Nghị lực sống phi thường của cô gái chiến thắng ung thư: Câu chuyện ngoài đời thực đi vào từng trang sách lan truyền trái tim người đọc
Mới đây, trên Facebook cá nhân, Diệu Thuần một lần nữa viết lên câu chuyện của mình để lan tỏa niềm lạc quan, nghị lực sống cho nhiều bệnh nhân cũng mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này.
- 15-08-2020Sinh ra bé xíu khác với bố mẹ cao kều, bé gái bị chẩn đoán không thể sống sót vẫn 3 lần thoát chết và nghị lực sống đáng ngưỡng mộ
- 05-06-2020Mất 3 chi khi mới lên 5 tuổi, cô gái không đầu hàng số phận mà trở thành người truyền cảm hứng về nghị lực sống phi thường
- 20-09-2019Với ý chí vươn lên, nghị lực sống vững vàng - bạn rồi sẽ chạm đến sự thành công nhanh thôi
Nhiều năm trở về trước, Hoàng Thị Diệu Thuần (sinh năm 1987, tại Quỳ Hợp, Nghệ An) từng khiến nhiều người không khỏi xúc động với câu chuyện vượt lên trên số phận, chiến thắng bệnh ung thư máu mà mình mắc phải.
Để rồi trong hiện tại, chúng ta càng thêm trân quý cô gái bé nhỏ, vóc dáng mỏng manh nhưng luôn lạc quan, giàu nghị lực ham sống để luôn là hoa hướng dương tỏa sáng giữa đời thực. Nhiều năm trôi qua, liệu bạn có còn nhớ đến cô gái bé nhỏ ấy?
Hoàng Thị Diệu Thuần bị ung thư máu ngay khi mới đỗ đại học.
Bắt đầu từ những cơn đau chân, đau hơn vào mùa đông lạnh giá và cả những ngày nắng ấm...
Mới đây, trên Facebook cá nhân, Diệu Thuần một lần nữa viết lên câu chuyện của mình để lan tỏa niềm lạc quan, nghị lực sống cho nhiều bệnh nhân cũng mắc phải căn bệnh hiểm nghèo này.
"Trong cuốn sách đầu tiên – cuốn " Như hoa hướng dương ", viết trước thời điểm bắt đầu ca ghép tế bào gốc (ghép tủy) của mình năm 2012, những dòng thơ, dòng nhật ký mình viết ra chở nặng nỗi buồn và sự đau mệt. Lúc đó mình đã 25 tuổi, đã trải qua 7 năm điều trị ung thư máu ở viện Huyết học – Truyền máu Trung ương", Diệu Thuần chia sẻ. Câu chuyện của cô đã được ghi lại đầy đủ trong cuốn sách này.
Bắt đầu từ những cơn đau chân. "Chân của mình, bọn chúng đã rất đau trong những ngày mùa đông lạnh giá nhất, và cả những ngày nắng ấm tươi đẹp nhất. Ban đầu, có vẻ như đó là đôi chân "hài hước" vì nó sưng tấy ở chỗ này mà lại teo nhỏ ở chỗ khác. Nhưng khi những cơn sốt đến thường xuyên hơn, những cơn đau mạnh dần lên thì mình "méo mặt" hẳn. Mình đã khóc vì đau, khóc vì thương mẹ, thương mọi người phải thay nhau cõng mình đến viện, phải chăm sóc cho mình hằng đêm", Diệu Thuần tâm sự.
7 năm tuổi trẻ của Diệu Thuần là 7 năm phải chiến đấu ròng rã với bệnh ung thư, với những phác đồ điều trị, những lần chọc tủy và các cơn đau chết đi sống lại
Đó là những trải nghiệm đau đớn khi Diệu Thuần mới 18 tuổi, vừa thi đỗ đại học. Tương lai rạng ngời phía trước của cô bỗng nhiên bị dập tắt khi hay tin mắc bệnh ung thư máu ...
7 năm tuổi trẻ của Diệu Thuần là 7 năm phải chiến đấu ròng rã với bệnh ung thư, với những phác đồ điều trị, những lần chọc tủy và các cơn đau chết đi sống lại. 7 năm tuổi trẻ ấy cô sống trong ranh giới giữa sự sống và cái chết, trong những tận cùng đau đớn về thể xác lẫn tinh thần. Cũng từng có lúc cô muốn buông tay vì quá mệt mỏi khi hàng năm trời phải nằm trong bệnh viện mà không có tiến triển gì đặc biệt là trong 2 năm điều trị bằng thuốc điều trị đích (Gleevec) vẫn chỉ cho dương tính với tế bào ung thư. Nhưng rồi ở ngoài kia cuộc sống vẫn có bao người đang tiếp thêm hi vọng cho cô. Họ là người thân, bạn bè, là những y bác sĩ. Vậy nên cô gái bé nhỏ ấy lại như đóa hướng dương tiếp tục hướng tới mặt trời.
Cơ hội ghép tế bào gốc đến từ tình yêu thương, sự giúp đỡ từ người thân và cộng đồng
May mắn đã mỉm cười với cô gái trẻ đầy nhiệt huyết và nghị lực sống. Diệu Thuần kể, cô có được cơ hội ghép tế bào gốc (ghép tủy) nhờ sự quyên góp của mọi người – từ các bác sĩ, các chị điều dưỡng, thầy cô, bạn bè, các bác hàng xóm và rất nhiều độc giả của các báo đăng bài kêu gọi ủng hộ.
