Nghe nhạc Mozart giúp tăng chỉ số IQ: "Cú lừa" vĩ đại của thập niên 1990
Các bà mẹ bầu thậm chí còn áp tai nghe lên bụng mình mỗi ngày, mong rằng đứa con sinh ra sẽ có điểm IQ cao hơn.
- 04-06-2021Anh nông dân tặng 12.000 quả trứng của gà nuôi bằng thảo dược, nghe nhạc Mozart cho y bác sĩ Bắc Giang
- 04-05-2019Nếu chưa nỗ lực đủ 10.000 giờ, đừng mong thành công: Câu chuyện về “10 năm chờ thời” của thiên tài âm nhạc Mozart và “luyện tập có mục đích” của ngôi sao bóng rổ Kobe Bryant
Một buổi sáng mùa xuân năm 1993, tại Đại học Wisconsin miền đông nước Mỹ, giáo sư tâm lý học Francis Rauscher gọi 36 sinh viên của mình lại và mở cho họ nghe 10 phút đầu tiên trong bản Sonata chơi trên hai đàn piano D major, K. 448.
Nếu bạn nghe nó quá lạ lẫm thì đây chính là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của nhà soạn nhạc thiên tài Wolfgang Amadeus Mozart. Ông viết nó vào năm 1781 khi mới 25 tuổi.
Trở lại phòng học ở Wisconsin sau khi bản nhạc dừng lại, Rauscher yêu cầu các sinh viên của bà làm làm một bài kiểm tra về lý luận không gian, chẳng hạn như các nhiệm vụ gấp giấy thành hình và tìm đường ra cho mê cung trên giấy bằng một đường bút chì.
Kết quả cho thấy những sinh viên được cho nghe nhạc Mozart đạt điểm số cao hơn so với khi không được nghe hoặc chỉ được nghe 10 phút những âm điệu đều đều. Giáo sư Rauscher tính toán mức điểm chênh lệch này có thể tương đương với mức tăng từ 8 đến 9 điểm trong thang đo IQ.
Với quan sát này, bà viết một bài báo khoa học và gửi đến tạp chí Nature và không mảy may nghĩ rằng nó có thể tạo ra một làn sóng, một trào lưu kéo dài hàng chục năm với tên gọi "hiệu ứng Mozart".
Nỗi ám ảnh phải cải thiện bản thân của người Mỹ
Trào lưu bắt đầu từ khi các phóng viên chộp được nghiên cứu của Francis Rauscher, họ ngay lập tức phóng đại nó: "Nghe nhạc Mozart giúp bạn thông minh hơn", "Âm nhạc Mozart có thể tăng điểm IQ"…
Điện thoại tại nhà Rauscher sau đó liên tục kêu. Bà thậm chí phải thuê thêm một người giúp việc chỉ để nghe các cuộc gọi đến, giải thích với công chúng rằng họ đã hiểu nhầm nghiên cứu của mình.
"Những gì chúng tôi nhận thấy chỉ là những sinh viên nghe bản Sonata của Mozart đã đạt điểm cao hơn đáng kể trong bài kiểm tra tư duy không gian tạm thời", Rauscher nói. "Đó chỉ là một lợi ích nhỏ và không kéo dài lâu".
Nhưng có ai đọc báo hay xem truyền hình còn quan tâm "bài kiểm tra tư duy không gian tạm thời" nghĩa là gì? Họ chỉ hiểu các khái niệm cơ bản là nhạc Mozart và IQ, hình như nó làm "tăng điểm IQ". Thế là các ông bố bà mẹ vội chạy đến tiệm đĩa CD. Họ mua sạch đĩa Mozart khiến các hãng bán đĩa rất vui lòng.
