Nghệ thuật cho lời khuyên 101: Không phải cứ ai hỏi mình cũng trả lời
Lời khuyên là một món quà mà không phải bất cứ ai cũng biết cách tặng. Để tránh những trường hợp tặng quà không đúng cách, quà trao không đúng người nhận… hãy đọc những bí quyết sau đây để tránh tình trạng lời qua tiếng lại, khẩu nghiệp giữa đôi bên.
Chỉ mới cách đây vài tuần, một cô bạn hỏi tôi rằng liệu cô ấy có nên đá gã bạn trai hiện tại không. Nước mắt lưng tròng, cô bạn tôi rưng rức hỏi tôi nếu là cậu, cậu sẽ làm gì. Tôi khựng lại một lúc. Tôi biết quá rõ mối quan hệ giữa cô ấy và gã kia: hẳn nhiên tôi muốn cô bạn mình thoát khỏi tên bạn trai đó càng sớm càng tốt. Nhưng tôi cũng không dám mạo hiểm thêm (vài lần nữa) tình bạn của chúng tôi trong trường hợp cô ấy vẫn không chia tay gã dù tôi có nói gì đi chăng nữa.
Tôi nghĩ rằng, bất cứ ai từng ở vị trí được hỏi xin một lời khuyên cũng hiểu rằng: lời khuyên của bạn chưa chắc đã được lắng nghe. Mặc dù bản chất lời khuyên như một món quà được trao tặng tự nguyện, nhưng một lời khuyên cũng có thể ngấm ngầm bao chứa nhiều động lực, sức ép đến người được nhận nó. Chính thái độ “tôi-hiểu-rõ-vấn-đề-của-bạn-và-đây-là-những-gì-bạn-nên-làm” có thể khiến việc đưa lời khuyên cho một ai đấy trở nên nặng nề và căng thẳng.
“Việc đón nhận một lời khuyên đồng nghĩa với việc đồng ý chịu sự ảnh hưởng từ một người khác” Leight Tost – phó giáo sư khoa Quản trị & Tổ chức thuộc ĐH Marshall Nam California cho biết. Chính vì vậy, đôi khi việc không đón nhận một lời khuyên của một người lại hàm ý rằng họ đang từ chối việc bị “kiểm soát” bởi người đưa lời khuyên hơn là lời khuyên đó không phù hợp với họ.
Dù sao thì, ham muốn được giúp đỡ một ai đó khi thấy họ đang đắm mình trong bể rắc rối cũng là điều dễ hiểu. Việc đưa lời khuyên, đưa đường chỉ lối cho ai đó thoát khỏi mớ bòng bong cuộc đời họ khiến chúng ta cảm thấy bản thân mình trở nên tốt đẹp. Trên thực tế, việc đưa lời khuyên có thể làm tăng ý thức về quyền lực của một cá nhân dựa trên một nghiên cứu về Tâm lý cá thể và đám đông được ra mắt vào năm 2018.
Những nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng: Có 3 yếu tố ảnh hưởng đến việc quyết định có nên đón nhận một lời khuyên hay không của một người.
Yếu tố số 1: giá tiền. Hãy nghĩ tới việc phải thuê luật sư để soạn thảo hay xem một bản hợp đồng nhiều chương, hồi, khoản mục. Giá tiền hoàn toàn ảnh hưởng tới quyết định đón nhận lời khuyên của một người khi vấn đề mà họ gặp phải có độ khó cao và mức chi phí để giải quyết cũng lớn.
Yếu tố số 2: mức độ “chuyên gia” của người cho lời khuyên. Chẳng hạn nếu bác sĩ kê đơn cho bạn thì bạn có không muốn nhận lời khuyên từ bác sĩ không?
Yếu tố số 3: cảm xúc. Con người có xu hướng phớt lờ mọi lời khuyên can (hoặc cảnh tỉnh) khi đụng tới những vấn đề mà họ đã biết quá rõ như lòng bàn tay (nhưng vẫn thích đi hỏi người khác) chẳng hạn như việc chia tay với bạn trai, gửi một tin nhắn đổ thêm dầu vào lửa khi đang đôi co với ai đó.
