Nghỉ việc: Lối đi nào cho các Banker?
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ từ các ngân hàng, 9 tháng đầu năm 2019 ngành ngân hàng Việt Nam chứng kiến hàng nghìn trường hợp nhân viên ngân hàng nghỉ việc, điển hình nhất là ở VPBank và OCB. Tuy nhiên, trên thực tế có bao nhiêu nhân viên ngân hàng nghỉ việc khỏi ngành hay chỉ là nhảy việc sang ngân hàng khác?
- 03-10-2019"Sức ì" trong mỗi Banker
- 29-08-2019Vì sao Banker trẻ thích nhảy việc?
- 28-05-2019Banker và những cám dỗ nguy hiểm
Qua nhiều năm công tác trong ngành, người viết xin chia sẻ về những con đường mà mỗi banker có thể lựa chọn khi quyết định kết thúc duyên nợ tại một nhà băng.
Thứ nhất, lựa chọn ưu tiên nhất của các banker khi nghỉ việc vẫn là tìm bến đỗ tại một ngân hàng khác. Và đây được ví von như thể "con đường tơ lụa" di cư của dân ngân hàng. Vì thực tế, ngoại trừ nghỉ việc để khởi nghiệp hay tự do kinh doanh, nếu vẫn tiếp tục chọn con đường làm công ăn lương thì ngân hàng bạn vẫn là lựa chọn hàng đầu cho hầu hết banker sau khi nghỉ việc.
Vì bạn biết đó, tương tự công nhân tại xưởng may, dân ngân hàng không thể tự mình may một chiếc áo hoàn chỉnh. Nghĩa là dân ngân hàng chỉ biết một vài mảng nghiệp vụ tại ngân hàng chứ không thể thành thạo tất cả các nghiệp vụ về ngân hàng. Và sau nhiều năm làm ngân hàng, những kiến thức chuyên sâu về ngành nghề mình đã được đào tạo ở giảng đường dần mai một. Vì vậy, lựa chọn mà dân ngân hàng có lợi thế nhất sau khi nghỉ việc vẫn là một công việc tương tự tại một ngân hàng khác. Ví dụ như một kỹ sư IT chuyên về lập trình phần mềm, sau thời gian làm về phần cứng lắp ráp, cài đặt, sửa chữa máy tính cho ngân hàng thì...dù muốn dù không vẫn khó có thể quay lại làm một lập trình viên cho các công ty chuyên về viết phần mềm.
Thứ hai, khởi nghiệp hay kinh doanh tự do vẫn là một lựa chọn phù hợp với nhiều nhân viên ngân hàng sau khi nghỉ việc. Sau những năm tháng thăng trầm, tích lũy đủ vốn liếng, mối quan hệ, hệ khách hàng và sự trải nghiệm trong môi trường làm công, dân ngân hàng hoàn toàn có thể bắt đầu mộng mơ làm chủ. Thực tế, nhiều trường hợp sau khi nghỉ việc ngân hàng, các banker tiếp nối công việc kinh doanh của gia đình hoặc tự kinh doanh nhỏ và vẫn có những thành tựu nhất định. Khởi nghiệp không bao giờ là muộn, nhưng số người khởi nghiệp thất bại luôn nhiều hơn số lượng thành công. Và đây là lý do mà các banker cần phải cân nhắc, cần độ chín và chiều sâu với một kế hoạch cụ thể chứ không phải là khởi nghiệp ngẫu hứng kiểu phong trào.
Thứ ba, banker cũng có thể chuyển sang làm cho các công ty bảo hiểm nhân thọ hoặc phi nhân thọ. Vì thực tế, trong quá trình tác nghiệp, banker, nhất là dân tín dụng thường xuyên được trực tiếp tác nghiệp công tác bán bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm tài sản, bảo hiểm xe,...và cũng có nhiều mối quan hệ với khách hàng. Việc một nhân viên ngân hàng đầu quân cho một công ty bảo hiểm nhân thọ hoặc phi nhân thọ sau khi nghỉ việc cũng là lựa chọn có vẻ phù hợp. Tuy nhiên, bạn nên nhớ rằng khi bạn còn là nhân viên ngân hàng, có nhiều công cụ để bán hàng (như bán kèm bảo hiểm là điều kiện để giải ngân) và nhiều sản phẩm dịch vụ khác để chào bán mà bạn còn chưa bán tốt. Vậy khi chỉ có mỗi duy nhất sản phẩm để bán là bảo hiểm thì bạn cũng nên cân nhắc về khả năng của mình.