"Mình nhớ nhất lần xuất hiện của một chú người lạ. Chú tặng mình 200.000 đồng và kể rằng chú đang chạy xe ôm để lo tiền học cho con. Dù mình có từ chối bao nhiêu lời, chú vẫn một mực tặng mình số tiền ấy. Chú muốn mình tiếp tục hi vọng, chú muốn mình được sống tiếp. Lúc đó, mình cảm nhận rõ nhất mình là một đóa hoa hướng dương nhỏ bé yếu ớt may mắn. May mắn vì có biết bao tia nắng ấm áp hướng đến, tiếp thêm hy vọng và sự sống", cô gái bé nhỏ xúc động nhớ lại.
Kể về hành trình ghép tế bào gốc, Diệu Thuần phải vào phòng cách ly và trải qua thời gian ghép tế bào gốc trong đó gần 2 tháng. Lúc vào viện, cô nặng 37kg, lúc ra viện lần đầu tiên cô còn 33kg. "Lần ra viện ấy chỉ vỏn vẹn 5 ngày nhưng đối với mình nó quý giá vô chừng. Như chim sổ lồng, như được giải thoát sau nhiều ngày bị đóng băng sau 4 bức tường trắng toát", Diệu Thuần nhớ lại.
Kể về hành trình ghép tế bào gốc, Diệu Thuần phải vào phòng cách ly và trải qua thời gian ghép tế bào gốc trong đó gần 2 tháng.
Lúc đó, mẹ cô đùa bảo cô giống Gollum – nhân vật yêu tinh trong phim "Chúa tể những chiếc nhẫn" vì sự còm cõi, gầy mòn và đặc biệt là mái đầu trọc còn sót lại mấy sợi tóc mai lơ thơ. Da của cô đen sạm, chân tay teo nhỏ lại, co quắp, đi không vững. Miệng sưng viêm, lở loét đến nỗi cô không thể há đủ to để cho một quả nho bé nhất vào ăn. Cô đã ăn chuối bằng cách nhằn từng tí một hoặc nhờ mẹ xay thành sinh tố để hút. Mỗi lần lau người cho cô, nhìn thấy thân hình như bộ xương di động của cô là bà lại không cầm được nước mắt.
"Hôm ra viện, chú tài xế taxi nhầm tưởng mình là một bà cụ 80 tuổi. Sau đó mình dần "lão hóa ngược" và trẻ hơn, đúng tuổi hơn, cho đến bây giờ. Mình điều trị sau ghép tủy thêm gần 2 năm nữa và từ đó đến nay không cần dùng thêm bất cứ loại thuốc nào để điều trị nữa", Diệu Thuần kể.
Trở thành một tình nguyện viên hoạt động định kỳ hàng tuần tại Bệnh viện Huyết học Truyền máu Trung ương
Cho đến hiện tại, Diệu Thuần vẫn định kỳ đi khám kiểm tra. Dù vậy, từ lần trở lại bệnh viện từ năm 2016, cô đến viện không chỉ đến với thân phận là một bệnh nhân nữa, cô trở thành một tình nguyện viên hoạt động định kỳ hàng tuần ở Khoa Bệnh máu trẻ em của bệnh viện, đến nay đã sắp được 5 năm.
Từ lần trở lại bệnh viện từ năm 2016, cô đến viện không chỉ với thân phận là một bệnh nhân nữa, cô trở thành một tình nguyện viên hoạt động định kỳ hàng tuần ở Khoa Bệnh máu trẻ em của bệnh viện, đến nay đã sắp được 5 năm.
"Khi thì mình mang đàn vào hát cùng các bé, khi thì cùng nhau đọc sách, tô màu, chơi xếp gỗ, xâu vòng hoặc chỉ đơn giản là ngồi "buôn chuyện" với nhau thôi. Có những buổi tối, các bé nhắn "nhớ cô Thuần" là mình lại chạy xe máy vào chơi một lúc. Những năm điều trị ở viện mình đón sinh nhật tại giường bệnh kha khá lần. Khi là tình nguyện viên rồi, khi chỉ có một mình và cần được yêu thương, mình thường mang bánh gato vào viện để được các bé chúc mừng sinh nhật", Diệu Thuần chia sẻ niềm vui của bản thân.
Cô thủ thỉ: "Các bé cũng là những tia nắng ấm trong cuộc đời của mình. Dù đôi khi, những tia nắng ấy vụt tắt lên trời cao, thì trong thâm tâm mình biết, chúng mình đã rất hạnh phúc và yêu thương khi bên nhau".
"Các bé cũng là những tia nắng ấm trong cuộc đời của mình. Dù đôi khi, những tia nắng ấy vụt tắt lên trời cao, thì trong thâm tâm mình biết, chúng mình đã rất hạnh phúc và yêu thương khi bên nhau".
Sau này, cô có viết thêm một cuốn sách nữa, có tên "Muôn ánh mặt trời". Ở đó, Diệu Thuần vẫn viết tiếp câu chuyện cuộc đời mình – những câu chuyện nhỏ với muôn vàn tia nắng ấm chiếu xuống cuộc đời mình. Và, cô cũng học cách làm một tia nắng ấm áp như họ, từng chút, từng chút một.
"Mình yêu những dự án, những công việc đã và đang có của mình. Đó là cùng mọi người mang lại nụ cười tươi sáng hơn cho bệnh nhân ung thư, đặc biệt là trẻ em ung thư. Ngay lúc này, nếu được phép ước một điều gì đó, mình ước dự án Doanh nghiệp xã hội – Vì trẻ em ung thư của mình sẽ thành công. Mình mong thêm nhiều tia nắng ấm đồng hành cùng chúng mình, cùng các em bé ung thư", Diệu Thuần nói.
Trí thức trẻ