MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghỉ hưu sớm 20 năm, tôi nhận ra cân bằng công việc - cuộc sống là lựa chọn của người không muốn giàu: Tuổi trẻ chọn an toàn về già càng dễ gặp 'hiểm nguy'

17-02-2023 - 22:34 PM | Sống

Nghỉ hưu sớm 20 năm, tôi nhận ra cân bằng công việc - cuộc sống là lựa chọn của người không muốn giàu: Tuổi trẻ chọn an toàn về già càng dễ gặp 'hiểm nguy'

Theo kinh nghiệm của người đàn ông đã đạt tự do tài chính này, mong muốn cân bằng công việc - cuộc sống khó đi cùng với mức thu nhập cao và khiến sự nghiệp của bạn luôn rơi vào trạng thái bấp bênh.

Bài viết của John Soforic, chủ sở hữu doanh nghiệp bất động sản và đã đạt tự do tài chính, nghỉ hưu ở tuổi 49. Ông là tác giả của 2 cuốn sách bán chạy về làm giàu và thịnh vượng.

“Work-life balance” là sự thỏa mãn nguy hiểm

Với kinh nghiệm của mình, tôi nhận thấy một cuộc sống có mục đích đòi hỏi sự hy sinh, thử thách và cả việc vượt qua cảm giác khó chịu. Tôi tin rằng sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống chỉ là cái cớ thuận tiện để biện minh cho sự thỏa mãn nguy hiểm.

Tôi có một người bạn tên Brian. Ở độ tuổi 30, cậu ấy có gia đình hạnh phúc và công việc ổn định với mức thu nhập trung bình khi làm kỹ sư tại một tập đoàn khổng lồ. Gắn bó 12 năm với công việc này, Brian đã sống sót sau 3 đợt sa thải nhân viên.

“Cậu có bao giờ nghĩ về việc lựa chọn việc khác không?”, tôi từng hỏi Brian. Từ quan điểm của tôi, tình hình tài chính của Brian khá bập bênh khi việc sa thải luôn thường trực trong lĩnh vực của cậu.

“Tớ đã thích những gì mình làm. Cơ quan gần nhà và không có gì để chê về khối lượng công việc cũng như sếp”, Brian nói.

Brian đi làm sớm nhưng về lúc 4h chiều mỗi ngày. Vợ cậu ấy chỉ ở nhà trông con và họ thực sự là những bậc phụ huynh có trách nhiệm. Cuộc sống của vợ chồng thoải mái và đáng ngưỡng mộ trong mắt nhiều người.

Nghỉ hưu sớm 20 năm, tôi nhận ra cân bằng công việc - cuộc sống là lựa chọn của người không muốn giàu: Tuổi trẻ chọn an toàn về già càng dễ gặp hiểm nguy - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa)

Tuy vậy, Brian đã không thể vượt qua làn sóng sa thải tiếp theo. Dù công ty đề nghị trợ cấp thôi việc, Brian vẫn choáng váng với nỗi sợ cho tương lai của mình.

“Ngày sau khi bị sa thải là ngày tồi tệ nhất trong cuộc đời tớ”, cậu ấy tâm sự, “Tớ đã mất ngủ một đêm, và nhận ra gia đình mình không có tiền tiết kiệm và bất kỳ khoản thu nhập nào khác vào ngày thứ 2”.

6 tháng sau, gói trợ cấp đã hết. Brian phải mất 3 năm mới tìm được công việc kỹ thuật nhưng phải đi làm khá xa. Suốt 3 năm ấy, cậu phải làm những việc part-time để nuôi sống gia đình.

“Làm thế nào để cuộc sống vừa cân bằng vừa dư dả?”

Tôi chưa bao giờ hỏi Brian học được gì từ trải nghiệm này, nhưng hành động của cậu ấy đã nói lên tất cả. Từ một người theo đuổi lối sống ưu tiên sự cân bằng công việc - cuộc sống, hiện Brian dành thời gian rảnh rỗi để tìm cách gia tăng thu nhập của mình. Brian có nghề tay trái và kiếm 1.000 USD/tháng. Dù phải hy sinh thời gian cho gia đình nhưng cậu ấy đang hài lòng với hướng đi của mình khi trả dần được các khoản nợ thẻ tín dụng của mình.

Mọi người luôn hướng đến cuộc sống cân bằng, cha mẹ chăm sóc cho con cái, vợ chồng có thời gian cho nhau, người độc thân muốn giải trí, du lịch. Tuy vậy, bạn nên hiểu rằng bất cứ điều gì đáng giá đều phải trả giá bằng thời gian của chúng ta.