Vậy, có cách nào để cho chúng ta – những người công dân mẫn cán luôn quan tâm tới đồng nghiệp và bạn bè của mình – những người dù không phải chuyên gia nhưng luôn muốn với tay ra giúp đỡ, khuyên can những kẻ yếu thế hơn mình? Hẳn nhiên là có cách nhưng bạn cần nhớ rằng: hãy tiếp chuyện những kẻ đang khẩn khoản xin lời khuyên kia bằng một sự nhạy cảm khôn ngoan và luôn coi họ là trung tâm của câu chuyện.
Hãy chắc rằng bạn thực sự được xin lời khuyên:
Trước khi hắng giọng và lôi hết mớ kiến thức của mình ra, hãy chắc chắn rằng bạn đang thực sự được xin lời khuyên. Đôi khi chúng ta dễ dàng nhầm lẫn giữa việc làm một khán giả im lặng cho câu chuyện tình của cô bạn thân với việc trở thành người hùng giúp cô nàng thoát khỏi những rắc rối. Nhiều khi, họ tìm đến bạn chỉ vì họ cần một ai đó lắng nghe những lời than thở của họ. Lúc đó, “Làm thế nào bây giờ?” thật ra cũng chỉ tương đương câu nói “Mình muốn có ai đó hiểu mình” thôi.
Vậy, trong những tình huống nhập nhằng như vậy, bạn có thể làm gì? Hãy hỏi ngược lại người kia rằng “Bạn có sẵn sàng nghe một số gợi ý của tôi không? Hoặc chúng ta có thể để khi khác.”. Câu hỏi này sẽ giúp tình thế trở nên rõ ràng và dễ chịu hơn với cả hai người. Với câu hỏi này, bạn sẽ giúp người cần lời khuyên cơ hội để khẳng định rõ hơn điều họ muốn. Nếu họ không cần và từ chối sự giúp đỡ của bạn thì cũng… chẳng sao cả. Hãy tôn trọng họ và làm một khán giả nhiệt thành cho câu chuyện của họ.
Hiểu rõ mong muốn của người đang xin bạn lời khuyên:
Austin Kleon, tác giả của cuốn sách “Steal like an Artist” có một cách trả lời khá hay ho dành cho những người tới xin ông lời khuyên. Thay vì nhảy bổ vào vấn đề của họ, Austin sẽ hỏi lại những người đến xin mình lời khuyên rằng: “Cụ thể, bạn muốn biết điều gì mà chỉ có tôi mới có thể giải đáp cho bạn?”.
Việc hỏi lại lần nữa giúp bạn biết chắc rằng vấn đề đang thực sự nằm ở đâu và liệu người cần lời khuyên có thực sự cần đến vậy hay không? Hãy hỏi họ mong muốn, kết quả mà họ trông đợi từ cuộc nói chuyện với bạn, từ đó bạn có thể điều chỉnh được cách tiếp cận câu chuyện của mình. Cũng đừng quên hỏi xem họ đã làm những gì để giải quyết vấn đề, bạn không muốn mình đưa ra lời khuyên thừa thãi đúng không?
Xem xét khả năng giải quyết vấn đề của chính mình:
Vậy, trong những tình huống nhập nhằng như vậy, bạn có thể làm gì? Hãy hỏi ngược lại người kia rằng “Bạn có sẵn sàng nghe một số gợi ý của tôi không? Hoặc chúng ta có thể để khi khác.”. Câu hỏi này sẽ giúp tình thế trở nên rõ ràng và dễ chịu hơn với cả hai người. Với câu hỏi này, bạn sẽ giúp người cần lời khuyên cơ hội để khẳng định rõ hơn điều họ muốn. Nếu họ không cần và từ chối sự giúp đỡ của bạn thì cũng… chẳng sao cả. Hãy tôn trọng họ và làm một khán giả nhiệt thành cho câu chuyện của họ.
