Nghề tiền tỷ nhưng "hiểm" nhất showbiz
Lisa (BLACKPINK), Lưu Thi Thi, Angelababy và không ít sao hạng A đều từng chịu tổn thất lớn vì hình thức hoạt động showbiz này.
- 24-07-2024Ái nữ nhà sao Việt xinh đẹp, đa tài nhưng chỉ muốn học "ngành học bá", không theo showbiz
- 16-07-2024Bà hoàng 70.000 tỷ khiến cả showbiz nể phục là ai?
- 01-07-2024Một phú bà showbiz Việt ở nhà 60 tỷ, kim cương vài triệu đô, cách dạy con mới đáng ngưỡng mộ
Lên đồ, trang điểm rồi dành vài tiếng chụp ảnh, cười cười nói nói là nhận tiền cát xê hàng chục, hàng trăm triệu cho đến hàng tỷ. Đây là cách các ông bầu showbiz từng miêu tả và cũng là khái niệm của khán giả về "nghề" dự sự kiện. Nhưng chuyện đâu có đơn giản đến thế.
Tuần qua, showbiz dậy sóng trước vụ ngọc nữ Lưu Thi Thi bất ngờ bị tẩy chay, chịu đòn trừng phạt vì 1 bức ảnh selfie thị phi ở Olympic 2024 sau 20 năm sự nghiệp chưa bao giờ nhúng chàm. Nhìn lại tầm này 10 tháng trước, dư luận châu Á chấn động trước scandal 2 minh tinh hạng A của Cbiz Angelababy và Trương Gia Nghê bị "phong sát" diện rộng, chịu cảnh sự nghiệp sụp đổ sau 1 đêm chỉ vì... đến xem Lisa diễn ở hộp đêm thoát y Crazy Horse.
Đánh giá ở bề nổi của 2 vụ ồn ào này, Lưu Thi Thi hay Angelababy, Trương Gia Nghê chỉ đơn thuần là đến dự sự kiện, đến xem show và không hề có bất cứ hành động sốc nổi nào. Thế nhưng kết cục, họ lại chịu hậu quả nặng nề đến mức không ai lường trước được. Thậm chí, đến cả những chuyên gia truyền thông, giải trí cũng phải đau đầu nhức óc phân tích rõ ngọn nguồn để tìm ra câu trả lời cho thắc mắc "Sao đi dự sự kiện thôi mà cũng có thể làm nổ ra scandal nghiêm trọng đến vậy?". Đi sâu vào bản chất vấn đề, không chỉ công chúng mà cả giới nghệ sĩ, người nổi tiếng cũng thật sự phải ngẫm nghĩ về "nghề" đi sự kiện.
Đi sự kiện: Món nghề "cá kiếm" béo bở của người nổi tiếng
Khán giả có lẽ không còn thấy làm lạ trước cảnh các ngôi sao nổi tiếng đến dự các sự kiện lớn nhỏ ở nhiều lĩnh vực, và hoạt động này rất được ưa chuộng trong giới giải trí. Tại sao người sự kiện lại chăm đi sự kiện đến thế?
Hoạt động tham dự sự kiện tồn tại như "miếng mồi" béo bở để các bên thu về lợi nhuận lớn không tưởng. Trước đây, hầu như các sự kiện mang tính chất thương mại chỉ xoay quanh event nhãn hàng mỹ phẩm, event thời trang... Nhưng thấy được tiềm năng lợi ích ở nhiều mặt, giới nghệ sĩ và các công ty giải trí, các đơn vị tổ chức tham vọng mở rộng hoạt động này hơn. Sao đến dự lễ công chiếu phim ủng hộ bạn bè đồng nghiệp, sao đến xem show thời trang, sao đến xem concert của 1 nghệ sĩ, hay dàn sao đến xem 1 trận đấu thể thao, người nổi tiếng đến liên hoan phim tôn vinh tác phẩm... cũng dần được xếp vào danh mục như hoạt động đi sự kiện.
