Nghệ sĩ quảng cáo sai sự thật có bị xử phạt?
Nghệ sĩ, những người có ảnh hưởng nhất định với công chúng, đã thực hiện những clip quảng cáo thổi phồng hoặc sai sự thật các sản phẩm, thương hiệu đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.
- 26-11-2022Thuốc quảng cáo, bán trôi nổi trên mạng: Hiểm họa khôn lường
- 11-11-2022Người nổi tiếng quảng cáo thực phẩm chức năng, nếu hàng "rởm" xin lỗi là xong?
- 05-11-2022Thực hư loại lạc tím đen được quảng cáo 'thần thánh' như nhân sâm
Thời gian qua, tại nhiều trang mạng xã hội Facebook; YouTube, TikTok…, người xem thấy nhan nhản những clip quảng cáo thổi phồng các sản phẩm, thương hiệu. Từ các thuốc, thực phẩm chức năng cho đến mỹ phẩm không rõ nguồn gốc...
Trong các clip này có không ít nghệ sĩ, những người có ảnh hưởng trong một số lĩnh vực tham gia quảng cáo.
Việc quảng cáo sai, không đúng sự thật trên mạng xã hội đã gây bức xúc trong dư luận.
Quảng cáo sai sự thật tràn lan trên mạng. (Ảnh minh họa)
Theo luật sư Cao Thế Luận, Công ty Luật TNHH Kao Kiến, quảng cáo sai sự thật là hành vi bị cấm đã được quy định trong các bộ luật, thông tư và nghị định.
Cụ thể, điều 8 Luật Quảng cáo 2012 sửa đổi, bổ sung 2018 có quy định về các hành vi bị cấm, trong đó có: "Quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố".
Việc quảng cáo sai sự thật có thể bị phạt tiền từ 60 đến 80 triệu đồng, theo khoản 5 điều 34 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP.
Hành vi quảng cáo gian dối còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 197 Bộ Luật hình sự 2015 (tội Quảng cáo gian dối).
Luật sư Lê Thị Huyền Trang, Đoàn Luật sư TP HCM cho biết thêm để bảo vệ người tiêu dùng được sử dụng đúng, an toàn về sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ liên quan đến việc quảng cáo, có thể tuỳ vào động cơ, mục đích của tổ chức, cá nhân khi thực hiện việc "quảng cáo sai sự thật" "cung cấp thông tin sai" "dùng thủ đoạn gian dối khác" để xem xét, xử lý đối với hành vi đó được quy định tại các Điều 197 tội Quảng cáo gian dối và Điều 198 tội Lừa đảo khách hàng.
Như vậy, tùy vào từng hành vi vi phạm, mức độ vi phạm cụ thể mà cơ quan chức năng sẽ xem xét áp dụng tội danh phù hợp.
Trong cả hai tội danh nêu trên, thì tổ chức, cá nhân cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà sử dụng các cá nhân nghệ sĩ, người có ảnh hưởng nhất định trong một số lĩnh vực (gọi chung là người nổi tiếng) sẽ bị truy cứu với vai trò là người chủ mưu, tổ chức thực hiện hành vi phạm tội, còn người nổi tiếng có thể bị xem xét là đồng phạm với vai trò người giúp sức.
Người Lao Động