Nghề săn đầu người: Lĩnh cả tháng lương mỗi lần 'dắt' ứng viên đi nhận việc
'Săn một vị trí CEO có thể nhận về hoa hồng bằng 3 - 6 tháng lương CEO. Nhưng cũng mất cả năm để tìm được một người như thế' - Mỹ Linh tiết lộ.
- 21-06-2023Việc làm “khó bỏ” trước khi ngủ âm thầm khiến cơ thể phải gánh chịu 5 tổn thương
- 20-06-2023Đằng sau công việc làm trợ lý cho “bà đầm thép” ngành thời trang Anna Wintour
- 16-06-2023Hồ Ngọc Hà: "Tôi và Kim Lý cùng quan điểm sống nhưng không cùng quan điểm trong việc làm đám cưới"
Săn đầu người là nghề gì?
Headhunter (săn đầu người) là cách gọi của những chuyên viên tuyển dụng trung gian, làm việc độc lập hoặc làm việc cùng công ty tư vấn nhân sự. Khác với cách gọi có phần "kinh dị", nhiệm vụ chính của các headhunter là tìm kiếm ứng viên cho các tổ chức, doanh nghiệp có nhu cầu, đặc biệt là tìm các vị trí cấp cao.
Chia sẻ trong talkshow Người trong nghề (8 Sài Gòn), CEO Navigos Search Nguyễn Phương Mai cho biết, có nhiều lý do khiến các công ty tìm đến dịch vụ tuyển người của bên thứ 3. Thường là do các công ty nước ngoài đến Việt Nam không hiểu thị trưởng tuyển dụng Việt Nam, phòng nhân sự nội bộ quá tải hoặc có nhiều vị trí khó tuyển cần hỗ trợ chuyên môn.
Headhunter là các chuyên viên tuyển dụng làm việc độc lập hoặc làm việc cùng các công ty tư vấn nhân sự. Ảnh: Persolkelly Vietnam
Khác với người làm tuyển dụng trong nội bộ doanh nghiệp, các headhunter phải rất chủ động tìm đến ứng viên. Nguyễn Mai, cựu chuyên viên tư vấn tuyển dụng tại Persolkelly, thường phải "săn lùng" trên tất cả các nguồn để thấy một hồ sơ ứng viên phù hợp:
"Tìm hồ sơ trên Linkedin, TopCV, Vietnamworks, đọc các bài tuyển dụng trên mạng xã hội và hỏi người quen nữa. Tìm được một người phù hợp và đi làm được có thể mất đến 1-2 tháng".
Bên cạnh số lượng, các headhunter đều phải đảm bảo chất lượng nhân sự bằng cách tự đánh giá ứng viên. Mỹ Linh, một headhunter tại Hà Nội với 4 năm kinh nghiệm, thường tìm hiểu ứng viên qua 5 yếu tố: kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và mức độ phù hợp với công ty (ví dụ như mức lương, thời gian làm việc).
Headhunter thường chỉ được nhận thành quả khi ứng viên đã trở thành nhân viên chính thức của công ty, vậy nên họ chú trọng vào chất lượng ứng viên. Ảnh: FreeC Blog
Trong khi kinh nghiệm và mức độ phù hợp với công ty có thể phần nào đánh giá qua CV, câu hỏi phỏng vấn thì kiến thức, kỹ năng của ứng viên lại cần được kiểm tra qua bài test. Đặc biệt là yếu tố phẩm chất yêu cầu phải khai thác sâu mới nhận ra.
"Không phải ứng viên nói tôi tỉ mỉ là họ tỉ mỉ thật. Muốn biết phẩm chất một người cần phải khai thác nhiều hơn" - Mỹ Linh giải thích.
Headhunter được đánh giá là nhánh có thu nhập cao nhất trong ngành nhân sự. Những "ông mai bà mối" này thường được trả hoa hồng sau khi ứng viên đã làm việc chính thức ở công ty mới. Mỹ Linh tiết lộ, mức hoa hồng tính bằng mức lương ứng viên nhận việc, thông thường là 1 tháng với vị trí nhân viên và 2 tháng với vị trí cao cấp hơn. Cá biệt có những trường hợp "săn" vị trí cấp cao trong ban lãnh đạo hay còn gọi là C-level sẽ nhận mức hoa hồng rất khủng.
"Săn một vị trí CEO có thể nhận về hoa hồng bằng 3 - 6 tháng lương CEO. Nhưng cũng mất cả năm để tìm được một người như thế" - cô nói thêm.
Thu nhập hấp dẫn nhưng không hề đơn giản
Nhiều đơn vị tuyển dụng chia headhunter thành 2 nhóm là 360 độ và headhunter 180 độ. Các headhunter 180 độ chủ yếu làm công việc tìm kiếm ứng viên, phỏng vấn và gửi ứng viên cho khách hàng. Trong khi đó, headhunter 360 độ phải làm tất cả mọi công đoạn từ tìm kiếm khách hàng doanh nghiệp đến tuyển dụng, chăm sóc khách hàng...
Công việc của headhunter có nhiều điểm tương đồng với nhân viên kinh doanh, họ cũng chịu áp lực về doanh số, phải liên tục mở rộng vòng quan hệ của bản thân để tìm kiếm ứng viên. Làm việc với con người thường xuyên cũng đồng nghĩa với việc các headhunter luôn phải chịu rủi ro vì những yếu tố khó kiểm soát.
"Nhiều trường hợp ứng viên hủy phỏng vấn sát giờ, hay từ chối nhận việc ngay trước ngày đi làm. Mình luôn phải nhắc nhở bản thân là mọi chuyện có thể không như kỳ vọng, và phải có kế hoạch B" - Nguyễn Mai chia sẻ.
Nguyễn Mai là một nhân sự trẻ trong ngành headhunt. Ảnh: NVCC
"Ngày mới vào nghề, mình từng rất vui khi ứng viên đầu tiên được nhận việc. Thế nhưng ngay trước ngày đi làm, bạn ứng viên lại xin hủy vì một bên khác mời về với mức thu nhập cao hơn.
Lúc đó mình khá giận, nhưng sau này nghĩ lại, nếu đặt địa vị của mình vào ứng viên khi có 2 lựa chọn như vậy, có lẽ ai cũng sẽ chọn cái tốt hơn".
Từng là một người rất nhút nhát, những năm trong ngành headhunt đã khiến Mai bạo dạn, dám chủ động bắt chuyện với bất kỳ ai. Tiếp xúc với ứng viên khác nhau ở mọi độ tuổi, trình độ và chuyên môn là cơ hội để các headhunter mở mang hiểu biết của mình. Thu nhập hấp dẫn và cơ hội khám phá những giới hạn của bản thân cũng là lý do Mỹ Linh, Nguyễn Mai cùng nhiều bạn trẻ khác đang theo đuổi công việc đầy thách thức này.
Phụ nữ Việt Nam