Nghỉ Tết kỷ lục của doanh nghiệp bất động sản: Kéo dài 2 tháng xuyên từ Tết Dương sang Tết Âm
Thị trường bất động sản chững lại, các môi giới bất động sản nhiều tháng nay cũng không có giao dịch. Theo đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản cho nhân sự nghỉ Tết sớm, thời gian kéo dài nhất lịch sử.
- 09-12-2022TP. HCM hủy 169 dự án nhà ở do chậm triển khai
- 09-12-2022Chuyên gia tiết lộ bí quyết “săn” bất động sản “ngộp”
- 09-12-2022Thị trường bất động sản lao dốc giảm giá, khi nào nhà đầu tư có thể xuống tiền?
Đã hơn nửa năm trở lại đây, thị trường bất động sản đột ngột rơi vào trầm lắng. Theo đó, các môi giới cũng khó tìm kiếm giao dịch thành công. Khác với năm ngoái, thậm chí chưa hết nghỉ Tết Âm lịch, môi giới đã tất bật dẫn khách đi xem đất. Nhiều công ty bất động sản còn sẵn sàng trả hoa hồng cao cho môi giới nhận trực Tết.
Nhưng, hiện nay, tình cảnh đã khác, nhiều doanh nghiệp bất động sản thậm chí còn cho nhân viên nghỉ tết dài kỷ lục, kéo dài từ Tết Dương lịch xuyên Tết Âm lịch. Đơn cử, mới đây một công ty BĐS tại khu vực miền Bắc cũng có thông báo về việc cho nhân viên nghỉ Tết sớm kéo dài gần 2 tháng.
Cụ thể, toàn bộ nhân viên thuộc công ty này sẽ bắt đầu nghỉ từ ngày 12/12/2022 đến hết ngày 05/02/2023. Riêng bộ phận Kinh doanh tiếp tục triển khai bán các sản phẩm đang có của công ty với cơ chế, chính sách theo thông báo. Đây được cho là sự việc chưa từng có trong tiền lệ của thị trường bất động sản.
Nhớ lại diễn biến thị trường năm ngoái, anh Nguyễn Tuấn Tú, chủ một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội chia sẻ, Tết Nguyên đán năm 2022, thị trường bất động sản sôi động. Theo đó, từ mùng 4 Tết anh đã bắt đầu khai xuân, nhiều nhà đầu tư không hẹn trước nhưng vẫn tìm tới văn phòng anh để mua đất.
“Năm ngoái, 27 - 29 Âm lịch vẫn còn có người tới đặt cọc mua đất. Tôi còn trả thêm lương và hoa hồng cho những nhân viên ở văn phòng trực Tết từ mùng 2 Âm lịch, để tư vấn cho khách. Đến mùng 4 Âm lịch đẹp ngày, nhiều lô đất được nhà đầu tư xuống tiền đặt cọc”, anh Tú kể.
Tuy nhiên, anh Tú cho rằng, tình cảnh năm nay đã khác, thị trường từ tháng 4 đã bắt đầu chững lại và kéo dài tới nay. Theo đó, thanh khoản giảm dần, văn phòng anh có 20 môi giới nhưng cả tháng nay cũng chỉ có 1 giao dịch thành công.
“Mọi năm, thời điểm này giao dịch rất tất bật. Năm nay thị trường buồn quá, nhiều anh em muốn nghỉ Tết sớm tôi cũng đồng ý để mọi người tạm thời tìm cách kiếm tiền tiêu Tết. Chắc tôi cũng chỉ cố đến hết tháng này, đến Tết Dương lịch thị trường không có tín hiệu mới, cũng cho mọi người nghỉ Tết Âm lịch luôn”, anh Tú than.
Tương tự, theo anh Trần Tiến Tài, Giám đốc một công ty phân phối bất động sản tại Hà Nội, trước những diễn biến không mấy tích cực của thị trường, công ty anh cũng rơi vào hoàn cảnh không có giao dịch.
“Nhiều tháng nay, đa phần mọi người đến văn phòng chỉ ngồi chơi uống nước chè, thi thoảng có người gọi tới hỏi giá cả thị trường. Công ty không có giao dịch thành công nên chúng tôi cũng lên kế hoạch cho nhân viên nghỉ Tết sớm. Lương nhân viên trong thời gian nghỉ này cũng chấp nhận giảm một nửa, còn thưởng thì khó nói”, anh Tài trầm ngâm nói.
Trước đó, Giám đốc một sàn giao dịch tại Hà Nội cũng cho biết vừa cho nghỉ việc 50% nhân viên bán hàng vì thị trường “đóng băng”.
“Năm nay không nghĩ đến thưởng Tết. 6 tháng đầu năm, một số phân khúc giao dịch tốt và có lợi nhuận. Thị trường từ mảng đất đấu giá, chung cư, biệt thự đều có thanh khoản tốt. Thế nhưng chỉ trong vài tháng cuối năm, mọi việc diễn biến xấu đi chưa từng có, thị trường gần đóng băng hoàn toàn. Nhà đầu tư đang chịu tác động tâm lý và ngồi im. Thậm chí cả những người có nhu cầu mua nhà ở thật cũng không dám xuống tiền thời điểm này”, Vị này cho biết.
Theo chia sẻ của các doanh nghiệp, bao nhiêu lợi nhuận đầu năm gánh cho giữa năm và đến cuối năm doanh nghiệp “âm” và đang phải bù lỗ hàng tháng. Giờ tiền trả lương để duy trì nhân viên còn lại cũng khó chứ chưa nghĩ đến việc thưởng Tết. Nhân viên cũng phải thông cảm vì tình hình khó khăn chung.
Nhịp sống thị trường