Nghịch lý cay đắng của siêu cường khí đốt: Xuất khẩu năng lượng hàng đầu thế giới nhưng để người dân ‘đốt rác sưởi ấm’, hít khói độc sống qua ngày
Trong khi Moscow tập trung xuất khẩu khí đốt sinh lời, các thành phố như Chita ở Siberia chỉ khao khát được hít thở bầu không khí trong lành hơn.
- 05-01-2022Nàng công chúa với cuộc chiến ly hôn đắt đỏ nhất trong lịch sử: Chim quý vùng vẫy trong lầu son, tiền không mua nổi hạnh phúc
- 05-01-2022Fortune Land bị lừa 313 triệu USD; Evegrande bị yêu cầu phá bỏ 39 tòa nhà xây dựng không phép: Cơn bĩ cực của BĐS Trung Quốc bao giờ mới hết?
- 05-01-2022Mưu tính của Elon Musk khi phát triển xe tự lái 100%: Để mặc tai nạn xảy ra vì không muốn các hãng khác dùng công nghệ tương tự?
Vấn đề nan giải của siêu cường khí đốt
Đứng từ trên cao nhìn xuống thành phố Chita của Siberia, người công nhân ngành năng lượng Vitaliy Gobrik, 46 tuổi, đã quan sát các vùng ngoại ô mở rộng nhanh chóng của thành phố. Cảnh quan bên dưới lởm chởm với hàng nghìn ống khói cao thấp được phủ bởi một làn khói xám đục.
Gobrik nói khi làn khói chìm xuống đường chân trời: "Thoát nghèo, người ta đốt than, củi… Nhưng họ cũng đốt cao su, rác, dầu thải, tà vẹt đường sắt bằng gỗ. Họ quẳng vào lò bất cứ thứ gì họ tìm được".
Chita là một trong nhiều thành phố lớn chưa được kết nối với mạng lưới khí đốt nội địa của Nga. Thay vào đó, các nhà máy nhiệt điện than đang nung nóng trung tâm thành phố, còn người dân ngoại ô chống chọi với nhiệt độ đóng băng bằng cách đốt lò sưởi. Hành động bất đắc dĩ này gây ra tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ nhất tại Nga.
Nga là nước xuất khẩu khí đốt lớn nhất thế giới và đang phát huy sức mạnh của mình như một siêu cường năng lượng trên trường quốc tế. Nhưng tại quê nhà, nước này đang phải vật lộn để kết nối một vùng đất rộng lớn với mạng lưới khí đốt trong nước. Toàn bộ khu vực rộng lớn dường như đã bị bỏ lại phía sau.
Chỉ 11 trong số 85 khu vực hành chính của Nga được kết nối hoàn toàn với mạng lưới đường ống dẫn khí đốt, còn lại 1/3 các khu định cư không được kết nối. Trong vùng liên bang Siberia rộng lớn với 17 triệu cư dân, chỉ 17% khu vực được sử dụng khí đốt.
Tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga, đơn vị chịu trách nhiệm mở rộng cơ sở hạ tầng trong nước từ thập niên 2000, cho biết họ có kế hoạch xây dựng các đường ống dẫn "khả thi về mặt kỹ thuật" vào năm 2030.
Igor Yushkov, một nhà phân tích của Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia, cho biết sẽ phù hợp hơn nếu dùng thuật ngữ "hợp lý về mặt kinh tế". Nhiều khu vực quá xa xôi và thưa thớt dân cư khiến các dự án tốn kém không thể thực hiện được.
Yushkov nói: "Trong mọi trường hợp, Gazprom có lý khi đưa ra lập luận này". Song, ông nói thêm rằng nhiều khu vực vẫn nên được kết nối. Ông cho rằng khí đốt không chỉ là một loại hàng hoá mà còn là một yếu tố của công bằng xã hội.
"Chúng tôi là quốc gia có trữ lượng khí đốt lớn nhất thế giới. Trong khi đó, nhiều người dân lại không có khí đốt ngay cả khi sống dọc những đường ống xuất khẩu lớn. Thành thực mà nói, người dân rất bức xúc", ông nói.
Các lỗ hổng trong mạng lưới khí đốt của Nga.
