Nghĩa địa sáng tạo của Samsung, nơi thất bại cũng là kỳ tích
Cũng như Apple, không phải sáng tạo nào của Samsung cũng có kết cục tốt đẹp.
Giữa "cơn mưa lời khen" dành cho màn hình A+ của DisplayMate, sức mạnh của chip Snapdragon 855+ hay bộ 3 camera được đánh giá áp đảo iPhone 11 Pro, có lẽ ít người sẽ nhớ về một "khiếm khuyết" của Galaxy Note10: không hỗ trợ kính Gear VR. Như vậy, sau gần 3 năm ra mắt đình đám trên S7 cùng với sự xuất hiện gây tốn giấy mực của Mark Zuckerberg, cuối cùng thì nỗ lực nhằm biến smartphone thành nền tảng thực tại ảo đã kết thúc.
Gear VR không phải là sản phẩm duy nhất bị khai tử trong lịch sử di động của Samsung. Gã khổng lồ phần cứng từ Hàn Quốc đã vô số lần mang giấc mộng cách mạng hóa một mảng sản phẩm nào đó, chỉ để nhận ra rằng không phải sáng tạo nào cũng có kết cục tốt đẹp.
Dưới đây là "nghĩa địa sáng tạo" của Samsung - những sản phẩm sáng tạo nhưng lại không được đón nhận tốt đẹp.
Trong một thế giới di động đang ngày một nghèo nàn sáng tạo, Gear VR mang tiềm năng thay đổi bộ mặt của ngành công nghiệp smartphone. Bởi Samsung là nhà sản xuất số 1 hành tinh, Gear VR từng mang trong mình tiềm năng tạo ra nền tảng VR số 1 thế giới. Thậm chí, ngay đến cả mức giá cũng chẳng phải là trở ngại: cũng như DeX và Galaxy Buds sau này, Gear VR từng là món quà tặng đi kèm những chiếc smartphone Galaxy cao cấp nhất.
Đáng tiếc thay, phần cứng thôi là chưa đủ. Dù tiềm năng có rộng lớn đến mức nào, Gear VR không có ứng dụng nào đủ "đỉnh", đủ hấp dẫn để thuyết phục người dùng rằng họ CẦN phải có trải nghiệm VR trên di động. Cũng khó trách được Samsung, bởi đến chính Oculus (công ty con của Facebook, đối tác phát triển Gear VR) sau cả thập kỷ vẫn chưa thể tạo ra một kho phần mềm đủ hấp dẫn cho VR.
Nói một cách chính xác thì DeX vẫn chưa bị khai tử - Galaxy Note10 và Galaxy S10 vẫn đang hỗ trợ tính năng vô cùng thú vị này. Với các loại cap chuyển màn hình và dock hỗ trợ, bạn vẫn có thể biến những chiếc Galaxy đầu bảng trở thành một chiếc PC đích thực.
Nhưng rõ ràng là sự ưu ái dành cho DeX đã giảm đi rất nhiều. Samsung cũng đã chính thức ngừng phát triển trải nghiệm Linux cho DeX. Quan trọng hơn, nếu như các thế hệ S8/Note8 và S9/Note9 đều ra mắt kèm với một phụ kiện DeX nào đó thì cả Galaxy S10 và Galaxy Note10 đều không còn đi kèm DeX nữa.
Biến smartphone thành PC desktop đầy đủ quả là một ý tưởng trong mơ. Vậy thì tại sao DeX tính năng này không đủ hấp dẫn để tiếp tục là một mũi nhọn cạnh tranh trong cuộc đấu cùng iPhone hay Pixel? Có lẽ là bởi phần đông người dùng vẫn chưa sẵn sàng từ bỏ những chiếc laptop xưa cũ, chưa đủ dũng cảm để thử nghiệm một không gian desktop quá khác biệt với Windows hay macOS…
Sự xuất hiện của iPad Pro và Pixel C vào năm 2015 đã thu hút sự chú ý của người tiêu dùng đến một lĩnh vực sản phẩm đặc biệt: tablet có thể thay thế PC ở vai trò thiết bị làm việc. Và, với 2 thiết bị này, cả Apple lẫn Google đều đã trở thành… học trò của Samsung.
Bởi trước đó gần 2 năm, ngay từ tháng 1/2014, Samsung đã vén màn một chiếc tablet dành cho người dùng chuyên nghiệp dưới tên gọi NotePro 12.2. Kết hợp giữa màn hình lớn, nhiều tính năng bút stylus và đặc biệt là khả năng đa nhiệm tới 4 cửa sổ cùng lúc, NotePro 12.2 chính là nguyên mẫu cho tablet "Pro" sau này: vừa là tablet "thực thụ", vừa có thể đáp ứng công việc văn phòng đơn giản. Hãy nhớ rằng vào lúc này vẫn chưa ai biết "Apple Pencil" là gì, và Google cũng chưa hề đưa tính năng chia màn hình lên Android. NotePro 12.2 từng là một cột mốc chói sáng về sức sáng tạo của Samsung.