Có thể lấy ví dụ về chuyện người nổi tiếng ồ ạt đến dự các sự kiện thời trang ở Fashion Week. Theo thống kê từ Vogue Business, tuần lễ thời trang Paris mang lại giá trị truyền thông lớn nhất cho mùa mốt Thu/Đông 2023 ở mức 315 triệu USD (7.916 tỷ đồng) và Dior giữ vị trí quán quân với 46 triệu USD (1.156 tỷ đồng). Đáng nói, nhà mốt Pháp đạt được thành tích này phần lớn nhờ vào sự góp mặt của nữ thần Jisoo ở các sự kiện thời trang. Sau khi dự Fashion Week, chị cả BLACKPINK đã giúp Dior kiếm được 11,8 triệu USD (296 tỷ đồng), chiếm 26% giá trị truyền thông nhãn hàng, chỉ với 3 bài đăng khoe sắc xinh đẹp trên trang cá nhân.
Đôi khi sự hiện diện của 1 ngôi sao thôi cũng được coi là điều kiện cần và đủ đối với 1 sự kiện. Năm 2023, Rihanna hiếm hoi trở lại biểu diễn trên sân khấu ở siêu cúp bóng bầu dục Mỹ Super Bowl. Nhưng khoảnh khắc gây chú ý và đem về lợi nhuận khủng không phải là màn trình diễn của nữ ca sĩ mà là vài giây... dặm lại phấn. Hình ảnh Rihanna tút lại nhan sắc giữa giờ diễn đã tạo ra mức ảnh hưởng khổng lồ cho brand mỹ phẩm Fenty Beauty của riêng cô, ở đây cụ thể là 5,6 triệu USD (140 tỷ đồng) giá trị truyền thông, lượt đề cập đến từ khóa "Fenty" cũng tăng đến 717% trên Twitter và TikTok.
Có thể nói rằng, đây là thương vụ đầu tư thông minh của nữ tỷ phú Rihanna. Không ít khán giả dõi theo Super Bowl 2023 đều nhận xét rằng, nữ ca sĩ này tham dự Super Bowl với tâm thế không khác gì dự các sự kiện tầm cỡ như Met Gala. Trên thực tế, cô không hề được NFL trả 1 đồng cát xê biểu diễn nào ở Super Bowl. Mượn độ nhận diện khổng lồ của siêu cúp (ước tính hơn 100 triệu người theo dõi), sự kỳ vọng của khán giả với màn trở lại trên sân khấu, Rihanna chỉ cần lồng ghép 1 khoảnh khắc nhỏ thôi là đạt được mục đích quảng bá thương hiệu mỹ phẩm và có "quà" lớn mang về.
Mối quan hệ của nhà tổ chức và người nổi tiếng mang tính chất có lợi đôi bên, brand/nhà tổ chức thu về lợi ích không chỉ dừng lại ở độ nhận diện và lợi nhuận quảng cáo kèm theo mà còn cả ở danh tiếng và uy tín. Đổi lại, nghệ sĩ được hưởng đãi ngộ, được quảng bá hình ảnh, tăng độ nhận diện cá nhân trên nền tảng lớn của đối tác.
Theo Sina, MC Lý Vỹ từng livestream tiết lộ mức giá cát xê cao ngất ngưởng của Chương Tử Di. Chỉ cần có mặt khoảng 30 phút, nàng đại hoa đán Trung Quốc đã bỏ túi số tiền lên đến 8-9 số 0, tức là lên tới khoảng vài trăm triệu NDT (350 tỷ đồng trở lên). Chỉ qua đây, khán giả chắc đã có thể mường tượng được phần nào lợi ích của các sự kiện trong showbiz và sức ảnh hưởng của người nổi tiếng.
Trước đây, cứ phải chờ đến các lễ trao giải lớn, dàn sao mới được dịp xuất hiện trước hàng trăm đơn vị truyền thông nhờ hoạt động đi thảm đỏ hay giao lưu với bạn bè nghệ sĩ để mở rộng phạm vi phủ sóng, hút thêm fan. Nhưng ở Hàn Quốc 3-4 năm trở lại đây, xu hướng người nổi tiếng đến xem concert của sao lớn hay đến sự kiện công chiếu VIP của sao hạng A bỗng trở nên rầm rộ. Concert của IU, BLACKPINK đều rất được sao châu Á ưa chuộng, hầu như mỗi lần tổ chức đều quy tụ 30-40 ngôi sao nổi tiếng ở mọi lĩnh vực âm nhạc, phim ảnh, thể thao từ khắp các quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam...
