MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý công bố thông tin DNNN: Vì đâu tin tốt còn "lười đi khoe"

05-10-2016 - 08:17 AM | Doanh nghiệp

Theo thống kê, tính đến 20/9/2016, mới có 140/432 doanh nghiệp nhà nước thực hiện công bố thông tin, chiếm 32,41% tổng số doanh nghiệp phải công bố.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa gửi Báo cáo tình hình công bố thông tin của Doanh nghiệp Nhà nước. Theo đó, tính đến hết tháng 7/2016, chỉ có 17/22 Bộ ngành, 24/63 địa phương, 6/31 Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước trả lời công văn yêu cầu xây dựng danh sách các doanh nghiệp phải thực hiện công bố thông tin.

Việc minh bạch hóa và công bố thông tin về hoạt động của Doanh nghiệp Nhà Nước sẽ tạo cơ sở để giám sát sử dụng các nguồn lực tại các doanh nghiệp, tránh gian lận, sử dụng không hiệu quả, thất thoát, lãng phí. Đồng thời cải thiện trách nhiệm của DNNN trong việc minh bạch hóa hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư.

Theo thống kê, tính đến 20/9/2016, mới có 140/432 doanh nghiệp nhà nước thực hiện công bố thông tin, chiếm 32,41% tổng số doanh nghiệp phải công bố, tuy vẫn chưa công bố đầy đủ. Trong số đó, mới có 87/432 doanh nghiệp công bố kế hoạch SXKD và đầu tư phát triển năm 2016; 64/432 doanh nghiệp công bố Báo cáo tài chính năm 2015…

Đáng chú ý, đối với các Tập đoàn, Tổng công ty, tính đến 20/9 chỉ có Tổng công ty quản lý Bay Việt Nam là thực hiện nghiêm túc, đầy đủ nghĩa vụ công bố thông tin, phần còn lại hầu như chưa công bố hoặc mới chỉ công bố một phần thông tin theo quy định.

Các tập đoàn kinh tế lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông (VNPT), Tập đoàn Cao su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Than khoáng sản Việt Nam (TKV), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Tập đoàn Hóa Chất Việt Nam (Vinachem)…đều mới công bố một số BCTC năm 2015, hoặc chưa thực hiện theo đúng thời gian quy định.

Nghịch lý là, tình hình sản xuất kinh doanh của các Doanh nghiệp, Tổng công ty này phần lớn là khá tốt. Nhìn lại báo cáo tình hình tài chính và kết quả SXKD năm 2014 của các Doanh nghiệp Nhà nước, PVN, EVN, VNPT, VRG, SCIC,Vinachem, Viettel, Mobiphone, Vinacomin đều có tên trong danh sách Top 12 doanh nghiệp hàng đầu. Tổng lợi nhuận của Top 12 lên đến 152 nghìn tỷ đồng, trong đó, lợi nhuận của PVN lên đến 67.800 tỷ đồng; VNPT cũng 6.400 nghìn tỷ đồng; EVN đạt 5.4000 tỷ đồng….

Trong báo cáo cụ thể tình hình sản xuất kinh doanh năm 2015 được EVN công bố cho biết lợi nhuận của Công ty mẹ - EVN đạt 600 tỷ đồng, vượt so với kế hoạch lợi nhuận mà Bộ Công Thương giao trong năm 2015. Đối với PVN, riêng 6 tháng đầu năm 2016, doanh thu đạt trên 215.000 tỷ đồng, còn năm 2015 đạt trên 560.000 tỷ đồng. Công ty mẹ VNPT 6 tháng đầu năm 2016 đạt 19.792 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhuận sau thuế đạt 1.283 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng rât ít công bố thông tin hoặc chỉ công bố những thông tin cơ bản nhất.

Việc các doanh nghiệp làm ăn sụt giảm, thua lỗ chậm trễ trong công bố thông tin còn dễ hiểu, chứ các doanh nghiệp lãi nghìn tỷ mà không đi “khoe” là điều khá bất thường. Nhìn lại các doanh nghiệp hiện niêm yết và giao dịch trên thị trường chứng khoán, luôn mong có “tin tốt” để được công bố, nhất là những tin lãi lớn như một số tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước trên. Thậm chí, có những doanh nghiệp đi "khoe" kết quả kinh doanh hàng tháng như FPT...

Các doanh nghiệp báo lỗ nửa đầu năm 2016 như Vinachem, lỗ sau thuế 203 tỷ đồng dù lợi nhuận hợp nhất năm 2015 của Vinachem vẫn đạt 1.467 tỷ đồng. Nguyên nhân do có 4/24 đơn vị sản xuất kinh doanh thuộc tập đoàn lỗ, bao gồm Đạm Hà Bắc, CTCP DAP số 2 – Vinachem (DAP Lào Cai), Đạm Ninh Bình và Công ty cổ phần Xà phòng Hà Nội (Haso) với tổng lỗ phát sinh từ 4 đơn vị là 1.460 tỷ đồng...Trong kế hoạch kinh doanh mới công bố, Vinachem dự kiến lỗ 806 tỷ đồng trong năm 2016. Định hướng kế hoạch năm 2017, Vinachem dự kiến cũng chỉ có lãi 107 tỷ đồng.

Nghịch lý về việc quản lý công bố thông tin đối với các doanh nghiệp nhà nước, tổng công ty đang có nhiều bất cập, không minh bạch. Nguyên nhân các đơn vị này "lười" công bố thông tin một phần cũng vì cơ chế và chế tài xử lý chưa nghiêm.

Nam Sơn

Tài chính Plus

Trở lên trên