Nghị định 08 có phải là lời giải cho trái phiếu bất động sản?
Nghị định 08 cho phép doanh nghiệp thanh toán trái phiếu bằng tài sản khác như bất động sản sẽ là cơ sở pháp lý cho việc đẩy mạnh hơn xử lý nợ xấu trái phiếu.
- 06-03-2023Khi nào doanh nghiệp được dùng bất động sản để trả nợ trái phiếu?
- 18-02-2023Mổ xẻ ‘nóng - lạnh’ bất động sản và ‘tử huyệt’ trái phiếu doanh nghiệp
- 24-10-2022Thị trường trái phiếu bất động sản đang ở mức nào?
Đây là nhận định được ông Nguyễn Quang Thuân, Tổng giám đốc FiinRatings, đưa ra khi đánh giá nhanh tác động của Nghị định số 08/2023/NĐ-CP vừa được Chính phủ ban hành sửa đổi, bổ sung và ngưng hiệu lực thi hành một số điều tại các Nghị định quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định 08).
Nghị định 08 đã sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới về trách nhiệm của doanh nghiệp phát hành trái phiếu.
Theo ông Nguyễn Quang Thuân, các quy định mới tại Nghị định 08 có giá trị tích cực và cơ sở cho việc đẩy mạnh các biện pháp nhằm "hạ cánh mềm" cho trái phiếu hiện nay, nhất là trái phiếu bất động sản.
Nghị định 08 cho phép doanh nghiệp có thể đàm phán với người sở hữu trái phiếu để thanh toán gốc, lãi trái phiếu đến hạn bằng tài sản khác như bất động sản
Cụ thể, với quy định cho phép thanh toán nợ trái phiếu bằng tài sản khác, ví dụ bất động sản nếu được nhà đầu tư chấp thuận, thực tế một số chủ đầu tư bất động sản đã làm. Việc có quy định pháp lý rõ ràng tại Nghị định 08 sẽ giúp đẩy mạnh hơn việc xử lý nợ xấu trái phiếu doanh nghiệp. Vấn đề là tài sản đó có tình trạng pháp lý và giá chuyển đổi ra sao, sẽ là mấu chốt để doanh nghiệp và nhà đầu tư phải đàm phán.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, TS Lê Đạt Chí, Phó Trưởng khoa Tài chính - Doanh nghiệp Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng có các nội dung điều chỉnh của Nghị định 08 đã hỗ trợ cho doanh nghiệp, thị trường bất động sản. Điều này đồng nghĩa với việc cho các doanh nghiệp phát hành trái phiếu được mặc nhiên không bị trái chủ ráo riết đòi nợ, hoặc sẽ không có cơ sở để tranh chấp. Tuy nhiên, câu chuyện tiếp theo mà thị trường cần là Chính phủ có những chính sách liên quan đến việc cải thiện dòng tiền cho thị trường bất động sản. Bởi thị trường bất động sản nếu vẫn tiếp tục "rối" vì vướng pháp lý, thiếu thanh khoản thì các doanh nghiệp bất động sản rất khó tạo ra dòng tiền để giải quyết các khoản nợ chứ không riêng gì trái phiếu.
"Điều quan trọng là sau Nghị định này liệu có hay không việc sẽ có một số nhà đầu tư trung gian, tham gia "gom" trái phiếu của các nhà đầu tư nhỏ mà họ có thể thỏa thuận được với giá rẻ thay vì trái chủ phải ôm và chờ đợi doanh nghiệp trả lãi, thu hồi nợ sau… Và có thể sẽ xuất hiện dịch vụ kinh doanh loại trái phiếu này?" - TS Lê Đạt Chí đặt vấn đề.
"Với giải pháp doanh nghiệp được đàm phám kéo dài kỳ hạn trái phiếu tối đa 2 năm, nhiều doanh nghiệp cũng đang triển khai. Đây là tín hiệu tốt khi có một quy định chuyên ngành rõ ràng, chuyển nợ xấu về tương lai là cách làm hợp lý và ngành ngân hàng đã làm. Nhưng với trái phiếu doanh nghiệp được sở hữu bởi nhà đầu tư cá nhân thì có lẽ cần thêm cơ chế hướng dẫn và giám sát. Tránh đưa nhà đầu tư vào thế khó dài hơn mà lại vẫn không xử lý dứt điểm" – ông Nguyễn Quang Thuân nói.
Tại báo cáo đánh giá nhanh về Nghị định 08, các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán Maybank Investment Bank nhận định điểm chính yếu là Nghị định 08 đã bao gồm hầu hết kiến nghị mà Bộ Tài chính đề xuất từ giữa tháng 2-2023. Nghị định này ban hành có thể giúp làm giảm áp lực trả nợ của các nhà phát hành trái phiếu. Tuy nhiên vẫn chưa đủ mà công ty kỳ vọng Chính phủ sẽ có nhiều bước hỗ trợ hơn nữa.
Theo Maybank Investment Bank, tình hình hiện tại của thị trường trái phiếu, hầu hết các bên phát hành đều là công ty phát triển bất động sản đang chật vật với nợ đến hạn của trái phiếu doanh nghiệp họ đã phát hành. Và Nghị định 08 chỉ là một bước đệm để xây dựng lại thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Cánh cửa hẹp được hé mở nhưng vẫn chưa đủ, cần có nhiều hành động hơn nữa, đặc biệt là các hành động hỗ trợ thanh khoản, sau đó là hành động trong các quy định của ngành ngân hàng và bất động sản…
"Như việc các cơ quan quản lý phải hành động để xây dựng lại thị trường trái phiếu, là liên quan đến việc cho phép ngân hàng tham gia là nhà tạo lập thị trường cho thị trường này. Bởi hiện tại niềm tin của nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ vào thị trường trái phiếu đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, giờ chỉ có các ngân hàng sẽ và nên mua trái phiếu doanh nghiệp mới phát hành, đặc biệt là các trái phiếu phát hành cho mục đích tái cấp vốn" – các chuyên gia của Maybank Investment Bank phân tích.
Người lao động