MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên được phong hàm thiếu tướng là ai?

24-07-2024 - 20:15 PM | Lifestyle

Không chỉ có sự nghiệp âm nhạc đồ sộ, cố nhạc sĩ An Thuyên còn là nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Nhạc sĩ tài hoa, người thầy của nhiều ca sĩ nổi tiếng

Nhắc đến An Thuyên, người yêu âm nhạc sẽ nhớ ngay đến người nhạc sĩ tài hoa, tên tuổi gắn liền với nhiều ca khúc bất hủ như Ca dao em và tôi, Chín bậc tình yêu, Huế thương, Biển và em... Ông cũng là nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa VII.

Đặc biệt, cố nhạc sĩ An Thuyên còn là nghệ sĩ Việt đầu tiên được phong hàm cấp tướng. Sinh thời, ông từng là Thiếu tướng Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên được phong hàm thiếu tướng là ai?- Ảnh 1.

Cố nhạc sĩ An Thuyên

An Thuyên sinh ra và lớn lên ở làng Kẻ Đáy, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Gia đình ông vốn là một gánh hát, bố, các anh, chị đều là diễn viên, nên "dòng máu nghệ thuật" chảy trong An Thuyên từ nhỏ.

Năm 11 tuổi, ông đã biết thổi sáo, kéo nhị, theo gia đình đi lưu diễn khắp nơi. Đến năm 15 năm, ông biết sáng tác ca khúc đầu tiên.

Sau khi tốt nghiệp trường Văn hóa nghệ thuật Nghệ An, An Thuyên về công tác tại phòng Văn nghệ của Ty văn hóa Nghệ An. Đến năm 1975, ông nhập ngũ. 2 năm sau, nhạc sĩ được chuyển về công tác tại Đoàn Văn công Quân khu 4.

Từ 1981 – 1988, An Thuyên học ở Nhạc viện Hà Nội. Tốt nghiệp xong, ông công tác tại Phòng Văn nghệ Quân đội. Năm 1992, An Thuyên chuyển công tác ở Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội và chỉ 1 năm sau lên làm hiệu trưởng của trường.

Suốt cả cuộc đời mình, âm nhạc của An Thuyên gắn bó với những miền quê tươi đẹp, sự ngọt ngào của các câu dân ca. Ông đã tạo ra một con đường riêng trong sáng tác với những ca khúc mang âm hưởng dân gian như Ca dao em và tôi, Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác, Hành quân lên Tây Bắc, Em chọn lối này, Thơ tình của núi, Chín bậc tình yêu, Huế thương, Hà Nội tình yêu tôi, Biển và em...

Nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên được phong hàm thiếu tướng là ai?- Ảnh 2.

Cố nhạc sĩ An Thuyên là nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên được phong hàm cấp tướng

Trong sự nghiệp, An Thuyên từng nhận nhiều giải thưởng danh giá như Giải thưởng của Bộ Quốc phòng cho ca khúc Hành quân lên Tây Bắc (1984), Thơ tình của núi (1994); Giải nhất của Bộ Văn hóa - Thông tin và Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho ca khúc Khi xe tăng qua miền quan họ (1985), Mẹ Việt Nam anh hùng (1995), Giải Nhì Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho Chín bậc tình yêu (1992). Năm 2007, ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Ngoài ra, cố nhạc sĩ An Thuyên còn là người thầy đáng kính của nhiều giọng ca nổi tiếng như ca sĩ Hồ Quỳnh Hương, NSND Phạm Phương Thảo, ca sĩ Ngọc Anh, ca sĩ Vương Dung...

Hồ Quỳnh Hương chia sẻ, khi cô học tại Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội, An Thuyên làm Hiệu trưởng. Ông chính là người thầy đầu tiên đã định hướng cho cô đến với con đường nghệ thuật.

Còn NSND Phạm Phương Thảo thì tâm sự, với cô, cố nhạc sĩ An Thuyên là người thầy gần gũi, độ lượng và nhân ái vô bờ.

"Có lẽ trên đời này rất hiếm có một An Thuyên thứ hai, trong vai trò là Hiệu trưởng mà không có khoảng cách với học trò, không chỉ Thảo, tất cả học sinh của trường Nghệ thuật quân đội cũng có cảm nhận như vậy”, nữ ca sĩ nói.

Nghệ sĩ Việt Nam đầu tiên được phong hàm thiếu tướng là ai?- Ảnh 3.

Sinh thời, An Thuyên được đồng nghiệp, học trò yêu mến bởi sự gần gũi, nhân hậu

Cả gia đình đều làm nghệ thuật

Bên cạnh những thành công rực rỡ trong âm nhạc, thuở sinh thời, nhạc sỹ An Thuyên luôn tự hào vì có gia đình đầm ấm, vợ và các con đều yêu nghệ thuật, làm nghệ thuật. Vợ ông là nghệ sĩ Ngô Huyền Lâm, con trai là nhạc sĩ An Hiếu, con gái là ca sĩ Bông Mai.

Cố nhạc sĩ An Thuyên từng tâm sự: “Tôi thường nói với các con rằng bố mẹ ra đi với hai bàn tay trắng, những gì mà gia đình mình có được như hôm nay đều bắt nguồn từ củ khoai, củ sắn, từ điệu dân ca, từ hồn vía quê hương xứ Nghệ …và điều quan trọng nhất của người làm nghệ thuật là cái tâm.

Tôi thường dặn con trai, khi con ra đường gặp hoàn cảnh thương tâm phải biết rơi nước mắt thì nốt nhạc của con mới có ý nghĩa. Tôi cũng dạy con rằng mọi sáng tạo đều phải bắt nguồn từ cuộc sống, nếu không, những bản nhạc sáng tác ra cũng như là một thứ thời trang …”.

Năm 2015, sau một cơn nhồi máu cơ tim, nhạc sĩ An Thuyên đột ngột rời cõi tạm, để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, học trò và những khán giả yêu âm nhạc. Dù nam nhạc sĩ ra đi, nhưng sự nghiệp âm nhạc của ông còn sống trong lòng dân tộc, những ca khúc sẽ mãi mãi đi cùng năm tháng.

Theo Tuệ Anh

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên