Nghị định 32: Thoái vốn Nhà nước không được thấp hơn giá tham chiếu bình quân 30 ngày giao dịch trên TTCK
Quy định mới thu hẹp ngành nghề Nhà nước được tăng đầu tư để duy trì tỷ lệ sở hữu và bổ sung nhiều điểm liên quan đến thoái vốn.
- 18-02-2018Điểm mặt doanh nghiệp tỷ đô: 26 cái tên chiếm tới 69% vốn hóa TTCK Việt Nam
- 22-11-2017Điểm mặt những doanh nghiệp có tỷ suất lãi gộp cao nhất TTCK Việt Nam
- 07-08-2017Tình hình kinh doanh của 23 doanh nghiệp tỷ đô – nhân tố then chốt quyết định xu hướng đi lên của TTCK
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 32/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp. Nghị định có hiệu lực từ tháng 5/2018.
Thu hẹp ngành nghề Nhà nước được duy trì tỷ lệ sở hữu
Theo nghị định 32, doanh nghiệp được Nhà nước tiếp tục đầu tư vốn để duy trì tỷ lệ cổ phiếu, vốn góp của Nhà nước hoạt động các ngành, lĩnh vực như quản lý, khai thác các cảng hàng không, sân bay, dịch vụ khai thác khu bay; quản lý, bảo trì hệ thống đường bộ, đường thủy nội địa, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắc quốc gia; dịch vụ thông tin dẫn đường, giám sát, dịch vụ khí tượng hàng không; khai thác khoáng sản quy mô lớn theo quy định hiện hành về phân loại quy mô mỏ khoáng; tìm kiếm thăm dò, phát triển mỏ và khai thác dầu khí; đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc ở các địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn chiến lược, miền núi, vùng sâu, vùng xa gắn với quốc phòng, an ninh; cuối cùng là trồng và chế biến cao su, cà phê tại các địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn chiến lược, miền núi, vùng sâu, vùng xa gắn với quốc phòng, an ninh.
So với quy định tại Nghị định 91 thì quy định mới đã loại bỏ khá nhiều ngành nghề như sản xuất thuốc lá điếu, phân phối điện, bán buôn xăng dầu, bán buôn lương thực, thoát nước đô thị, hóa chất hữu cơ, vận tải biển quốc tế, vận tải đường sắt, giống cây trồng, hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp theo quy định của pháp luật….
Nhiều bổ sung cho việc thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp
Nghị định 32 bổ sung khá nhiều vấn đề tại điều 29, Nghị định 91 về chuyển nhượng vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp Nhà nước (thoái vốn). Quy định mới nêu rõ các nguyên tắc và thẩm quyền quyết định thoái vốn Nhà nước tại công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên.
Về nguyên tắc chuyển nhượng, việc thoái vốn thực hiện theo quy định tạikhoản 1 Điều 31 Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp và kèm theo một số quy định khác. Như việc chuyển nhượng phải gắn với phương án cơ cấu lại doanh nghiệp đã được cấp thẩm quyền phê duyệt; đảm bảo theo nguyên tắc thị trường, công khai minh bạch, bảo toàn vốn Nhà nước; việc chuyển nhượng vốn tại doanh nghiệp khác có liên quan đến quyền sử dụng đất phải tuân thủ quy định của pháp luật về đất đai…
Mức giá khởi điểm khi chuyển nhượng vốn được xác định bởi tổ chức định giá nhưng không được thấp hơn giá tham chiếu bình quân 30 ngày giao dịch liên tiếp trên thị trường chứng khoán trước ngày công bố thông tin thực hiện bán.
Đồng thời, việc chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán theo các phương thức giao dịch cổ phiếu trên hệ thống giao dịch của thị trường chứng khoán (sàn giao dịch chứng khoán) do Sở Giao dịch chứng khoán tổ chức, phải đảm bảo giá giao dịch (giá sàn) không thấp hơn giá khởi điểm.