Tất nhiên, nhiều celeb thật sự dành lòng cảm mến, yêu thích đối với nghệ sĩ khi tham dự. Nhưng bên cạnh đó, không ít người mang danh đến ủng hộ nghệ sĩ lớn (xem show, xem phim ủng hộ, nghe album mới...) và phần nào lợi dụng cơ hội để "cọ nhiệt". Đổi lại, nghệ sĩ tổ chức sự kiện đó cũng được nở mày nở mặt nhờ dàn sao hùng hậu góp mặt, tác phẩm mới cũng nhờ thế mà đến tai thêm nhiều người hâm mộ.
Không chỉ sự kiện trong giới nghệ thuật, các giải đấu thể thao, thế vận hội thể thao giờ đây cũng trở thành chốn siêu sao hội tụ, nổi nhất là giải quần vợt Wimbledon, siêu cúp Super Bowl... và mới đây nhất là Olympic. Đôi khi khán giả bàn tán về sự góp mặt của dàn khách VIP, các khung hình chung "gấp đôi visual" còn hơn là nhân vật chính, tác phẩm chính.
Rủi ro không tưởng, sai 1 ly đi 1 dặm
Theo phân tích của Celebagents, sự hiện diện của người nổi tiếng ở các sự kiện mang tiềm năng thương mại lớn nhưng cũng đòi hỏi không ít yêu cầu phức tạp và thử thách. Cũng không ngoa khi nói đi sự kiện là nghề "hiểm" nhất showbiz. Đi sự kiện không gì hình thức kết hợp giữa giao lưu đối tác, giao lưu người hâm mộ, trình diễn thời trang, đóng quảng cáo... trên sóng trực tiếp.
Mỗi 1 sự kiện đều đòi hỏi phân khúc khách mời khác nhau, điều kiện cần và đủ đều được ekip lớn từ 2 phía nhà tổ chức và nghệ sĩ cân nhắc kỹ lưỡng. Không nói đến khoản cát xê lớn để mời sao góp mặt, nhà tổ chức, nhãn hàng còn phải đảm bảo đãi ngộ thích hợp cho những vị khách quý này và tính toán cực kỹ từng công đoạn từ tổ chức, quảng bá cho đến chuẩn bị phương án đối phó với rủi ro tiềm tàng. Trang phục, cách trang điểm, ngay cả thái độ cần có của khách mời tùy theo chủ đề sự kiện cho đến giá trị hình ảnh của ngôi sao đó đem lại... đều nằm trong toan tính và bản kế hoạch rõ ràng.
Thế nhưng, dù tối ưu hóa chiến lược quảng cáo thế nào, mọi sự kiện đều tiềm tàng rủi ro lớn vì có khán giả và giới truyền thông trực tiếp dõi theo từng diễn biến. Với sự phát triển của các phương tiện ghi hình và độ phổ biến của phương tiện truyền thông đại chúng thời nay, nhất cử nhất động của người nổi tiếng trong 1 sự kiện đều có thể được lan truyền rộng rãi chỉ sau vài giây. 1 chi tiết tưởng chừng chẳng mang ý nghĩa sâu xa nào trong event cũng có thể bị cắt ghép, bóp méo trên mạng xã hội.
Chẳng may mắc sai lầm nhỏ, ngay cả nghệ sĩ hạng A với "bảo hiểm hình ảnh" được tính bằng cả chục năm làm nghề cũng có thể làm nổ ra tranh cãi, kết cục hại mình hại người - vừa làm xấu hình ảnh cá nhân vừa khiến nhãn hàng, nhà tổ chức mất uy tín. Chỉ từ những sự cố nhỏ không mong muốn như 1 cái liếc mắt gây hiểu nhầm của nghệ sĩ tham dự, thiếu sót về chỗ ngồi, sự cố trang phục... hay ngay cả 1 nụ cười thân thiện tưởng chừng vô hại cũng có thể kéo theo vô vàn rắc rối.
PR cũng cần làm khéo và tinh tế, bởi khán giả ngày càng khó tính và tinh tường. Giờ đây, không khó để nhận ra bất kỳ hình thức quảng cáo nào dù brand có lồng ghép khéo léo đến đâu. Rất nhiều nghệ sĩ sử dụng Hiệu ứng tiếp xúc đơn thuần (Mere exposure effect) như nguyên tắc củng cố tính hiệu quả cho khâu quảng bá bởi các cá nhân có xu hướng phát triển sở thích đối với những thứ họ gặp thường xuyên hơn. Song cái gì cũng có giới hạn, khán giả chắc hẳn sẽ cảm thấy khó chịu nếu nhìn thấy 1 đoạn clip quảng cáo xuất hiện mỗi ngày. PR lố, PR quá đà cũng được tính vào rủi ro.
Có thể lấy câu chuyện Lưu Thi Thi ở Olympic 2024 và Angelababy - Trương Gia Nghê đi xem Lisa biểu diễn tại Crazy Horse làm ví dụ.
Đến với Olympic 2024, Lưu Thi Thi xuất hiện trên khán đài theo dạng khách mời của nhãn hàng. Chuyện sao đến dự sự kiện thể thao theo lời mời của brand lớn không có gì là lạ và cũng được khán giả chấp nhận nhiều năm qua. Nhưng bản chất của thế vận hội Olympic vẫn là dịp để tôn vinh thể thao, mang ý nghĩa biểu trưng cho tinh thần đoàn kết, hòa bình của toàn nhân loại. Sở dĩ nữ diễn viên Bộ Bộ Kinh Tâm bị chỉ trích dữ dội đến vậy là vì thái độ thờ ơ, thiếu tôn trọng và lợi dụng Olympic.
Thời gian qua, hình ảnh Lưu Thi Thi xinh đẹp, luôn trong tư thế tạo dáng trên khán đài phủ sóng khắp mạng xã hội Trung Quốc. Các chủ đề bàn luận về nhan sắc, trang phục, chuyến đi của Lưu Thi Thi liên tục có mặt trên bảng hot search Weibo, với gần 50 bài trong 3 ngày. Thế nhưng, khán giả lại không thấy được 1 bài đăng thật tâm nào của nữ diễn viên về các trận tranh tài thể thao ở Olympic. Nữ diễn viên bỏ tiền mua bài truyền thông, lợi dụng sức nóng của thế vận hội để đánh bóng tên tuổi 1 cách quá đà.
"Ít nhất cô ấy cũng nên bày tỏ chút lòng thành đối với các vận động viên đang thi đấu bằng hết sức bình sinh để đem lại vinh quang cho quốc gia của họ", 1 khán giả ngán ngẩm bình luận về Lưu Thi Thi. Và khoảnh khắc nữ diễn viên selfie với dàn VĐV Trung Quốc ở khán đài như ngòi nổ thổi bùng lên làn sóng tẩy chay mạnh mẽ. Lưu Thi Thi sau đó đã phải chịu đòn "trừng phạt" từ Weibo, danh tiếng và giá trị hình ảnh bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến mức không khác gì dính bê bối lớn.
Gần 1 năm trước, Angelababy và Trương Gia Nghê dính phải vụ ồn ào được cho là "biến hoá" chưa từng có trong lịch sử Cbiz. Vốn mang niềm yêu thích đặc biệt với Lisa, Angelababy luôn ủng hộ em út BLACKPINK mọi lúc mọi nơi, thường xuyên đến xem concert nhóm. Đêm diễn của Lisa ở hộp đêm thoát y Crazy Horse ban đầu gây tranh cãi trên MXH nước ngoài nhưng không bị cho là quá nghiêm trọng. Lisa cũng từng là "con cưng" của showbiz xứ tỷ dân sau khi tham gia Thanh Xuân Có Bạn nên chẳng mấy ai có thể đoán được rằng đến xem nữ idol biểu diễn cũng có thể làm nổ ra scandal. Sự việc bị đẩy lên mức chấn động sau khi Angelaby và Trương Gia Nghê bị "phong sát" ngầm vì đến xem show diễn này, chính nữ rapper Hắc Hường chịu cảnh tương tự dù từng được Cbiz nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa.