Nghỉ hưu sớm 20 năm, tôi nhận ra cân bằng công việc - cuộc sống là lựa chọn của người không muốn giàu: Tuổi trẻ chọn an toàn về già càng dễ gặp hiểm nguy - Ảnh 2.

(Ảnh minh họa)

Chị họ và tôi học cùng một trường đại học. Cô ấy đã lấy được bằng kinh doanh và tìm được công việc ít căng thẳng trong một doanh nghiệp nhỏ với người chủ tốt bụng. Tuy vậy, trong vài năm, chị họ tôi nhận ra mình không có định hướng phát triển tại đây. Công ty rất nhỏ, chỉ có 6 nhân viên, nếu lựa chọn ổn định cô ấy mãi mãi chỉ giữ bản thân ở mức trung bình.

Chị ấy phân vân có nên học lên cao với bằng MBA hay không bởi cô ấy mới kết hôn, việc theo đuổi MBA sẽ tốn nhiều thời gian và không thể tận hưởng cuộc sống “vợ chồng son”. Cuối cùng, chị họ tôi vẫn chọn hy sinh tạm thời cho một mục đích lớn hơn, thay vì sự nhàn hạ và thoải mái như hiện tại.

Cụ thể, cô ấy chủ động lựa chọn cuộc sống mất cân bằng: Làm việc 40 giờ/tuần, tham gia các lớp học vào buổi tối, nghiên cứu tài liệu trong lúc rảnh rỗi. Cô ấy còn nhận thêm 1 công việc part-time vào cuối tuần để trang trải chi phí. 4 năm đó thật khó khăn với chị tôi, nhưng sau khi lấy được bằng MBA, sự nghiệp cô ấy đã có bước tiến lớn.

Chị họ tôi nhanh chóng tìm được việc làm trong công ty nằm trong danh sách Fortune 500, thăng tiến thành giám đốc khu vực trong vài năm miệt mài. Nếu trước đó không chọn con đường khó khăn hơn, có lẽ bây giờ cô ấy đã bỏ lỡ nhiều cơ hội lý tưởng.

Khi theo đuổi sự cân bằng, chúng ta có thể tạm quên rằng mình có thể hy sinh và nỗ lực nhiều hơn vì tương lai tốt đẹp hơn. Mỗi người có lựa chọn riêng của mình, sẽ có người thích chăm lo cho gia đình và bớt thời gian cho công việc. Tôi chắc chắn không đánh giá bạn vì lựa chọn đó.

Nhưng với những ai có ước mơ lớn về việc làm giàu, hay một cuộc sống phi thường, sự hy sinh là cái giá cho phần thưởng của bạn. Thời gian chính là khoản đầu tư và dễ dàng nhất nếu bạn muốn đạt được những mục tiêu to lớn.

Nghỉ hưu sớm 20 năm, tôi nhận ra cân bằng công việc - cuộc sống là lựa chọn của người không muốn giàu: Tuổi trẻ chọn an toàn về già càng dễ gặp hiểm nguy - Ảnh 3.

(Ảnh minh họa)

Những năm ở độ tuổi 20, tôi luôn gặp khó khăn về tài chính dù đã làm việc 40 giờ/ tuần. “Work-life balance” chỉ giúp tôi tạo ra một khoản thu nhập vừa phải mà không chút tiền nào vào cuối tháng. Tôi đối mặt với câu hỏi hóc búa: “Làm thế nào để cuộc sống vừa cân bằng vừa phải dư dả?”

Cuối cùng, tôi chọn cuộc sống mất cân bằng ở hiện tại để hướng tới tự do tài chính trong tương lai. Nhờ vậy, hai con của tôi tốt nghiệp đại học mà không mắc bất cứ khoản nợ sinh viên nào. Nghỉ hưu ở tuổi 49, đạt tự do tài chính và hơn hết là cảm thấy an tâm về tiền bạc, tôi vẫn luôn biết ơn quyết định khi còn trẻ của mình.

Lúc này, tôi đã có sự cân bằng, thoải mái viết sách, tập thể dục, dắt chó đi dạo. Theo đuổi hết sức mình vì tự do tài chính khi còn trẻ cho phép tôi nhiều quyền lựa chọn hơn sau này. Tất cả bắt đầu từ việc sẵn sàng đánh đổi và tập trung cho 1 mục tiêu duy nhất, thay vì mong muốn sự thỏa mãn ngắn hạn.

Phương Linh

Thể thao & văn hóa

Trở lên trên