"Nghe tiếng con khóc đòi mẹ mà không thể nhấc đầu ra khỏi gối" và câu chuyện nữ tiến sĩ mắc ung thư nhiều lúc nghĩ đến khoảnh khắc cuối cùng của đời mình
"Bệnh ung thư vú của tôi đã thuyên giảm, nhưng cuộc hành trình vẫn chưa kết thúc" - Đây là câu chuyện của Kelsey Crowe, một người sống sót sau căn bệnh ung thư vú.
- 16-10-2020Tại sao người trẻ tuổi vẫn bị đột quỵ não: Bác sĩ BV TWQĐ 108 cảnh báo căn bệnh không chừa một ai, thay đổi một điều này để tự cứu mạng chính mình
- 15-10-2020Đọc sách, việc tưởng như đơn giản nhưng không phải ai cũng làm đúng và hiệu quả: Vì sao vậy?
Khi Kelsey Crowe chụp quang tuyến vú đầu tiên, cô trẻ hơn nhiều so với những phụ nữ thường được chẩn đoán mắc bệnh ung thư vú . Hầu hết phụ nữ được chẩn đoán mắc căn bệnh ung thư vú ở vào khoảng 62 tuổi. Còn Crowe khi đó chỉ mới 42 tuổi, không có bất kỳ triệu chứng hoặc tiền sử gia đình nào liên quan tới căn bệnh này.
Cuộc sống của Crowe thay đổi đáng kể khi bác sĩ chụp X-quang phát hiện một khối u to bằng hạt đậu phộng trên ngực trái của cô và đề nghị làm sinh thiết. Kết quả sinh thiết cho thấy khối u này thực sự là ung thư.
Ngoài truyền dịch, cô đã trải qua một cuộc phẫu thuật cắt bỏ khối u và hóa trị. Cô kể lại: "Tôi cảm thấy buồn, tức giận và lo lắng. Cảm xúc của tôi không thể đoán trước được. Trong thời gian điều trị, tôi cũng gặp phải những tác dụng phụ khủng khiếp của hóa trị, như rụng tóc, kiệt sức và buồn nôn".
Nhưng cũng có một điều được coi là may mắn, đó là Crowe và chồng không phải đối mặt hay vật lộn với chứng vô sinh. Trước khi được chẩn đoán mắc bệnh, Crowe và chồng đã có một cô con gái 3 tuổi, Georgia. Nhưng nhiều khi vợ chồng cô cũng gặp khó khăn khi vừa phải chống chọi với bệnh ung thư vừa nuôi con khôn lớn.
Tưởng như đã chiến thắng nhưng bệnh ung thư đã quay lại
Căn bệnh ung thư của Crowe cuối cùng đã được đánh bại sau 1 năm hóa trị. Sau đó, cô thường xuyên đi kiểm tra và kết quả luôn là tốt. Những tháng ngày an tâm cũng kéo dài gần 5 năm. Đối với nhiều người sống sót sau ung thư, đạt được 5 năm mà không tái phát có nghĩa là cơ hội sống sót cao hơn.
Chính bởi vậy, khi sức khỏe giảm sút nghiêm trọng, đi kiểm tra thì nhận được kết quả "bệnh ung thư vú quay trở lại" thực sự là một tin tức kinh hoàng đối với cô.
Lần này, bác sĩ đề nghị phẫu thuật cắt bỏ hai bên vú và dùng thuốc ức chế men aromatase. Thuốc ức chế aromatase là một loại thuốc giúp ngăn chặn estrogen, một loại hormone kích thích sự phát triển của ung thư. Các phương pháp điều trị đã hiệu quả. Bệnh ung thư của Crowe một lần nữa thuyên giảm trở lại.
Nhưng thuyên giảm hoàn toàn không giống "được chữa khỏi" và khả năng tái phát có thể làm thay đổi đáng kể trong cuộc sống hàng ngày của người bệnh. Mặc dù Crowe không gặp phải các triệu chứng thông thường của bệnh ung thư vú nữa nhưng cảm giác không chắc chắn vẫn liên tục hiển hiện trong đầu của cô.