Các ông chủ bắt kịp xu hướng tiếp tục quảng cáo và phóng đại "hiệu ứng Mozart" lên nữa. Chẳng mấy khi nhạc cổ điển lại được đón nhận nồng nhiệt đến thế. Người người nhà nhà đều bật Mozart, cứ như thể cả xã hội Mỹ đã quay lại Châu Âu của thế kỷ 18. Các bà mẹ bầu thậm chí còn áp cả tai nghe lên bụng mình, mong rằng đứa con họ sinh ra sẽ có điểm IQ cao hơn.
Năm 1997, hiệu ứng Mozart tiếp tục được nâng lên thêm một tầng cao mới. Đó là sau khi Don Campbell, một nhạc sĩ đồng thời là doanh nhân xuất bản một cuốn sách nói về nó.
"Hiệu ứng Mozart: Khai thác sức mạnh của âm nhạc để chữa lành cơ thể, tăng cường trí óc và mở khóa tinh thần sáng tạo", cuốn sách ngay lập tức lọt vào danh sách bán chạy nhất của The New York Times. Nhận thấy chủ đề này thành công quá dễ, Campbell đã viết thêm một cuốn sách mới "Hiệu ứng Mozart cho trẻ em".
Những tuyên bố của Campbell trong hai cuốn sách này đã được lặp đi lặp lại không ngừng trên các phương tiện truyền thông khắp thế giới. Chúng bao gồm nhạc Mozart giúp tăng cường trí thông minh và khả năng học tập, tăng trí tưởng tượng và khả năng sáng tạo, giúp thư giãn và trẻ hóa sâu cơ thể…
Campbell tiếp tục trở thành chất xúc tác để tạo nên một cơn sốt làm giàu dựa trên Mozart. Năm 1998, Thống đốc bang Georgia của Hoa Kỳ thậm chí còn đề xuất dùng tiền ngân sách mua cho mỗi đứa trẻ một CD nhạc cổ điển. Sau đó đến lượt bang Tennessee cũng làm theo vì lo ngại những đứa trẻ của mình sẽ kém thông minh hơn bang Georgia.
Người Mỹ luôn bị ám ảnh bởi sự cải thiện bản thân, giáo sư Rauscher cho biết. Và họ cũng thích những mẹo nhỏ nhanh chóng. "Ý tôi là họ muốn làm mọi thứ có thể cho con mình, và nếu nghe nhạc Mozart có thể mang lại một lợi ích nào đó, dù bé nhỏ hay chỉ tạo ra một chút lợi thế cho con họ ở trường, thì đó chính xác là điều họ sẽ làm", bà nói.
Khoa học phải đi chứng minh mọi người đã sai
Năm 1999, lần đầu tiên hiệu ứng Mozart bị thách thức bởi một nghiên cứu lớn khiến cơn sốt của cả xã hội hạ nhiệt. Trong hai bài báo khoa học xuất bản liên tiếp trên tạp chí Nature và Psychological Science, các nhà khoa học đã trình bày kết quả phân tích tổng hợp cho thấy việc nghe nhạc Mozart không làm tăng trí thông minh hay khả năng nhận thức.
Bất kỳ sự tăng điểm kiểm tra nào xảy ra sau khi nghe nhạc Mozart đều chỉ có tính nhất thời và không kéo dài. Nó có thể được giải thích bằng một hiệu ứng tâm lý thần kinh đơn giản gọi là "sự kích thích từ niềm vui thú".
Theo đó, khi các nhà khoa học thay đoạn nhạc Mozart bằng một đoạn văn của Stephen King, các sinh viên tham gia thử nghiệm sau khi nghe chúng cũng tăng điểm trong bài thi gấp giấy, cùng loại với nghiên cứu năm 1993 của Rauscher.
Điều này chỉ xảy ra và sẽ xảy ra khi các sinh viên nghe bất cứ thứ gì họ thích. Ngược lại, nếu có nhóm không thích nhạc Mozart, hiệu ứng sẽ không xuất hiện hoặc thậm chí có nhóm giảm điểm trong bài kiểm tra về tư duy không gian.
Một nghiên cứu năm 2000 đăng trên tạp chí Psychological Report cũng thất bại trong việc lặp lại kết quả của Rauscher trên đối tượng là 36 người trưởng thành. "Kết quả này không phù hợp với những nghiên cứu ủng hộ hiệu ứng Mozart trước đó", các nhà nghiên cứu kết luận.
Đến năm 2005, đã có khoảng hơn 500 bài báo nghiên cứu hiệu ứng Mozart. Các chính phủ, chẳng hạn như ở Đức cũng phải vào cuộc để giúp cơn sốt hạ nhiệt. Một báo cáo của cơ quan chính phủ nước này kết luận rằng "nghe nhạc Mozart thụ động – hay bất kỳ bản nhạc nào bạn thích – không giúp bạn trở nên thông minh hơn".
Đến nay, nhiều học giả trong cộng đồng tâm lý học đã khẳng định hiệu ứng Mozart chỉ là một "lời đồn" chứ không có thật. Trong cuốn sách "50 lời đồn thổi vĩ đại nhất trong tâm lý học phổ thông", tác giả Scott Lilienfeld đến từ Đại học Emory xếp hiệu ứng Mozart ở vị trí thứ 6.
Nhưng nhạc Mozart đúng là có lợi ích với một số đối tượng nhất định
Trong số các bài báo nghiên cứu về hiệu ứng Mozart, các nhà khoa học bất ngờ tìm thấy nó có thể có tác dụng trị liệu với những người bị bệnh động kinh. Chẳng hạn, một nghiên cứu năm 2001 trên Tạp chí Hiệp hội Y học Hoàng gia Anh cho thấy bản Sonata chơi trên hai đàn piano D major, K. 448 có thể làm giảm những cơn co thắt liên tục của người bệnh.
Nhưng Tổ chức Động kinh Anh cũng đã tìm thấy một bản nhạc có khả năng tương tự là "Acroyali/Standing in Motion" của nhà soạn nhạc Hy Lạp Yanni. Điều này cho thấy hiệu ứng Mozart là thứ không phải chỉ nhạc Mozart làm được.
Mới đây nhất, một nghiên cứu đăng trên tạp chí Scientific Reports cuối cùng đã tìm ra bí quyết để chọn lựa được một bản nhạc trị liệu cho những bệnh nhân động kinh. Theo các tác giả bài báo, đó phải là bài nhạc tạo ra được cảm giác ngạc nhiên.
Nhịp độ, cấu trúc, giai điệu và hòa âm của bản Sonata chơi trên hai đàn piano D major, K. 448 và Acroyali / Standing in Motion của Yanni đều tạo ra được yếu tố này. Đó là lý do chúng có tác dụng với các bệnh nhân.
Các nhà khoa học hi vọng các nghiên cứu về âm nhạc cuối cùng có thể giúp họ chọn ra được một playlist các bài hát có tác dụng tương tự. "Ước mơ cuối cùng của chúng tôi là xác định một thể loại âm nhạc 'chống động kinh' và sử dụng âm nhạc để cải thiện cuộc sống cho những người mắc chứng bệnh này", họ viết.
Nói tóm lại, sau gần 30 năm kể từ khi cái gọi là hiệu ứng Mozart bắt đầu được đồn thổi, các nhà khoa học đã chứng minh được nó không có tác dụng kì diệu trong việc làm tăng IQ của trẻ nhỏ hay bất kỳ đối tượng nào.
Bằng chứng xác thực duy nhất là việc một số bản nhạc sẽ giúp bệnh nhân động kinh giảm thiểu các cơn co giật. Nhưng không phải bài nhạc nào của Mozart cũng làm được điều đó, và các nhạc sĩ khác cũng có thể làm được điều tương tự trong các sáng tác của mình, không cứ gì phải là Mozart.
Tham khảo Sciencealert , Statnews
Pháp luật và bạn đọc