Nghề 'cho thuê tử cung' ở Trung Quốc
Để có nhiều tiền, làm được nhà, nhiều phụ nữ trong làng đã đua nhau đẻ thuê cho người khác. Nghe nói đến nghề “cho thuê tử cung” có vẻ hoang đường, nhưng đó là chuyện có thật xảy ra ở một số thôn ở nông thôn tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc).
- 25-09-2013Nhà giàu Trung Quốc tìm người đẻ thuê ở Mỹ
- 27-07-2012Công nghiệp đẻ thuê bùng nổ tại Ấn Độ
Phóng viên tờ “Người quan sát” đã dành hơn hai tháng thâm nhập, tìm hiểu, hôm 30/12/2017 đã công bố bài điều tra về cái “ngành nghề” phi pháp này, gây xôn xao dư luận…
Thu nhập hàng trăm ngàn tệ
“Dù sao cũng có phải ngủ với đàn ông khác ngoài chồng mình đâu? Cũng chẳng phải bán mình; chúng tôi chỉ muốn kiếm tiền để về xây nhà thôi mà”- Đó là lời phân trần của “chuyên gia đẻ thuê” Trương Diễm quê tận tỉnh Tứ Xuyên xa xôi.
Trương Diễm kể, tuy lúc đầu có chút sợ hãi, lo ngại bị lừa, nhưng xét đến nhân tố kinh tế, cuối cùng cô vẫn lựa chọn làm nghề mang thai hộ. Nếu đi làm công nhân, mỗi tháng rất vất vả mới có được 3 ngàn tệ (Nhân dân tệ, tức 10,5 triệu VND), nhưng làm cho “công ty đẻ thuê” chỉ riêng sinh hoạt phí đã được ngần đó tiền. Dĩ nhiên, đó chỉ là phần nhỏ nhất trong thù lao đẻ thuê: “3 tháng mang thai đầu tiên được 10 ngàn tệ/tháng (35 triệu VND); từ tháng thứ 4 trở đi mỗi tháng được 20 ngàn tệ (70 triệu VND); cả năm được trên trăm ngàn; chúng tôi có làm đến chết cũng không thể kiếm được nhiều như thế”.
Đối với các phụ nữ làm nghề đẻ thuê, không làm nghề này vất vả 10 năm cũng chẳng có được ngần ấy tiền. Chính vì vậy, Lã Tiến - người phụ trách công ty này nói, những phụ nữ làm nghề “cho thuê tử cung” này căn bản đều là những phụ nữ đã từng sinh nở, điều kiện kinh tế kém ở cả nông thôn, thành thị. Một bộ phận các bà đã sinh nở mấy lần thường chọn cách làm bảo mẫu cho công ty để chăm sóc những người mới vào nghề và giới thiệu thêm người mới để kiếm thêm hoa hồng.
Từ lén lút đến công khai
Một làng nhỏ tại thị trấn Hạo Khẩu, thị xã Tiềm Giang, tỉnh Hồ Bắc có tới cả trăm phụ nữ làm nghề đẻ thuê chui. Các phụ nữ trong làng giới thiệu cho nhau để cùng đến nơi khác đẻ thuê, thậm chí có gia đình cả mẹ chồng và con dâu đều cùng “xuất quân” hành nghề. Với đội quân đẻ thuê ngày thêm đông đảo, lúc đầu họ làm nghề lén lút, vụng trộm, dần diễn biến thành công khai, đường hoàng.
Một người dân trong làng khi được hỏi đã khoe: con gái lớn của ông đang mang thai đôi, còn cô thứ hai đã “cho thuê tử cung” mấy lần, con dâu cũng đang mang thai hộ. Một người khác cũng tiết lộ: mỗi lần đẻ thuê kiếm được mấy trăm ngàn tệ nên mẹ chồng con dâu vì vậy mà sống hòa hợp, hết cả cãi lộn. Ông ta cười: “Có tiền, gia hòa vạn sự hưng”.
Ở thôn Thất Lý có hai ngàn nhân khẩu, không ít gia đình đã làm được nhà lầu nhờ nghề đẻ thuê. Trước hiện tượng này, ông Thường Trùng Sinh, chuyên gia nghiên cứu xã hội học Đại học Vũ Hán cho rằng: ở một số vùng nông thôn, người ta hiểu lệch lạc về quan niệm giá trị phải - trái, thiện - ác; việc giao dịch đẻ thuê không phù hợp với đạo lý truyền thống về hôn nhân và gia đình Trung Quốc, mà là “thương phong bại tục”, cần phải phê phán, uốn nắn.
Đẻ thuê không chỉ liên quan đến tiền bạc, mà còn liên quan đến sự tôn nghiêm, lòng tự trọng. Việc đẻ thuê có thể để lại hậu quả nghiêm trọng về sau. Ông Cù Hiểu Hải, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu luân lý học sinh mạng, Viện khoa học Y học Trung Quốc cho rằng, những kẻ môi giới không bao giờ nói cho những người “cho thuê tử cung” biết về những nguy hại cả về thân thể và tâm lý, “tỷ lệ phụ nữ tử vong do liên quan đến sinh nở rất cao”.
Giáo sư Phàn Dân Thắng ở Đại học Trung y Thượng Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đạo đức Y học, Ủy ban Y tế quốc gia cho rằng: những phụ nữ bán rẻ tử cung trên thực tế là hạ thấp nhân cách của mình xuống thành thứ công cụ, hàm chứa sự không tôn trọng sinh mạng; coi sinh nở thành thứ công cụ doanh lợi đơn thuần và thủ đoạn kiếm tiền là sai trái.
Thiếu quy phạm về pháp luật
Ông Thường Trùng Sinh bày tỏ, việc uốn nắn, chấn chỉnh thị trường đẻ thuê còn rất nhiều việc phải làm, “phát triển kinh tế, tuyên truyền, giáo dục, dẫn dắt, nhiều ban ngành chung tay và thực thi pháp luật; tốt nhất là nhà nước phải đề ra đạo luật hữu quan thì mới giải quyết được vấn đề”.
Vấn đề lập pháp thì ngày 1/8/2001, Bộ Y tế Trung Quốc đã ban hành “Biện pháp quản lý kỹ thuật phụ trợ sinh đẻ” để quy phạm việc ứng dụng và quản lý kỹ thuật phụ trợ sinh đẻ. Trong đó Điều 3 quy định “cấm mua bán trứng, phôi, bào thai dưới bất cứ hình thức nào. Mọi cơ sở và nhân viên y tế không được thực hiện bất cứ kỹ thuật nhờ mang thai nào”. Điều 22 quy định, cơ quan y tế cấp tỉnh có quyền cảnh cáo, phạt dưới 30 ngàn tệ và xử lý hành chính những cá nhân, tập thể vi phạm; nếu cấu thành tội phạm sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật”.
Ngoài ra, “Dự thảo tu chính án về Luật Dân số và sinh đẻ kế hoạch” được đưa ra xem xét năm 2015 cũng nêu: “cấm mua bán tinh trùng, trứng, trứng đã thụ tinh và bào thai; cấm mang thai hộ dưới mọi hình thức”. Tuy nhiên, nhiều đại biểu quốc hội đã có ý kiến khác, cho rằng không nên tước đoạt quyền được có con của những cặp vợ chồng vô sinh muốn có con thông qua kỹ thuật thụ tinh và nhờ mang thai sinh nở; cấm mang thai hộ cũng có thể khiến những người mất đi đứa con độc nhất thêm tổn thương; cuối cùng điều khoản “cấm mang thai hộ” đã bị bãi bỏ khi đem ra biểu quyết.