Nghịch lý chua chát về thịt heo
Các nhà bán lẻ cần chia sẻ với nông dân giữa lúc bà con đang bi đát.
Giá heo hơi bán tại trang trại hiện đã rẻ đến mức không thể tin nổi: 15.000-20.000 đồng/kg. Mức giá này đã giảm khoảng 60% so với cùng kỳ năm ngoái. Thế nhưng nghịch lý là giá thịt heo bán lẻ đến tay người tiêu dùng chỉ giảm nhẹ hoặc không giảm.
Điều này có nghĩa là người nuôi heo chịu nhiều thiệt thòi và người tiêu dùng vẫn phải chi một số tiền lớn hơn thực tế cần phải chi để mua thịt heo.
Thực tế chua chát
Mới mấy ngày trước giá heo hơi còn ở mức 20.000 -25.000 đồng/kg nhưng đến ngày 26-4, tại Đồng Nai - thủ phủ heo của cả nước - giá tiếp tục rớt thê thảm hơn. Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết giá heo có nơi chỉ bán được 15.000-20.000 đồng/kg tùy loại.
“Nguồn cung lớn nhưng tiêu thụ bấp bênh nên biên độ giảm giá rất lớn. Lúc có người mua giá lên mức 25.000 đồng/kg nhưng ngay sau đó khi ít người mua lập tức giá heo lại lao dốc. Giá heo chưa bao giờ thê thảm như lúc này. Nếu bán một con heo loại 100 kg, người nuôi lỗ 2 triệu đồng/con” - ông Đoán buồn rầu nói.
Nghịch lý là giá heo hơi không ngừng giảm, người nuôi lỗ trong khi giá thịt heo bán lẻ tại chợ, siêu thị vẫn cao, có khi gấp 3-4 lần thậm chí hơn so với bán tại trang trại.
Bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, cho hay đơn vị bà vừa chăn nuôi vừa giết mổ và cũng trực tiếp bán thịt heo. Hiện công ty đang thu mua heo hơi đạt tiêu chuẩn VietGAP với giá 31.000 đồng/kg. Sở dĩ thịt heo này giá cao hơn heo nuôi bình thường vì phải tốn thêm nhiều khoản chi phí như test mẫu nước tiểu, phân... Sau đó bán sỉ heo mảnh - tức heo thịt nguyên con không đầu, lượng thịt thu được khoảng 70 kg/con - tại chợ đầu mối với giá 51.000 đồng/kg.
Với giá bán heo mảnh như vậy, tiểu thương bán sỉ mua về bán lại hưởng chênh lệch khoảng 100.000-300.000 đồng/con là hợp lý. Nhưng tiểu thương bán lẻ sau khi mua heo mảnh từ chợ đầu mối về bán giá cao gấp hai, ba lần giá heo mảnh, thu lợi 1,5-2 triệu đồng/con heo. Đây là khâu kiếm lợi nhuận cao nhất vì người bán lẻ chỉ tốn ít chi phí vận chuyển, công pha thịt” - bà Thắm nói.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng người chăn nuôi đang gặp tình cảnh chua chát. Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nhận xét: Giá heo hơi như hiện nay là quá thấp nếu so với giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng.
“Điều này là do việc gắn kết hệ thống phân phối nông sản và thịt heo đang có vấn đề. Bởi một con heo hơi muốn đến tay bán lẻ đã trải qua bao nhiêu khâu trung gian và chịu nhiều loại thuế, phí. Chưa kể một số siêu thị đã hét giá chiết khấu rất cao” - ông Phú phân tích.
Nhiều siêu thị cho rằng giá bán lẻ cao bởi giá thịt heo đầu vào từ các nhà cung cấp lớn không giảm nhiều. Hơn nữa giá được ký hợp đồng từ trước thời điểm giá heo chưa giảm sâu và hệ thống siêu thị thường thanh toán trả chậm từ một đến hai tháng nên bị tính vào giá thành cả chi phí lãi suất.
Trước sự lý giải trên, ông Phú nói: “Tôi cho rằng các siêu thị trả lời như thế là vô cảm, thiếu tinh thần chia sẻ cộng đồng. Thực tế cho thấy giá mỗi ký thịt bán ở siêu thị trên dưới 100.000 đồng/kg, trong khi giá heo hơi chỉ 15.000-20.000 đồng/kg, giảm trên 50% so với trước đây. Đáng ra thịt heo bán lẻ ở mức 70.000 đồng/kg là hợp lý rồi. Đây là sự thật quá chát với người nông dân. Các nhà bán lẻ đừng ăn dày quá. Các nhà bán lẻ cần chia sẻ khó khăn với nông dân”.
Kích cầu thịt heo, tại sao không?
Sau khi báo chí phản ánh nghịch lý giá heo hơi giảm rất sâu nhưng giá thịt heo bán lẻ vẫn ở mức cao, một số đơn vị bán lẻ rục rịch thông báo giảm nhẹ giá bán.
Chẳng hạn Siêu thị Big C đã thực hiện đợt giảm giá 8% cho tất cả sản phẩm thịt heo. Hệ thống siêu thị Co.opmart và chuỗi cửa hàng thực phẩm Co.op Food áp dụng chương trình giảm giá từ 10% đến 20% để hỗ trợ, đẩy sức tiêu thụ cho mặt hàng thịt heo.
Đại diện Công ty Vissan cho biết Sở Tài chính TP.HCM vừa có quyết định điều chỉnh giảm giá 3.000 đồng/kg đối với nhiều mặt hàng thịt gia súc của các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường.
Nhằm hỗ trợ người chăn nuôi, Bộ Công Thương cũng vừa đề nghị các doanh nghiệp tăng cường phối hợp với các sở Công Thương, sở NN&PTNT kết nối tiêu thụ thịt heo cho các hộ chăn nuôi tại các vùng chăn nuôi tập trung. Bên cạnh đó, Bộ đề nghị các doanh nghiệp tăng cường thu mua giết mổ, chế biến và cấp đông các sản phẩm thịt heo.
Một số ý kiến đề nghị trong khi chờ Chính phủ và các cơ quan chức năng giải cứu heo thì cần thực hiện kích cầu tiêu dùng nhằm giải quyết ngay những khó khăn trước mắt của người nuôi heo. Ví dụ các đơn vị tham gia chương trình bình ổn ở các tỉnh, thành cần tham gia giải cứu thịt heo. Bởi những đơn vị này được hưởng nhiều ưu đãi về cơ chế, vốn, lãi suất…nên có thể hạ giá heo bán lẻ. Khi các đơn vị này kéo giá bán lẻ thịt heo xuống sẽ có tác dụng kéo cả thị trường bán lẻ đi xuống theo và kích cầu tăng lên.
Nông dân hưởng lợi ít nhất
Theo Vụ Thị trường trong nước Bộ Công Thương, nguyên nhân chính khiến giá heo giảm là do phía Trung Quốc ngưng nhập khẩu tiểu ngạch trong khi nguồn cung trong nước vượt cầu. Dự kiến năm 2017 sản lượng thịt heo đạt 3,7 triệu tấn, tăng 3% so với năm 2016. Trong khi đó, theo Cục Chăn nuôi Bộ NN&PTNT, ước tính nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa năm 2017 khoảng 3,5 triệu tấn thịt heo hơi. Như vậy so với nguồn cung thì thịt heo dư thừa khoảng 200.000 tấn, chưa tính đến lượng nhập khẩu.
Một chuyên gia phân tích, giá heo hơi xuống thấp trong khi giá thịt tại chợ, siêu thị vẫn cao là do việc điều tiết hệ thống thương mại, nhất là khâu trung gian chưa bài bản. Trong chuỗi chăn nuôi heo nông dân chỉ được hưởng lợi nhuận khoảng 11,6%, trong khi khâu thương mại đã lên tới 27%. Với giá heo hơi hiện nay, khâu trung gian lại càng có lãi cao.
___________________________________
Ông Vũ Vinh Phú, chuyên gia kinh tế, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, nói: Chúng ta kêu gọi giải cứu thịt hay dưa hấu như vừa qua không giải quyết được vấn đề cốt lõi của câu chuyện. Theo tôi, Bộ Công Thương và Bộ NN&PTNT cần báo cáo Chính phủ về việc xuất khẩu chính ngạch cho đàng hoàng để dẫn dắt trang trại, người nuôi có thị trường tiêu thụ. Các bộ có các đơn vị chức năng tại sao lại để tình trạng xuất khẩu tiểu ngạch đến 70%, dẫn đến tình trạng phập phồng thị trường.
“Chúng ta vẫn chưa quan tâm đến nông dân, vẫn để nông dân một mình sản xuất theo cảm tính, phong trào” - ông Phú nhấn mạnh.
Pháp luật TPHCM