MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch cảnh doanh nghiệp muốn quay trở lại kinh doanh hộ gia đình

Thủ tục hành chính phức tạp, yếu về tiềm lực kinh tế và năng lực quản trị là một trong những nguyên nhân khiến nhiều hộ kinh doanh gia đình nhỏ lẻ không muốn phát triển lên thành doanh nghiệp.

Bà Nguyễn Mỹ Thuận – Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư kí Hiệp hội Doanh nghiệp Cần Thơ - cho biết: “Tại Cần Thơ, một số hộ kinh doanh gia đình chuyển sang DN, nhưng rồi quay lại theo hình thức kinh doanh hộ gia đình”. Khi đã là doanh nghiệp rồi thì việc tiếp cận nguồn vốn để mở rộng kinh doanh lại rất khó khăn.

Hộ kinh doanh gia đình “ngại lớn”

Hiện nay, kinh tế tư nhân chiếm khoảng 40% GPD của đất nước nhưng đây lại là khu vực dễ bị tổn thương nhất trước các tác động của cơ chế thị trường trong hội nhập. Hiện có tới trên 97% số DN tư nhân có quy mô nhỏ và siêu nhỏ với trình độ công nghệ thấp, chậm đổi mới, hiệu quả kinh doanh thấp, trình độ quản trị, tính liên kết còn yếu, khả năng tham gia vào chuỗi giá trị còn thấp. Chính vì vậy, DN tư nhân ra đời nhiều nhưng phá sản cũng không ít.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Mai Thị Thuỳ - Chủ tịch Hội nữ DNNVV Hà Nội - cho biết: “Theo tôi, việc vận động các hộ kinh doanh gia đình lên DN không đơn giản. Khi là hộ kinh doanh gia đình chỉ nộp thuế khoán, nếu giờ lên DN, phải đóng bảo hiểm cho nhân viên, lập phòng ban thì họ không đủ năng lực”.

Bà Nguyễn Mỹ Thuận - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư kí Hiệp hội DN Cần Thơ - cho biết: “Tại Cần Thơ, một số hộ kinh doanh gia đình chuyển sang DN, nhưng rồi quay lại theo hình thức kinh doanh hộ gia đình”.

Chia sẻ về nguyên nhân, bà Mỹ Thuận cho biết, khi là hộ kinh doanh gia đình chỉ đóng thuế khoán, không phải khai báo thuế, xuất hoá đơn. Khi đã là DN cần nộp thuế VAT, thuế thu nhập DN và vận hành một bộ máy cồng kềnh nặng nề, hộ kinh doanh gia đình chỉ có 1- 2 người nên họ không có đủ ban bệ để đáp ứng các thủ tục hành chính”.

Doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận vốn

Về vấn đề tiếp cận nguồn vốn của DNNVV, theo bà Mỹ Thuận, để vay được vốn ngân hàng, DNNVV cần có phương án kinh doanh cụ thể khả thi theo đánh giá của TCTD, phải có tài sản thế chấp, nhưng đó chính là điểm yếu của các DNNVV. Ông Phan Thanh Miễn - Chủ tịch Hội DNNVV Nghệ An - cho rằng, DN nhỏ thiếu tiền, không có tài sản thé chấp nên không thể tiếp cận vay vốn ngân hàng.

DNNVV là phân khúc thị trường có tiềm năng lớn với nguồn vốn thị trường tài chính nói chung và thị trường tín dụng ngân hàng nói riêng nhưng tín dụng chưa được khai thông theo mong muốn của cả bên cho vay và người đi vay. Bàn về nguyên nhân của nghịch lý ngân hàng thừa vốn, DN thiếu vốn, mà 2 bên mãi chẳng gặp nhau.

Ông Cao Sỹ Kiêm - nguyên chủ tịch Hiệp hội DNNVV - nhận định “Vốn là vấn đề trọng tâm. Vốn chia làm: Vốn tự có của DN; vốn huy động trên thị trường vốn; vốn hỗ trợ chính phủ. Thực tế tại các DNNVV thì vốn tự có chiếm rất ít. Vốn tự huy động trên thị trường không được, vì đa phần các DNNVV không đủ tín nhiệm để lên sàn. Thế nên hiện tại 90% vốn của DNNVV dựa vào ngân hàng”.

Theo ông Cao Sỹ Kiêm, bản chất các ngân hàng cũng là DN, họ yêu cầu người đi vay cần có đủ điều kiện để đảm bảo trả nợ để tránh tình trạng nợ đọng, nợ xấu. Một thời gian dài, Việt Nam trải qua tình trạng lạm phát, giảm phát, các DN gặp khó khăn, sức khỏe yếu kém, khiến các ngân hàng sợ không dám cho vay ra hoặc thận trọng khi cho vay để không thì mất vốn hoặc rủi ro pháp lý khi không thẩm định kĩ dự án.

Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa - ông Nguyễn Văn Thân - cho biết, trong năm 2018, Hiệp hội sẽ tích cực triển khai Luật hỗ trợ DNNVV và tham gia trình Chính phủ đề án tập trung vào 3 trọng tâm như sau: Thứ nhất, huy động nguồn lực trong dân để phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội.

Thứ hai, đề án hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành DN. Thứ ba, giải pháp gắn kết, thúc đẩy DN lớn, DN FDI, DN trong nước hỗ trợ DN nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị trong nước và quốc tế theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ.

Đại diện của HH DNNVV bày tỏ đề nghị Chính phủ tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, sớm ban hành các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật hỗ trợ DNNVV để tạo điều kiện cho DN về tín dụng, tài chính, thuế, công nghệ, mặt bằng sản xuất, xúc tiến và mở rộng thị trường, mua sắm công, thông tin và tư vấn, hỗ trợ tiếp tục công nghệ số và phát triển nguồn lực, cung cấp các dịch vụ giúp các DN gia nhập và rút khỏi thị trường. Quyết tâm xây dựng cộng đồng DN Việt Nam lớn mạnh, sáng tạo, tranh thủ mọi nguồn lực về vốn, tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị và DNNVV khởi nghiệp.

Theo H.M

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên