Nghĩ đến Tết là thấy sợ: Năm ngoái chi mấy chục triệu không tiếc, năm nay chỉ dám bỏ 5 triệu vì thất nghiệp
Nhiều dân văn phòng áp lực khi mùa Tết đến sau một năm thị trường lao động có nhiều biến động. Cô gái dưới đây là ví dụ.
- 26-10-2023Rich kid đình đám Việt Nam "flex" cuộc sống sang chảnh tại New York: Ở căn hộ trung tâm, chi tiêu hơn chục triệu mỗi ngày
- 22-10-2023Chi 3 tháng lương đi du lịch, bỏ tiền triệu mua sách nhưng không đọc: Dân văn phòng kiểm soát chi tiêu cho sở thích như thế nào?
- 21-10-2023Lương tháng 7 triệu, chi tiêu thế nào để vẫn sống tốt và có tiền tiết kiệm?
“Tiêu 20 triệu đồng cho mùa Tết năm ngoái cũng không thấy tiếc"
Đó là chia sẻ của Mai Chi (24 tuổi, BTV truyền thông) đang sống tại vùng ngoại thành của Hà Nội. Từ thời điểm mới ra trường cách đây gần 2 năm, Mai Chi đã chuyển vào TP.HCM sinh sống một thời gian, với mức thu nhập từ công việc văn phòng dao động 18 - 22 triệu đồng/tháng.
Do có tiền lương ổn định và thưởng tháng 13 khá cao nên Mai Chi không ngại chi hết 20 triệu đồng cho mùa Tết nguyên đán năm ngoái.
Cô gái nhớ lại: “Đầu tiên là vé máy bay về Hà Nội khoảng 6 triệu đồng. Mình mua vé để về quê sớm nên có đắt hơn đôi chút. Sau đó, mình có biếu bố mẹ 5 triệu đồng để sắm sửa đồ đạc. Tiền mừng tuổi người thân trong nhà là 6 triệu (bố mẹ, ông bà nội, anh trai mỗi người lì xì 1 triệu đồng, cộng thêm khoảng 1 triệu đồng lì xì cháu nhỏ và em gái). Còn lại là tiền mình mua quần áo và tiêu xài cho gia đình trong dịp Tết”.
Trong dịp Tết Nguyên đán năm nay, Mai Chi cho hay sẽ không chi quá nhiều tiền nữa bởi cô đã thất nghiệp khoảng 6 tháng. Bởi vì lý do sức khoẻ nên cô đã nghỉ việc ở công ty cũ, đồng thời dọn về quê sinh sống một thời gian. Cho đến hiện tại, Mai Chi vẫn chưa có dự định tìm công việc văn phòng chính thức mà chỉ theo đuổi job freelancer, nhận thu nhập 4-5 triệu đồng/tháng.
Nguồn tiền kiếm được giảm đi do đó Mai Chi tính toán sẽ không còn có thể chi tiêu mạnh tay cho mùa Tết nguyên đán sắp tới. “Mình dự định chỉ tiêu khoảng 5 triệu đồng. Trong đó, mình mừng tuổi các thành viên trong gia đình 500 ngàn đồng. Còn lại là số tiền mình để tiêu xài trong mùa Tết. Tết năm nay mình dự định sẽ không mua quần áo mới, cũng không đi ra ngoài chơi nhiều như Tết năm ngoái nên sẽ tiết kiệm được kha khá".
Về lý do bản thân thất nghiệp trong thời gian dài, Mai Chi chia sẻ: “Sau khi nghỉ công ty cũ, mình có đi tìm công việc mới. Tuy nhiên mình không tìm thấy vị trí phù hợp với mức lương mong muốn, yêu cầu làm việc và tình hình sức khoẻ. Do đó, mình đang làm công việc freelancer. Tiền lương không quá cao nhưng bản thân có nhiều thời gian để nâng cao kiến thức chuyên môn. Hy vọng sắp tới khi thị trường lao động bớt khắc nghiệt hơn, mình sẽ tìm được việc làm phù hợp".
Từ thời điểm thất nghiệp, số tiền Mai Chi chi tiêu cho chi phí sinh hoạt cũng tỷ lệ nhuận so với tiền lương giảm bớt. Khi sống ở TP.HCM và còn có công việc ổn định, cô nàng thường chi 10 - 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, sau khi chuyển về quê, con số này giảm xuống còn 1-2 triệu đồng/tháng.
Mai Chi kể lại: “Những tháng đầu về quê, mình tiêu trên 5 triệu đồng/tháng cho chi phí sinh hoạt. Bởi lúc ấy mình còn đi ăn uống với bạn bè và người thân, mua một số món đồ để ổn định cuộc sống như quần áo, bàn làm việc, ghế ngồi…
Giờ mình chỉ tiêu 1-2 triệu đồng/tháng, bao gồm tiền mua đồ ăn ngoài, thỉnh thoảng ra quán cafe làm việc… Mình chỉ mua thêm đồ makeup cơ bản, không mua quần áo mới vì tính chất công việc freelancer không cần ra ngoài quá nhiều. Hiện tại, mình không đưa tiền sinh hoạt phí cho gia đình, nhưng thi thoảng sẽ mua vài món đồ sinh hoạt cơ bản như kem đánh răng, nước rửa tay….”.
Nói chuyện sao với bố mẹ khi tiền lương sụt giảm?
Với câu hỏi này, Mai Chi chọn phương án chia sẻ thẳng thắn tình trạng công việc của mình với người thân. Tuy nhiên, cô nàng sẽ tìm cách nói chung chung về thu nhập cá nhân để bố mẹ thông cảm và cũng không quá lo lắng cho con gái.
Mai Chi chia sẻ: “Mình luôn giữ quan điểm bạn nên chia sẻ thẳng thắn với phụ huynh về câu chuyện tài chính, nhưng hãy tìm cách nói khéo léo. Đợt này về quê, mình cho bố mẹ biết rằng thu nhập của bản thân giảm. Nhưng mình cũng nói thêm, mình chỉ thất nghiệp tạm thời và hoàn toàn có thể tìm kiếm công việc tốt, nếu sức khỏe đi lên.
Sau khi về quê, việc đầu tiên mình nói với bố mẹ là con sẽ không đóng sinh hoạt phí và mong bố mẹ thông cảm. Còn với đợt Tết hiện tại, mình cũng nói bản thân sẽ không thể mừng tuổi mọi người quá nhiều, cũng như đưa tiền tiêu Tết. Trộm vía là bố mẹ mình vẫn còn đi làm, có tiền lương nên mọi việc vẫn ổn".
Sau đợt thất nghiệp dài ngày này, Mai Chi đã rút ra được nhiều bài học tài chính cho cá nhân. Cô nàng cho hay: “Mọi người nên có sẵn khoản dự phòng để chẳng may bản thân bị thất nghiệp, mắc bệnh nặng, hoặc chỉ đơn giản là không muốn đi làm nữa… thì không có quá nhiều lo lắng trong chuyện chi tiêu.
Còn riêng chuyện biếu Tết, mình từng áy náy khá nhiều vì không thể đưa tiền cho bố mẹ xông xênh như năm ngoái. Nhưng mình nhận ra khi bạn trao đổi tài chính cho phụ huynh, họ thường sẽ có cái nhìn cảm thông thay vì trách móc. Với người trẻ, mình nghĩ nên coi Tết là một dịp gia đình sum vầy, thay vì mang gánh nặng phải mang bao nhiêu tiền về. Như thế, mọi người sẽ thấy mọi thứ thoải mái hơn, đặc biệt là trong năm kinh tế khó khăn và bão sa thải kéo đến nhiều như năm nay".
Phụ nữ mới