Nghe doanh nghiệp kêu ca, tỉnh chỉ đạo hỗ trợ tối đa
Dù môi trường đầu tư đã ngày càng thông thoáng nhưng vẫn có doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất lại lo thời gian triển khai bị kéo dài do thủ tục.
Ngày 11-7, tỉnh Bình Dương đã tổ chức hội nghị đối thoại với doanh nghiệp (DN) nước ngoài đang đầu tư trên địa bàn. Buổi đối thoại với sự tham dự của ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Tổng lãnh sự nhiều nước tại TP HCM, cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh Bình Dương và cộng đồng DN.
Thời gian xử lý hồ sơ kéo dài
Ông Nguyễn Văn Lương, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tessellation Việt Nam (KCN VSIP I, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), cho biết tại Việt Nam, công ty đã có 2 nhà máy ở Bình Dương và Đồng Nai, chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu. Từ đầu năm 2024, công ty tiến hành làm các thủ tục để mở rộng sản xuất thêm một nhà máy chuyên sản xuất vải tại KCN VSIP II (phường Hòa Phú, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương). Trong quá trình hoàn thiện thủ tục để cấp giấy phép môi trường, công ty phát sinh thêm lò hơi nhỏ. Bộ Tài nguyên và Môi trường sau đó đã yêu cầu địa phương kiểm tra, thẩm định lại hạng mục này nhưng hơn 80 ngày, cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương vẫn chưa có kết luận về việc này.
"Chúng tôi biết đây là lỗi của DN và chấp nhận việc bị phạt. Còn nếu chưa đến mức bị xử phạt thì cũng cần được thông báo, miễn sao cơ quan chức năng tiến hành nhanh chóng để không ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của nhà máy. Bởi chưa có giấy phép về môi trường, nhà máy không thể vận hành, trong khi máy móc, thiết bị đã nhập về, công ty phải trả số tiền lưu kho rất lớn. Mặt khác, đây là nhà máy chuyên sản xuất vải để cung cấp cho 2 nhà máy may của công ty, nếu trì hoãn sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của 2 nhà máy này và việc làm của hơn 4.000 công nhân" - ông Lương nói.
Cũng nêu những bất cập trong lĩnh vực môi trường, ông Trần Quý Cường, Giám đốc Công ty IGB Automotive Vietnam (KCN Sóng Thần 3, TP Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), thành viên tập đoàn LEAR của Mỹ, cho hay giai đoạn 2025-2026, tập đoàn mong muốn mở rộng sản xuất tại Việt Nam nhưng lo ngại thời gian triển khai dự án bị kéo dài do một số thủ tục giấy phép liên quan đến môi trường.
Ông Cường dẫn chứng mặc dù nhà máy của ông thuần túy là lắp ráp điện tử, ngành nghề thân thiện môi trường nhưng theo điều 28, 30 của Luật Môi trường và Nghị định 08/2022, công ty lại bị xếp vào dự án đầu tư nhóm I (dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao). Khi có thay đổi, mở rộng nhà máy phải thực hiện các thủ tục môi trường thường từ 12 tháng, trong điều kiện thuận lợi.
"Đây thực sự là một thách thức lớn với DN để đáp ứng tiến độ dự án và giảm tính cạnh tranh, rủi ro mất đơn hàng. Với dự thảo sửa đổi Nghị định 08 theo hướng thiết thực hơn, ngành điện tử sẽ thu hẹp đối tượng nhóm I, công ty chúng tôi có khả năng không thuộc nhóm này" - ông Cường nói và đề xuất địa phương cần đôn đốc bộ, ngành liên quan sớm ban hành hướng dẫn cụ thể về việc xác định đối tượng thuộc nhóm 1, nhóm 2 trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử theo dự thảo Nghị định 08 mới.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Trả lời việc liên quan đến Công ty TNHH Tessellation Việt Nam, bà Nguyễn Ngọc Thúy, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Dương, cho biết hồ sơ của DN đang được sở này thụ lý. Sở đã mời công ty lên làm việc vào ngày 10-7 nhưng vẫn đang xác định công ty có vi phạm hay không.
Tỏ ra khá quyết liệt, ông Mai Hùng Dũng đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường "chậm nhất giữa tuần sau phải báo cáo lên lãnh đạo UBND tỉnh, phạt hay không phạt thì cũng phải cố gắng làm nhanh, không vì mỗi giấy phép môi trường mà làm ảnh hưởng đến hoạt động của DN".
Thông tin thêm tại hội nghị, ông Mai Hùng Dũng cho biết với môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn, trong những năm gần đây Bình Dương luôn là một trong số những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đến hết tháng 6, tỉnh đã thu hút 824 triệu USD, gồm 96 dự án mới, 60 dự án điều chỉnh tăng vốn và 62 dự án góp vốn mua cổ phần. Lũy kế, toàn tỉnh hiện có 4.322 dự án đầu tư từ 65 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 41 tỉ USD. Bình Dương hiện đứng thứ 3 trong cả nước về thu hút vốn FDI, sau TP HCM và Hà Nội.
Để thúc đẩy đầu tư, ông Mai Hùng Dũng cho biết Bình Dương sẽ tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư, đơn giản hóa tối đa và công khai, minh bạch đầy đủ, kịp thời các thủ tục hành chính, quy trình giải quyết hồ sơ hành chính…
Tỉnh cũng ưu tiên các nguồn lực để đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, mở rộng và mở mới các khu, cụm công nghiệp, tạo quỹ đất sạch cho thu hút đầu tư; triển khai đào tạo nguồn nhân lực, xây dựng nhà ở xã hội, phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu sản xuất, kinh doanh của DN và nhu cầu phát triển công nghiệp, đô thị của tỉnh...
Theo ông Mai Hùng Dũng, Bình Dương đang tích cực hợp tác với các bên đối tác nước ngoài xây dựng và triển khai Đề án Thành phố thông minh và Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương, đặc biệt trong đó có dự án KCN Khoa học - Công nghệ với tầm nhìn trở thành Trung tâm đổi mới sáng tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tại hội nghị, các DN khác cũng trao đổi thẳng thắn với lãnh đạo tỉnh Bình Dương về những khó khăn mà họ đang gặp phải trong quá trình đầu tư trên địa bàn. Đa phần các DN đều cho rằng điểm nghẽn lớn nhất là thời gian xử lý hồ sơ, thủ tục quá lâu đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất - kinh doanh. Các DN mong muốn chính quyền kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn, tạo điều kiện để DN phát triển.
Người lao động