Nghề “săn” đào bán Tết
Cứ đến đầu tháng Chạp, nhiều người ở thôn Ðồng Cống, xã Bảo Sơn, huyện Lục Nam (Bắc Giang) lại rong ruổi trên các bản làng Tây Bắc để “săn” những cành, cây đào đẹp bán Tết. Có năm, họ thu cả trăm triệu đồng, có năm lỗ nặng.
- 07-01-2023Đảm bảo đủ lượng xăng dầu dịp Tết Nguyên đán
- 06-01-2023Sự cố lọc hóa dầu Nghi Sơn: Nguy cơ thiếu hụt 120.000 m3 xăng dầu dịp Tết
- 06-01-2023Giá dầu có thể đạt 110 USD/thùng vào giữa năm 2023
Nghề may rủi
Theo chỉ dẫn của người dân, chúng tôi tìm đến nhà anh Vi Văn Tuấn, người dân tộc Nùng ở thôn Đồng Cống, xã Bảo Sơn. Năm nay, anh Tuấn 41 tuổi, nhưng có hơn 20 năm trong nghề “săn” cành và cây đào bán Tết. Anh Tuấn là tay đi “săn” cây đào có tiếng ở xã Bảo Sơn. Lúc đến nhà, anh Tuấn vừa có một chuyến khảo sát tìm cây đào đẹp ở các bản vùng cao của tỉnh Lạng Sơn. Hỏi chuyện hồi lâu, anh Tuấn mới tiết lộ một vài bí quyết về nghề. Anh Tuấn rỉ tai, rồi bật mí: “Nghề này có lúc hái ra tiền, nhưng có khi tay trắng. Bởi vậy, không phải ai cũng có gan đi theo nghề săn cành và cây đào để bán dịp Tết”.
Anh Tuấn kể, thôn Đồng Cống nổi tiếng khắp huyện Lục Nam và tỉnh Bắc Giang vì có nhiều tay đi “săn” cành và cây đào lão luyện. Thôn chủ yếu là đồng bào dân tộc Nùng. Hơn 30 năm trước, một số người dân trong thôn bắt đầu đến với nghề “săn” cây đào bán dịp Tết. Thấy nghề này làm ăn được, ngày càng có nhiều người trong thôn theo công việc tìm cành, cây đào đẹp bán Tết. Gần 20 tuổi, anh Tuấn cũng theo bước chân các anh, các chú trong thôn vào nghề.
Anh Tuấn nhớ lại, những ngày đầu theo nghề “săn” đào, anh đi xe đạp lên các bản vùng cao của tỉnh Lạng Sơn, rồi đi bộ để tìm những cành và cây đào đẹp người dân trồng trong sân, vườn nhà. Thấy cành, cây đào nào ưng ý, anh Tuấn mua về, rồi buộc vào xe đạp mang lên bán ở thành phố Bắc Giang, thành phố Hà Nội kiếm tiền. Vài năm sau, anh Tuấn mở rộng địa bàn, anh đi ô tô khách sang tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn để tìm đào.
Dần dần, anh rong ruổi sang các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu. Lúc này, những chuyến đi tìm đào của anh kéo dài đến hàng tuần, thậm chí vài tuần. Người làm nghề “săn” đào bán Tết phải dân vận khéo. Những chuyến đi tìm đào dài ngày trong các bản vùng xa, anh Tuấn thường ăn nghỉ luôn ở nhà dân. Đi đến các bản, anh mua thức ăn, rồi xin nấu cơm và ngủ nhờ ở đó.
Đầu tháng Chạp, những người làm nghề “săn” đào bán Tết ở thôn Đồng Cống bắt đầu bước vào mùa làm ăn. Cả thôn có từ 40 đến 50 người theo nghề này tỏa đi các hướng đến các tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc để tìm mua những cành và cây đào được bà con dân tộc trong các bản trồng, sau đó thuê xe chở bán ở thành phố Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh.
Những người “săn” đào Tết ở thôn Đồng Cống làm lâu năm nên có nhiều kinh nghiệm. Tùy vào từng năm, họ biết đi đến tỉnh nào thì có đào đẹp. “Những năm nhuận, chúng tôi thường đi Cao Bằng, Hà Giang tìm đào bán Tết. Các năm không nhuận, chúng tôi đi Lạng Sơn, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai dễ gặp những cây, cành đào đẹp trong các bản”, anh Tuấn tiết lộ.
