Nghỉ hưu năm 2025, đóng BHXH đủ 17 năm, lương hưu mỗi tháng được nhận bao nhiêu?
Theo Điều 64 Luật BHXH năm 2024, từ 1/7/2025, người lao động đủ tuổi nghỉ hưu và khi nghỉ việc có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên thì cũng sẽ được hưởng lương hưu.
Cụ thể, sang năm 2025, cách tính lương hưu có thể chia ra làm 2 giai đoạn:
Trước 1/7/2025: Vẫn áp dụng Luật Bảo hiểm xã hội 2014
Tại Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, từ ngày 1/1/2018, mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện được tính bằng 45% mức bình quân thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và tương ứng với số năm đóng bảo hiểm xã hội như sau:
a) Lao động nam nghỉ hưu vào năm 2018 là 16 năm, năm 2019 là 17 năm, năm 2020 là 18 năm, năm 2021 là 19 năm, từ năm 2022 trở đi là 20 năm;
b) Lao động nữ nghỉ hưu từ năm 2018 trở đi là 15 năm.
Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động quy định tại điểm a và điểm b khoản này được tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75% tiền lương tháng đóng BHXH.
Theo quy định tại Điều 56 và Điều 74 Luật BHXH năm 2014, lương hưu của người lao động được xác định theo công thức chung sau đây:
Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng x Mức bình quân tiền lương/thu nhập tháng đóng BHXH
Trong đó, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH (đối với người tham gia BHXH bắt buộc) hoặc thu nhập tháng đóng BHXH (đối với người tham gia BHXH tự nguyện) sẽ phụ thuộc vào tiền lương, hoặc thu nhập đóng hằng tháng của người lao động và có nhân với hệ số trượt giá tương ứng.
Từ 1/7/2025: Áp dụng Luật Bảo hiểm xã hội 2024
Điều 66 của Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã quy định cụ thể về mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện. Cụ thể:
- Đối với lao động nữ: Mức lương hưu hàng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 72 của Luật này tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%;
- Đối với lao động nam: Mức lương hưu hàng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 72 của Luật này tương ứng 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.
Trường hợp lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hằng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 72 của Luật này tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.
Nghĩa là, thay vì chỉ có lao động nữ có thời gian đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm mới được hưởng lương hưu theo quy định Luật BHXH 2014, thì từ 1/7/2025, Luật Bảo hiểm xã hội 2024 đã bổ sung thêm cách tính mức hưởng lương hưu với lao động nam có thời gian tham gia BHXH từ 15 năm đến dưới 20 năm.
Căn cứ Điều 66, Điều 72 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 thì mức lương hưu hằng tháng đối với người đóng BHXH bắt buộc được tính theo công thức sau đây:
Mức lương hưu hằng tháng = (Tỷ lệ hưởng lương hưu hằng tháng) x (Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH)
Trong đó, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương này thì tính bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của số năm đóng BHXH trước khi nghỉ hưu như sau:
- Thời gian tham gia BHXH trước ngày 1/1/1995: Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được tính trên bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
- Thời gian tham gia BHXH từ ngày 1/1/1995 - 1/1/2000: Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được tính trên bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
- Thời gian tham gia BHXH từ ngày 1/1/2001 - 31/12/2006: Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được tính trên bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
- Thời gian tham gia BHXH từ ngày 1/1/2007 - 31/12/2015: Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH được tính trên bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.
Như vậy, lao động nữ nghỉ hưu năm 2025, nếu đóng đủ 17 năm BHXH sẽ nhận được lương hưu với tỷ lệ 49% tiền lương tháng đóng BHXH.
Đối với lao động nam , nếu đóng đủ 17 năm BHXH sẽ nhận được lương hưu với tỷ lệ 42% tiền lương tháng đóng BHXH.
Hồ sơ đề nghị hưởng lương hưu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
1. Hồ sơ đề nghị hưởng lương hưu đối với người đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
a) Sổ bảo hiểm xã hội;
b) Bản chính hoặc bản sao văn bản xác định việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc văn bản chấm dứt làm việc hoặc văn bản đề nghị của đối tượng quy định tại các điểm g, h, m và n khoản 1 Điều 2 của Luật này.
2. Hồ sơ đề nghị hưởng lương hưu đối với người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc bao gồm:
a) Sổ bảo hiểm xã hội;
b) Văn bản đề nghị của người đang bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
3. Trường hợp quy định tại Điều 65 của Luật này, ngoài hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này thì có thêm biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa hoặc bản sao giấy xác nhận mức độ khuyết tật nặng, đặc biệt nặng có thể hiện kết luận của Hội đồng giám định y khoa ghi rõ tỷ lệ phần trăm suy giảm khả năng lao động.
4. Trường hợp quy định tại điểm d khoản 1 và điểm c khoản 2 Điều 64 của Luật này, ngoài hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này thì có thêm bản sao giấy chứng nhận bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.
Nhịp sống thị trường