng giao thông trọng yếu như cảng biển (cảng nước sâu), sân bay, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp do nguồn lực đầu tư có hạn.
Và cuối cùng, từ năm 2024, tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, không còn ưu đãi về thuế thì khu kinh tế và các khu công nghiệp của tỉnh sẽ không còn lợi thế về ưu đãi để thu hút các doanh nghiệp FDI lớn, đây cũng là một thách thức lớn trong việc thu hút dòng vốn FDI trong thời gian tới, ông An cho biết.
Trước những thách thức này, tỉnh cam kết nỗ lực tháo gỡ khó khăn, sẵn sàng đồng hành và cung cấp môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
“Sẵn sàng tạo mọi điều kiện tốt nhất, Nghệ An tự tin trở thành địa bàn đầu tư “Thuận lợi, Tin cậy và Hiệu quả của các nhà đầu tư nước ngoài” và là “điểm tựa” để sớm trở thành tỉnh phát triển khá trong khu vực phía Bắc vào năm 2025 và tỉnh khá của cả nước vào năm 2030, như kế hoạch đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025”, ông Bùi Thanh An, Phó chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Nhịp sống thị trường
Sự kiện: Toàn cảnh kinh tế 2023
Xem tất cả >>- 10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2023
- Nhìn lại những đại án năm 2023
- 10 sự kiện nổi bật ngành ngân hàng năm 2023
- Dấu ấn bất động sản 2023: Khó khăn bao trùm, nỗ lực giải cứu và những tia sáng le lói cuối năm
- Chứng khoán 2023: Bước đệm cho hành trình nâng hạng thị trường, VN-Index vững vàng trên mốc 1.100 điểm