Thứ tư, sau khi nghỉ việc banker hoàn toàn có thể trở thành giảng viên tại giảng đường đại học. Nếu bạn có trình độ từ thạc sĩ trở lên, có chứng chỉ đào tạo nghiệp vụ sự phạm dạy đại học, có kiến thức, kỹ năng sư phạm và lòng yêu nghề; bạn hoàn toàn có thể trở thành một giảng viên giỏi. Chính những kinh nghiệm thực tế nhiều năm tại ngân hàng sẽ cho bạn nhiều kiến thức sâu rộng khi giảng dạy cho sinh viên. Trong thời đại 4.0, khi mà mọi kiến thức, lý thuyết hàn lâm đều có đầy trên mạng, những trải nghiệm thực tế sẽ giúp bài giảng của bạn có chiều sâu và thu hút hơn. Và cũng có rất nhiều người có thêm nghề tay trái là dạy đại học khi vẫn đang làm banker. Nhưng cũng có không ít trường hợp, nhiều giảng viên đại học rời bục giảng để được xông pha tại các ngân hàng vì sự nhàm chán của việc lặp đi lặp lại tại giảng đường. Và lựa chọn con đường nào là phụ thuộc vào mục tiêu và niềm đam mê nghề nghiệp của bạn.
Thứ năm, nếu banker đã ngán ngẩm cái cảnh đầu tắt mặt tối 12 tiếng tại ngân hàng mỗi ngày, muốn được thấy hoàng hôn tan sở lúc 17 giờ chiều, muốn được về với gia đình trước khi con cái đã ngủ, muốn được có thời gian gặp gỡ bạn bè,... thì có thể chọn một doanh nghiệp mà không phải là ngân hàng. Mặc dù dân ngân hàng sau khi nghỉ việc ít có cơ hội để chuyển sang các ngành nghề khác. Nhưng nói vậy cũng có những ngoại lệ nhất định và phụ thuộc nhiều vào kỹ năng, kiến thức nghiệp vụ của từng người. Ví dụ, nếu bạn tốt nghiệp các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, kế toán, kiểm toán, xây dựng, luật, ngoại ngữ, marketing,...thì cánh cửa các doanh nghiệp vẫn rộng mở cho bạn. Tuy nhiên, như đã nói ở trên, nếu bạn có quá nhiều năm mài đũng quần tại các nhà băng, việc bắt đầu trở lại công việc đúng chuyên ngành của bạn là điều không đơn giản. Vì bạn biết đó, ngân hàng như một phân xưởng và mỗi nhân viên là một con ong thợ đúng nghĩa (ngoại trừ lãnh đạo cấp cao như CEO hay các Giám đốc Chi nhánh mới có tầm bao quát).
Dẫu biết rằng banker sau khi nghỉ việc vẫn có nhiều lựa chọn nghề nghiệp khác nhau. Tuy nhiên, suy cho cùng những con đường đó không hề phẳng lặng và thênh thang như bạn nghĩ. Việc bạn nghỉ việc ở một ngân hàng này để chuyển qua một nhà băng khác thì bạn vẫn là một banker. Nói như vậy, để thấy rằng khi đã vào nghề, càng làm nghề ngân hàng lâu năm, bạn càng khó từ bỏ nghiệp banker. Trên một cung đường có nhiều lối rẽ, banker cần có sự cân nhắc, lựa chọn thật chín cho riêng mình. Có lẽ hơn một lần trong đời, những banker cũng từng nghĩ đến ý định nghỉ việc và dùng dằn không biết lựa chọn con đường nào cho phù hợp. Và đường dưới chân bạn, cứ mạnh dạn mà bước các banker nhé.