Hãy là một người thân thiện:
Lời nói có sức mạnh khủng khiếp: gây tổn thương hoặc chữa lành con người chỉ trong phút chốc. Trong nhiều nghiên cứu cho thấy, lời trấn an của bác sĩ có thể làm giảm bớt cơn đau, tình trạng của bệnh nhân. Việc đưa lời khuyên cho một ai đó cũng vậy: bạn hoàn toàn có thể giải quyết được phần nào gánh nặng đang đè lên người bạn của mình bằng cách tặng họ vài lời khen ngợi, trấn an phù hợp. (VD: Đấy làm vậy là đúng rồi, ôi may mà làm thế nhé…). Việc khen ngợi quyết định của một người không chỉ giúp họ tự tin hơn vào bản thân mình mà còn giúp mối quan hệ giữa bạn và người đó thêm phần vững chắc.
Chia sẻ kinh nghiệm:
Chẳng ai muốn nghe một bài giáo huấn cả, chính vì vậy việc đưa lời khuyên làm sao cho khéo léo cũng là cả một vấn đề. Bạn có thể mở lời bằng việc chia sẻ từ chính những kinh nghiệm cá nhân trong quá khứ của mình: “À tôi đã từng như vậy, và tôi xử lý như thế này này”. Điều này sẽ giúp bạn tạo được sự an tâm đối với người nhận lời khuyên, bản thân họ cũng cảm thấy cởi mở hơn với bạn. Trong một số trường hợp cần thiết, bạn cũng có thể đưa thêm cho họ những nguồn thông tin tham khảo khác nhau và đáng tin cậy để giúp họ đưa ra quyết định tốt hơn.
Hãy để ý tới những biểu hiện bên ngoài:
Những biểu hiện ở đây là những dấu hiệu biểu hiện trên khuôn mặt, cử chỉ của người được nhận lời khuyên. Hãy để ý xem khuôn mặt của họ có giãn bớt ra, vai thấp xuống và thở phào nhẹ nhõm khi nghe bạn nói không. Những biểu hiện đó cho thấy “lời khuyên” của bạn đang được tiếp thu và phần nào đã giúp họ giải quyết được những khúc mắc họ gặp phải. Bạn có thể làm cho câu chuyện trở nên nhẹ nhàng hơn bằng việc sử dụng các từ như “gợi ý”, “ý tưởng” thay vì “lời khuyên”. Những từ như vậy sẽ mang tính đóng góp xây dựng đôi bên cùng hoà hợp nhiều hơn là “lời khuyên” vốn dễ gây ra áp lực vô hình dành cho cả người nhận và người cho đi.
Biết điều gì là cần thiết cho người nhận lời khuyên:
Tất nhiên bạn sẽ có thể nghĩ ra rất nhiều lời khuyên cho một tình huống, tuy nhiên việc thực hiện được hết các phương án này lại là điều không tưởng đối với người nhận được lời khuyên. Hiểu và thông cảm với tình thế mà người nhận lời khuyên đang gặp phải; chấp nhận và tôn trọng lựa chọn cuối cùng của họ. Bạn có thể thảo luận trao đổi với họ xem đâu là giải pháp phù hợp nhất với tình huống của họ. Điều này không chỉ giúp người nhận lời khuyên có khả năng được lựa chọn, bớt đi phần nào gánh nặng mà còn giúp cuộc nói chuyện kết thúc trong không khí hoà hảo.
Cùng nhau hướng tới bước tiếp theo:
Cuối cùng, hãy hỏi họ xem bạn có thể giúp được gì tiếp và có điều gì mà bạn không nên làm không. Đừng quá lo lắng rằng việc hỏi han nhiều có thể khiến người được nhận lời khuyên cảm thấy áp lực. Hãy hỏi và tiếp cận họ bằng sự chân thật và một cái đầu cởi mở, cho họ thấy bạn thực sự muốn giúp và sẵn sàng hợp tác cùng họ.
Trí thức trẻ