"Người sống sót" không phải là thuật ngữ phù hợp
Mặc dù cụm từ "người sống sót" thường được sử dụng để mô tả những người đã vượt qua căn bệnh ung thư, ở đây là những phụ nữ đã vượt qua bệnh ung thư vú, nhưng Crowe không nghĩ vậy.
Cô cho rằng "Người sống sót là để chỉ những người vượt qua những điều gì đó khủng khiếp như tai nạn ô tô hoặc mất người thân, còn ung thư không phải chỉ xảy ra một lần".
Crowe giải thích rằng đối với nhiều người, ung thư quay trở lại. Vì lý do này mà sau khi hóa trị liệu, cuộc sống của họ giống như quản lý bệnh hơn là sống sót.
Vì đã phẫu thuật cắt bỏ hai bên vú, nên chụp X quang tuyến vú không còn là cách hiệu quả để phát hiện những lần bệnh tái phát nữa. "Nếu bệnh ung thư của tôi tái phát, ung thư vú sẽ di căn đến xương, phổi hoặc gan của tôi", cô nói.
Điều này có nghĩa là cô ấy cần đặc biệt chú ý đến bất kỳ cơn đau nhức nào trên cơ thể. Trong tâm trí của cô, bất cứ khi nào bị ho, đau lưng hoặc khi mức năng lượng giảm xuống... đều là dấu hiệu đáng lo lắng.
Giờ đây, Crowe đã thuyên giảm. Với cô, cuộc sống thực sự giống như một cuộc hành trình, bởi vì không có gì là hữu hạn.
"Có những lúc tôi cảm thấy khỏe khoắn, nhưng cũng có những lúc tôi tận hưởng mọi khoảnh khắc quý giá như thể đó có thể là khoảnh khắc cuối cùng của tôi. Đôi khi, tôi nghĩ đến những dự án dài hạn, tương lai mà tôi muốn hoàn thành, và cũng có những lúc tôi sợ hãi và buồn vì có thể mất gia đình vì căn bệnh ung thư", cô nói.
Tìm kiếm ý nghĩa thông qua việc giúp đỡ người khác
Crowe cố gắng tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống theo cách tốt nhất có thể. Cô dành nhiều thời gian chất lượng cho gia đình hơn trước. Gần đây, cô còn là đồng tác giả cuốn sách đầu tiên của mình "There Is No Good Card for This" cùng với nghệ sĩ Emily McDowell. Cuốn sách như là sự hướng dẫn dành cho bạn bè và các thành viên trong gia đình, những người muốn hỗ trợ người thân yêu của họ trong giai đoạn khó khăn.
Crowe cũng là thành viên hội đồng quản trị của một tổ chức phi lợi nhuận về ung thư, và là một nhân viên xã hội.
"Công việc của tôi và thời gian dành cho gia đình, bạn bè rất có ý nghĩa với tôi. Đây là những thứ khiến tôi có động lực tiếp tục cuộc sống này", cô nói.
Cuối cùng, Crowe muốn mọi người, bao gồm cả những phụ nữ khác đang sống chung với bệnh ung thư và đã đẩy lùi bệnh, biết rằng mặc dù căn bệnh này để lại dấu ấn vĩnh viễn trong bạn nhưng bạn không bao giờ đơn độc.
Tiến sĩ Kelsey Crowe là người sáng lập Tổ chức Help Each Other Out, giúp kết nối những người đang trong thời điểm đau khổ với người thân của họ và các chuyên gia thông qua hội thảo, trò chơi tương tác và nói chuyện. Cô là đồng tác giả của cuốn "There Is No Good Card for This: What to do and Say When Life is Scary, Awful, and Unfair to the People You Love" (Phải làm gì và nói gì khi cuộc sống đáng sợ, tồi tệ và không công bằng với những người bạn yêu thương) (HarperCollins, 2017) và giảng dạy công tác xã hội tại Đại học Bang California. Tác phẩm của cô đã được giới thiệu trên một số phương tiện truyền thông như NPR, Washington Post, Wall Street Journal, BuzzFeed, Oprah.com... Cô hy vọng một ngày sẽ không có ai phải chịu những khó khăn một mình vì những người xung quanh họ không biết phải làm gì hoặc nói gì.
Theo Healthline, Helpeachotherout
Trí Thức Trẻ