Theo anh Tuấn, nghề “săn” đào bán Tết có khi phụ thuộc vào may rủi, năm được, năm mất. Có năm trúng quả, buôn bán thuận lợi, anh có thể lãi được cả trăm triệu đồng bán đào trong chục ngày giáp Tết. Thế nhưng, cũng có năm, anh trắng tay, thậm chí thua lỗ nặng. Vụ đào Tết năm ngoái, anh bị lỗ 30 triệu đồng.
“Chúng tôi đi lên các bản vùng cao mua đào từ khi mới có nụ. Nếu thời tiết thay đổi thất thường, đào không nở hoa đúng thời điểm chơi Tết thì coi như toàn bộ số cành, cây đào đã mua phải bỏ đi, coi như mất Tết”, anh Tuấn chia sẻ.
Làng trồng đào nổi tiếng
Anh Tuấn cho biết thêm, những người ở thôn Đồng Cống đi “săn” cành và cây đào ở các tỉnh miền núi bán dịp Tết đã chịu khó học hỏi những “bí quyết” trồng đào của người dân bản địa. Dần dần, người thôn Đồng Cống áp dụng những “bí quyết” trồng đào ở các vùng miền và mua giống đào về trồng ở quê nhà. Bởi vậy, những năm gần đây, thôn Đồng Cống trở thành vùng trồng đào đẹp có tiếng ở tỉnh Bắc Giang. Nhờ vậy, nhiều nông dân trở thành triệu phú.
Men theo con đường bê tông mới đổ ven sườn đồi ngoằn ngoèo, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Bắc (59 tuổi) ở đầu thôn Đồng Cống. Lúc chúng tôi đến, ông Bắc đang chăm sóc mấy chục gốc đào lâu năm, có cây đào được trồng vài chục năm. Đưa chúng tôi thăm vườn đào, ông Bắc bảo, trong vườn, cây đào có giá cao nhất lên đến 15 triệu đồng. Có cây đào ông cho thuê chơi Tết cũng có giá cả chục triệu đồng.
Bên cây đào dần hé nụ, ông Bắc chia sẻ, ông là thế hệ đầu tiên ở thôn Đồng Cống làm nghề “săn” đào bán Tết. Cách đây 30 năm, ông cùng vài người khác trong thôn rong ruổi trên chiếc xe đạp lên các bản ở vùng cao ở Lạng Sơn, sau đó ông đi các tỉnh Đông Bắc và Tây Bắc để tìm những cành, cây đào đẹp được người dân trồng trong vườn, rồi mang về thành phố bán lấy lãi.
Hơn chục năm trước, ông bắt đầu chuyển sang trồng đào. Những chuyến đi “săn” đào ở các tỉnh miền núi phía Bắc, ông gặp cây đào nào đẹp hỏi mua, rồi mang về trồng.
Thêm vào đó, ông học được cách trồng đào của bà con dân tộc ở nhiều tỉnh miền núi nên vườn đào thế nhà ông đẹp có tiếng. Năm ngoái, tiền bán và cho thuê đào, ông bỏ túi khoảng 300 triệu đồng.
Theo lãnh đạo UBND xã Bảo Sơn, từ thôn Ðồng Cống, nghề trồng đào được mở rộng ra nhiều thôn khác trong xã. Cả xã Bảo Sơn có khoảng 400 hộ trồng đào. Việc trồng đào mang lại thu nhập cao gấp nhiều lần so với các loại cây khác.
Cách đó vài trăm mét, chúng tôi đến vườn đào của anh Nguyễn Đình Hải (sinh năm 1982). Anh Hải cũng là một tay đi “săn” đào bán Tết nổi tiếng trong vùng.
Nhờ nghề này, anh Hải học được cách trồng và tạo c ây đào dáng huyền từ vùng đào nổi tiếng Nhật Tân (thành phố Hà Nội).
Ba năm trước, anh thuê thêm ruộng, trồng khoảng 2.000 cây đào. Đào trồng được một năm, anh bắt đầu uốn thành cây đào dáng huyền. Năm nay, anh có 600 cây đào được bán. Vừa rồi, anh đã bán được hơn 200 cây, thu về gần 200 triệu đồng.
“Cả 3 anh em nhà tôi đều đi làm nghề “săn” cành và cây đào trồng trong nhà dân ở các bản vùng cao miền núi phía Bắc, rồi quay về trồng đào. Mỗi năm, chúng tôi thu về vài trăm triệu đồng từ việc trồng đào bán Tết. Năm nay, cây đào dáng huyền có giá từ 500 nghìn đến 1,2 triệu đồng/cây, cao hơn năm ngoái. Thời điểm này, việc tiêu thụ khá thuận lợi, chủ yếu bán vào miền Trung và miền Nam”, anh Hải cho hay.
Tiền phong