Đáng buồn thay, mẫu tablet này chẳng hề có thế hệ thứ hai. Chưa bàn tới mức giá đắt đỏ, điểm yếu chết người của chiếc tablet này lại không phải là lỗi của Samsung: Android rất thiếu các phần mềm tablet chất lượng, chưa nói tới các ứng dụng có thể hỗ trợ những tính năng rất đặc thù do NotePro 12.2 mang lại. Ngay đến cả Pixel C sau này cũng bị khai tử chỉ sau 1 năm, Google suốt 3 năm qua không hề bán tablet. NotePro 12.2, đáng buồn thay, đã trở thành nạn nhân cho sự kém cỏi của Google.
Từ 2012, Samsung đã thử nghiệm ý tưởng đưa Android đầy đủ lên máy ảnh số, và kết quả là dòng Galaxy Camera ra đời. Nhưng dù có cài Android thì máy ảnh vẫn kén người mua hơn là điện thoại, và vì thế, Samsung đem lai máy ảnh vào điện thoại để tạo ra Galaxy S4 Zoom và Galaxy K Zoom.
Chúng là camera hay là smartphone? Thật khó để phân định rạch ròi, bởi từ đó đến nay vẫn chưa được đón nhận thêm chiếc smartphone nào có ống kính zoom 10X như vậy cả. Từ đó đến nay, vẫn chưa có một chiếc điện thoại nào mang thông điệp "Tôi yêu nhiếp ảnh" mạnh mẽ tới vậy.
Tại sao Galaxy Zoom phải chết? Bởi máy ảnh vẫn cứ kén người mua hơn là điện thoại. Galaxy S4 Zoom và Galaxy K Zoom mang thân hình cồng kềnh của máy ảnh, và đến cuối cùng thì người dùng vẫn cứ muốn mua những chiếc Galaxy cao cấp hơn là mua những chiếc point-and-shoot có đầy đủ tính năng Android…
Một chiếc "smartphone thu nhỏ" với tham vọng thay thế smartphone.
Bạn có lẽ đã nhận ra rằng Samsung rất thích phá vỡ ranh giới giữa các loại thiết bị khác nhau. Galaxy Gear S là đỉnh điểm của tham vọng ấy trong thời đại smartwatch mới chớm nở (năm 2014). Không giống như các mẫu Android Wear, cũng chẳng giống như Galaxy Watch bây giờ, Galaxy Gear S có thể coi là một chiếc điện thoại đầy đủ trên cổ tay. Sim 3G, bàn phím ảo, Flappy Bird... Gear S đều có. Thậm chí, Gear S còn là một thiết bị màn hình cong tiền khởi - uốn cong màn hình giúp Samsung có thể đem tỷ lệ 4:3 lên cổ tay.
Nhưng cũng bởi thế mà Gear S thất bại - hay nói đúng hơn là không có hậu duệ đích thực. Ngay từ Gear S2, Samsung đã chuyển sang kiểu dáng giống với đồng hồ thường (mặt tròn) hơn là smartphone thu nhỏ. Những tính năng smartphone trên smartwatch Samsung dần dần mai một, bởi đến cuối cùng, người dùng vẫn chưa sẵn sàng để smartwatch thay thế cho điện thoại. Họ vẫn muốn dùng smartwatch để bổ trợ cho điện thoại mà thôi.
Là ông chủ của thị trường di động, là gã khổng lồ nhiều năm chinh chiến trong lĩnh vực bán dẫn và hiển thị, Samsung đã mang đến cho loài người rất nhiều sáng tạo - bao gồm cả những sáng tạo xấu số. Ngoài những thiết bị mà chúng tôi đã kể tên ở trên, còn có thể nhắc đến Galaxy Note Edge với màn hình "vát" hẳn một bên hay Galaxy Round với kiểu dáng... ống nước cắt đôi. Tất cả đều bị khai tử sau một thời gian rất ngắn và có lẽ sẽ chẳng bao giờ có nổi 1 người tiền nhiệm.
Nhưng chính những thất bại này lại là vô cùng cần thiết để Samsung có thể liên tục giữ vững vị thế dẫn đầu thế giới. Nếu không có Galaxy Round hay Gear S, Samsung đã chẳng thể tạo ra tấm màn "vát nhẹ" vô cùng trang nhã cho S10 và Note10 của ngày nay. Nếu Gear VR không thất bại, Samsung có lẽ đã chẳng chuyển hướng sang phát triển tai nghe True Wireless để tặng kèm smartphone đầu bảng. Liên tục sáng tạo là một hành trình bất tận, và đôi khi thất bại là một phần tất yếu của hành trình ấy.