Mơ ước mãi chỉ là ước mơ?
Chita, thành phố cách thủ đô Moscow 5.000 km, giáp với Trung Quốc và Mông Cổ, hoàn toàn không nằm trong đề xuất ngắn hạn của Gazprom, theo kế hoạch mở rộng đường ống đến năm 2025 của công ty.
Konstantin Ilkovsky, thống đốc khu vực cho đến năm 2016, đã nhận ra rằng khí đốt là ưu tiên hàng đầu khi ông mới chuyển đến Chita. Ông đã tự hỏi tại sao quần áo của mình lại có màu xám đen vào cuối ngày. Ông nói: "Mọi người đều có khí đốt, trong khi chúng tôi bị tụt lại phía sau như những kẻ bị ruồng bỏ. Cá nhân tôi cảm thấy rất bất bình".
Ilkovsky đã vận động hành lang Moscow để thành phố có một đường ống dẫn khí đốt và mở rộng các cơ sở lưu trữ khí đốt tự nhiên hoá lỏng (LNG), loại nhiên liệu có thể vận chuyển bằng tàu chở dầu.
Các nhà máy nhiệt điện than đốt nóng trung tâm thành phố, trong khi cư dân vùng ngoại ô chống chọi với nhiệt độ đóng băng bằng cách đốt lò sưởi bằng mọi thứ, gây ra tình trạng ô nhiễm không khí tồi tệ nhất ở Nga.
Nhưng trong cuộc họp với Gazprom và các cơ quan chức năng, Ilkovsky được thông báo rằng thành phố của ông có số dân chỉ hơn 1 triệu người. Con số này quá thấp để đáp ứng tiêu chuẩn xây dựng một đường ống dẫn khí khả thi về mặt kinh tế.
Chita nằm tại lưu vực của hai con sông, nơi những ngọn núi xung quanh cũng đầy không khí ô nhiễm. Mùa hè, khói từ các đám cháy rừng gần đó tích tụ lại trong thành phố, Elvira Cheremnykh một người về hưu sống tại Chita cho biết.
Cheremnykh nói: "Ngay cả mặt nạ phòng độc cũng không cứu được bạn". Hàng xóm của bà đốt bất cứ thứ gì họ tìm thấy để sưởi ấm. Bầu không khí sặc mùi lưu huỳnh, xăng và muội than.
Ravil Geniatulin, thống đốc của Chita và vùng Zabaikalsky Krai rộng lớn trong 17 năm, cho biết rằng trong những năm 1990, các doanh nghiệp liên kết với công ty dầu Yukos đã phát triển kế hoạch xây dựng một đường ống cạnh một đoạn của tuyến đường sắt xuyên Siberia. Kế hoạch này nhằm đưa khí đốt đến các thành phố trong khu vực nhưng đã tan rã vào giữa thập niên 2000.
Thông báo về vệc xây dựng đường ống Power of Siberia khổng lồ của Gazprom, đưa khí đốt xuất khẩu sang Trung Quốc từ một mỏ nằm cách Chita chỉ 500 km, một lần nữa thắp lên hy vọng cho thành phố. Nhưng một con đường khác đã được chọn thay thế.
Chita, một thành phố có 1,1 triệu cư dân, không được kết nối với mạng lưới đường ống dẫn khí đốt trong nước của Gazprom.
Vladimir Kurbatov, một nhân viên bảo vệ ở Chita, cho biết nhiều người đã từ bỏ ý tưởng về đường ống dẫn khí đốt, nhưng họ vẫn khao khát không khí sạch. Ông muốn các nhà chức trách xây dựng các nhà máy xử lý và các cơ sở hạ tầng lưu trữ cần thiết để Chita có thể sử dụng LNG. Song người dân vẫn hoài nghi về tính khả thi của các chương trình không khí sạch do chính phủ lãnh đạo.
Kurbatov ao ước: "Tôi từng thấy những người ở miền tây nước Nga sống như thế nào. Ở đó, tất cả đều sạch sẽ và họ đều sử dụng khí đốt. Trong khi ở đây, chúng tôi hít thở toàn bộ các nguyên tố trong bảng tuần hoàn hoá học".
Theo Financial Times