Khi chuyển nhượng vốn thông qua chuyển nhượng cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán, cơ quan đại diện chủ sở hữu gửi các văn bản đến Sở Giao dịch chứng khoán để thực hiện công bố thông tin về giao dịch cổ phiếu chuyển nhượng vốn; việc chuyển khoản để thanh toán các giao dịch mua, bán cổ phiếu, chuyển quyền sở hữu cổ phiếu thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
Khi chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán nhưng không thực hiện trên sàn giao dịch chứng khoán thì thực hiện theo thứ tự phương thức đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận (thực hiện giao dịch ngoài sàn).
Giá bán cổ phần mà nhà đầu tư phải thanh toán cho cơ quan đại diện chủ sở hữu khi giao dịch ngoài sàn là giá được xác định theo quy định phù hợp với từng phương thức chuyển nhượng (đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận).
Trường hợp trong ngày mở cuộc đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, ký hợp đồng chuyển nhượng vốn (đối với phương thức thỏa thuận) mà giá giao dịch cổ phiếu của công ty cổ phần tính theo giá sàn cao hơn giá thanh toán được xác định phù hợp với từng phương thức chuyển nhượng (đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận) thì nhà đầu tư phải thanh toán tiền mua cổ phần cho cơ quan đại diện chủ sở hữu theo giá giao dịch là giá sàn của ngày mở cuộc đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, ký hợp đồng chuyển nhượng vốn (đối với phương thức thỏa thuận).
Trường hợp trong ngày mở cuộc đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, ký hợp đồng chuyển nhượng vốn (đối với phương thức thỏa thuận) mà giá giao dịch tính theo giá sàn cổ phiếu của công ty cổ phần thấp hơn giá thanh toán được xác định phù hợp với từng phương thức chuyển nhượng (đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận) hoặc không có giá sàn do không có giao dịch thì nhà đầu tư phải thanh toán tiền mua cổ phần cho cơ quan đại diện chủ sở hữu theo giá được xác định phù hợp với từng phương thức chuyển nhượng (đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận).
Cơ quan đại diện chủ sở hữu phải công khai thông tin về giá thanh toán bán cổ phần chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán trong trường hợp giao dịch ngoài hệ thống giao dịch của thị trường chứng khoán (giao dịch ngoài sàn) cho các nhà đầu tư biết và thực hiện.
Trường hợp chuyển nhượng vốn Nhà nước tại các công ty cổ phần đã niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán thì thời hạn thanh toán đối với nhà đầu tư phù hợp với từng phương thức giao dịch nhưng thời hạn chuyển tiền về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp thực hiện theo quy định đối với trường hợp chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán tại Điều 39 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP.
Việc chuyển nhượng vốn tại công ty cổ phần chưa niêm yết (hoặc đã niêm yết, đăng ký giao dịch trên thị trường chứng khoán nhưng không thực hiện giao dịch trên sàn giao dịch chứng khoán) theo phương thức đấu giá công khai; trường hợp đấu giá công khai không thành công thì thực hiện chào bán cạnh tranh; trường hợp chào bán cạnh tranh không thành công thì thực hiện theo phương thức thỏa thuận.
Sau khi thực hiện các phương thức đấu giá công khai, chào bán cạnh tranh, thỏa thuận để chuyển nhượng vốn mà vẫn không chuyển nhượng hết số vốn nhà nước cần chuyển nhượng thì cơ quan đại diện chủ sở hữu căn cứ nhu cầu thị trường lựa chọn thời điểm để tiếp tục thực hiện chuyển nhượng vốn Nhà nước theo các phương thức giao dịch và thứ tự thực hiện các phương thức giao dịch quy định tại Nghị định này.
Ngoài các phương thức chuyển nhượng vốn nêu trên cơ quan đại diện chủ sở hữu có thể áp dụng phương pháp “dựng sổ” để chuyển nhượng vốn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc áp dụng phương pháp “dựng sổ” chuyển nhượng vốn phải đánh giá được hiệu quả so với phương án chuyển nhượng vốn theo hình thức đấu đấu giá công khai hoặc khi giao dịch trên sàn.
Người đồng hành