Việc Lisa tự quảng bá hoạt động biểu diễn ở câu lạc bộ nổi tiếng với những màn múa khỏa thân của vũ nữ trên trang cá nhân hơn 97 triệu người theo dõi vốn không được dư luận Trung Quốc nói riêng và phần đông khán giả châu Á hưởng ứng. Lisa mất đi thị trường cực lớn và tiềm năng vì người hâm mộ xứ tỷ dân xưa nay vốn rất chịu chi, cô cũng bỏ phí công sức bao năm xây dựng tên tuổi tại đây. Suy cho cùng vì là sao quốc tế, Lisa vẫn có thể sống tốt nhờ lượng fan hùng hậu toàn cầu. Nhưng Angelababy và Trương Gia Nghê thì không.
Họ chịu hậu quả nặng nề vì thái độ coi thường quy định và văn hóa nước nhà. Hiệp hội Biểu diễn Nghệ thuật Trung Quốc từng nhấn mạnh việc cấm người hoạt động trong ngành giải trí tổ chức, tham gia hoặc thúc đẩy các hoạt động bất hợp pháp, chẳng hạn như các hoạt động liên quan đến nội dung tục tĩu. Hoạt động trình diễn thoát y tại Crazy Horse đi ngược với tiêu chuẩn được công khai ủng hộ ở thị trường giải trí và văn hóa Trung Quốc. Dù 2 minh tinh này nắm rõ nhưng coi thường quy định hay thật sự không hiểu rõ luật, họ vẫn mất điểm trầm trọng trong mắt khán giả nước nhà.
Chưa hết, trước khi gây tranh cãi, show của Lisa được dư luận quốc tế đặc biệt quan tâm và vé tham gia cũng rất hiếm. Vì vậy, Angelababy và Trương Gia Nghê còn bị cho là muốn "ké fame" nên mới bất chấp săn vé cho bằng được nhưng không lường trước được hậu quả.
Điểm chung của 2 vụ việc này đó chính là thiếu cẩn trọng của các nghệ sĩ trong việc nhìn nhận tính chất sự kiện, thiếu "cái tâm" khi góp mặt và tham vọng quá đà. Giới chức trách Trung Quốc ngày càng mạnh tay trong việc chấn chỉnh những nghệ sĩ vi phạm pháp luật hay quy chuẩn đạo đức và lối sống. Hoạt động nơi đâu thì nên tôn trọng quy định của nơi đó, chạy theo xu hướng 1 cách mù quáng và thiếu cân nhắc khi tham gia hoạt động có thể khiến sao Cbiz "ngã ngựa" lúc nào chẳng hay. Và đây không chỉ là bài học kinh nghiệm cho sao Trung mà còn đáng để các nghệ sĩ nước khác cân nhắc kỹ lưỡng.
Tham thì thâm
Nói đến tham vọng khi tham gia sự kiện, không thể không nhắc đến "giấc mơ Cannes". Mang tính chất tôn vinh phim ảnh và nghệ sĩ đóng góp, LHP Cannes từng được đánh giá là 1 trong những sự kiện uy tín nhất thế giới. Song để giữ được sức nóng và thu về lợi ích, liên hoan phim này dần tập trung cho phần "sự kiện" nhiều hơn là phần tôn vinh nghệ thuật. Bỏ ra 1 khoản tiền để mua vé, ăn diện để đổi lại vài phút tỏa sáng trên 1 sự kiện thảm đỏ danh giá được khán giả toàn cầu quan tâm.
Đây là mục đích của những gương mặt vô danh, những "quân đoàn" mỹ nhân từ hạng A đến B, C... Họ cố tình làm lố, ăn mặc phản cảm hay cố nán lại lâu hơn trên thảm đỏ đến mức bị BTC đuổi khéo. Theo QQ, nhiều nghệ sĩ vô danh tham gia LHP Cannes với suy nghĩ trở nên huy hoàng chỉ trong vài phút. Nhưng chính hành động này khiến khán giả phản cảm. Không cẩn thận, phút huy hoàng có thể trở thành vết nhơ trong sự nghiệp của 1 ngôi sao.
