MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghệ nhân tỉ mẩn chuẩn bị hàng nghìn chiếc mặt nạ giấy bồi đón Trung thu

24-08-2022 - 19:05 PM | Sống

Giữa “cơn bão” của đồ chơi hiện đại, mặt nạ giấy bồi vẫn là một trong những món đồ chơi truyền thống mỗi dịp trăng rằm. Vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa-Đặng Hương Lan (Hà Nội) vẫn cần mẫn chuẩn bị hàng nghìn chiếc mặt nạ cho trẻ vui chơi mỗi dịp tết Trung thu.

Náo nức đón Trung thu sau đại dịch

Nằm sâu trong dãy hành lang của căn tập thể cũ ở phố Hàng Than, căn gác mái chưa đầy 15m2 và hành lang nhỏ rộng 1m bày kín những chiếc mặt nạ giấy bồi đủ kiểu dáng. Đây là nơi vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa (67 tuổi) và bà Đặng Hương Lan (63 tuổi) mỗi ngày đều tỉ mẩn nấu hồ, bồi giấy, vẽ sơn…

“Mỗi mùa Trung Thu gia đình tôi sản xuất được tầm 2.000-3.000 chiếc mặt nạ, đều bán hết veo”, bà Lan hồ hởi miệng nói tay cần mẫn dùng chiếc cọ nhỏ vẽ từng nét lên chiếc mặt nạ giấy bồi. Năm nay, gia đình ông Hòa đã cho ra lò hơn 2.000 chiếc và chưa dừng lại. Dù chưa tới Trung thu nhưng nhiều người đã tìm tới tận nơi lựa chọn món đồ chơi mộc mạc này.

Vợ chồng nghệ nhân Nguyễn Văn Hòa, Đặng Hương Lan vẽ những chiếc mặt nạ giấy bồi.

Sau hai năm đình trệ vì dịch bệnh, năm nay, ông bà Hòa-Lan bắt tay làm mặt nạ giấy bồi từ sớm. Mỗi ngày họ chỉ có thể làm được 3-5 chiếc nên chỉ là “muối bỏ biển” so với nhu cầu. “Năm nay kinh tế ổn định rồi, chúng tôi sản xuất số lượng như mọi năm mà mọi người tới tìm mua nhiều lắm, làm không xuể”, nghệ nhân Hương Lan nói.

Khoe các mẫu mặt nạ được cất giữ cẩn thận tại phòng ngủ, bà Lan tràn đầy tin tưởng: “Những năm gần đây người trẻ tới đây tìm mua ngày càng nhiều. Giới trẻ càng biết nhiều về mặt nạ giấy bồi thì sự sống của nó càng lâu bền hơn nữa”.

Gia đình ông Hòa, bà Lan trước kia cũng đưa hàng cho những tiểu thương ở Hàng Mã, nhưng họ lại trộn lẫn mặt nạ giấy bồi với những loại hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng sản xuất công nghiệp. Sau này, nghệ nhân quyết định tự mình tìm cách tiêu thụ.

Nghệ nhân tỉ mẩn chuẩn bị hàng nghìn chiếc mặt nạ giấy bồi đón Trung thu - Ảnh 1.

Mỗi ngày nghệ nhân hoàn thiện từ 3-5 chiếc mặt nạ.

Vừa đi những nét mực lên chiếc phôi mặt nạ vẫn còn vương mùi nắng, bà Lan vừa kể về những câu chuyện bố mẹ đưa con tới tận nhà tìm mua mặt nạ giấy bồi, chỉ cho con những ký ức tuổi thơ mà mình từng trải qua, hay câu chuyện các trường tiểu học đưa học sinh tới nhà trải nghiệm các công đoạn làm ra một chiếc mặt nạ xưa. Nhiều đoàn du lịch còn đưa khách quốc tế tới, khám phá một nét đẹp văn hóa của người Việt trong dịp tết Trung Thu.