Lý Nhã Kỳ vốn là gương mặt được BTC Cannes nhớ mặt và mời đích danh mỗi mùa. Theo chia sẻ của nữ diễn viên, "đầu tư" hình ảnh tại Cannes là một khoản chi phí PR thông minh chỉ khi 1 ngôi sao nằm trong danh sách khách mời chính thức của BTC. Ngược lại, đây sẽ là khoản chi hoang phí, thậm chí là ngốc nghếch nếu tự bỏ tiền túi ra để mua vé đi làm khán giả vô danh của LHP Cannes. "Theo tôi, đó không phải là giá trị mà BTC Cannes hướng đến, thậm chí không phải là giá trị mãi mãi của một nghệ sĩ. Vì lỡ đâu mùa Cannes năm sau, bạn không còn tiền thì làm sao đến dự được LHP này nữa?".
Theo Lý Nhã Kỳ, những nghệ sĩ, ngôi sao được BTC mời tham dự và đi thảm đỏ trong khuôn khổ chính thức của Cannes chỉ giới hạn trong số lượng khoảng 300 đến 400 người. Đãi ngộ dành cho sao được mời và sao mua vé đến dự Cannes hoàn toàn khác biệt, từ khâu đưa đón bằng xe riêng từ, treo poster lớn ở vị trí trung tâm cho đến tống lên thảm đỏ... Trước đây, nghệ sĩ được tôn vinh đúng nghĩa nếu nhận lời mời từ BTC của LHP Cannes.
Nhưng đãi ngộ đặc biệt dần mất đi ý nghĩa vì tham vọng của BTC liên hoan phim danh giá này. Câu chuyện cái giá của tham vọng không chỉ dừng lại ở người nổi tiếng mà còn ở chính sự kiện và ban tổ chức. Năm 2019, hashtag #CannesRedCarpet100K (LHP Cannes 100.000 NDT) trở thành từ khóa nổi bật trên mạng xã hội Weibo. Đây là khi khán giả Trung Quốc phát hiện ra có quá nhiều ngôi sao vô danh chi tiền để tham dự thảm đỏ LHP và cũng chiếm spotlight chẳng kém, miễn là có chiêu trò. Từ đó, góp mặt tại Cannes không còn được xem là chuyện đáng tự hào trong làng giải trí.
Sức nóng của LHP cũng từ đó giảm mạnh, các sao lớn không quá mặn mà trước lời mời của BTC trừ khi cần quảng bá tác phẩm. Những gương mặt nổi như cồn của Kbiz BLACKPINK, Yoona, Han So Hee... cũng chỉ xuất hiện 1 lần ở Cannes đúng kiểu 1 phút huy hoàng rồi thôi. Người chịu cảnh bị nhiếp ảnh gia quốc tế ngó lơ, người bị nhân viên BTC mời khéo khỏi thảm đỏ. Sự kiện thảm đỏ của Cannes ngày càng vắng bóng tên tuổi siêu hot, năm nào cũng có bằng đó gương mặt "bạn thân chí cốt" như Chompoo Araya hay dàn siêu mẫu quốc tế khoe sắc.
Năm 2024, ban tổ chức LHP Cannes 2024 tuyên bố sẽ có những thay đổi nhằm giải quyết tình trạng "hội chợ hoá" liên hoan phim vì lượng vé mua dự thảm đỏ tăng vọt. Thế nhưng đây lại bị nhiều khán giả đánh giá là lời xoa dịu dư luận và đánh bóng hình ảnh của BTC Cannes. Trên thực tế, người xem vẫn chứng kiến cảnh tượng quá nhiều quân đoàn vô danh ồ ạt làm loạn thảm đỏ Cannes 2024. Sau hàng loạt bê bối liên quan đến muôn vàn trò lố của khách mời thảm đỏ, tệ nạn mại dâm cho đến scandal hiếp dâm của "ông lớn" Harvey Weinstein, LHP Cannes chẳng còn được công chúng trông đợi.
Đời sống & pháp luật