Đem tâm huyết đắp lên từng lớp giấy

“Không phải ai cũng làm được mặt nạ giấy bồi, trước có nhà theo làm nhưng lại bỏ, có những người theo gia đình tôi học nghề xong cũng bỏ, bởi họ không nắm được cái hồn cốt của chiếc mặt nạ”, bà Lan tâm sự.

Theo nghề đến nay đã gần 50 năm, được thừa hưởng từ gia đình nghề làm mặt nạ giấy bồi, bà Hương Lan luôn nhắc tới “hồn cốt” khi bất cứ ai hỏi về bí kíp tạo ra mặt nạ giấy bồi.

Nghệ nhân tỉ mẩn chuẩn bị hàng nghìn chiếc mặt nạ giấy bồi đón Trung thu - Ảnh 2.

Nghệ nhân hong khô mặt nạ trong không gian chật hẹp.

“Hồn cốt của mặt nạ giấy bồi thực ra rất đơn giản. Đó là tình yêu của mình, là sự chăm chút, tử tế với nghề. Mình dành tất cả tâm huyết đặt vào, chú trọng từng khâu, từng chi tiết, ấy chính là “hồn cốt” mà tôi luôn tâm niệm. Phải chú trọng từ bước làm khuôn, chọn giấy, bồi giấy, đem phơi, vẽ các chi tiết và gắn thêm dây”, bà Lan nói.

Những chiếc khuôn xi măng chắc chắn là linh hồn đầu tiên của mặt nạ giấy bồi. Tất cả những chiếc khuôn nặng trịch đều do một tay ông Hòa đắp nên, tỉ mẩn từ chút một để có thể tạo hình ra những chiếc mặt nạ nhiều chi tiết, vừa với kích thước mặt người. Với hơn 20 chiếc khuôn đúc bằng xi măng, hàng vạn chiếc mặt nạ với nhiều hình hài, kiểu dáng đã được sinh ra trong suốt gần 50 năm nay.

Nghệ nhân tỉ mẩn chuẩn bị hàng nghìn chiếc mặt nạ giấy bồi đón Trung thu - Ảnh 3.

Mặt nạ giấy bồi thủ công ngày càng được giới trẻ lựa chọn.

Không phải giấy nào cũng làm được mặt nạ giấy bồi, phải là giấy nhám, giấy xước. “Cũng may giấy học sinh viết lại đạt được tiêu chuẩn như thế. Giấy viết của con cháu khi đã sử dụng xong được chúng tôi tái chế lại, tạo nên những chiếc mặt nạ giấy bồi xinh đẹp như thế này”, nghệ nhân tâm sự.

Sau bước bồi từng lớp giấy vào khuôn, kết hợp với nước và hồ dán bằng bột sắn do chính tay bà Lan nấu, những chiếc phôi mặt nạ lần lượt ra đời. Chúng được phơi nắng cả một ngày, xếp chồng lên nhau, chờ bàn tay khéo léo của ông bà vẽ từng nét rồi lại được đem ra phơi từ 2 đến 3 tiếng, sau đó mới có thể tiếp tục vẽ chi tiết tiếp theo.

Tìm được truyền nhân

Khác với nỗi trăn trở “mất nghề” luôn thường trực trong tâm trí vợ chồng bà Lan nhiều năm về trước, năm nay, ông bà hào hứng kể về truyền nhân mới.

“Cái nghề này cần sự tỉ mỉ cẩn thận, cần sự khéo tay, không phải ai cũng có thể làm được, đến con cháu trong nhà cũng không có ai theo nghề. Gần đây, chúng tôi mới tìm được anh Đức. Tôi cảm nhận được sự đam mê, sự khéo tay cũng như cái tâm của anh ấy. Tôi sẵn sàng gửi đi hết những gì mình biết, vui mừng vì có người tiếp tục lan tỏa giá trị tới thế hệ mai sau”, bà Hương Lan bộc bạch.

Theo Minh Anh

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên