Ngồi trên "núi tiền", các ngân hàng vẫn thản nhiên trả lãi "siêu thấp" cho người gửi tiết kiệm mặc FED tăng mạnh lãi suất
Những người gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng gần như chắc chắn sẽ không được hưởng lợi bất chấp chính sách lãi suất của Ngân hàng Trung ương Mỹ thay đổi.
- 05-05-2022FED tăng lãi suất ảnh hưởng thế nào tới túi tiền của bạn?
- 05-05-2022Chứng khoán Mỹ 'bừng tỉnh', Dow Jones bật tăng hơn 900 điểm sau quyết định tăng lãi suất của Fed
- 05-05-2022Fed quyết định tăng lãi suất ở mức lớn nhất trong hơn 20 năm
- 04-05-2022Chứng khoán Mỹ tăng phiên thứ hai liên tiếp, nhà đầu tư chờ quyết định của Fed
Các ngân hàng đang ngồi trên "núi tiền"
Trong nỗ lực chế ngự lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vừa tăng lãi suất chuẩn thêm 0,5 phần trăm, quyết định chưa từng có suốt 2 thập kỷ qua. Động thái của FED cho thấy trong thời kỳ giá cả mọi thứ, từ thực phẩm tới nhiên liệu, đều tăng mạnh, bản thân chi phí tiền tệ cũng đang tăng lên. Người đi vay, bao gồm cả những người đang mang nợ thẻ tín dụng, sẽ sớm phải trả lãi suất cao hơn cho các khoản vay của mình.
Nhưng ở bên kia của phương trình, những người gửi tiền tiết kiệm tại các ngân hàng sẽ không sớm có khả năng gặt hái được lợi ích. Các nhà phân tích cho rằng những bước đi được thực hiện để ngăn thảm họa kinh tế năm 2020 khiến ngành ngân hàng Mỹ ngập trong các khoản tiền gửi và hầu hết các tổ chức cho vay có rất ít lý do để hút thêm tiền.
"Các ngân hàng lớn nhất đang ngồi trên một núi tiền tiết kiệm. Họ sẽ chẳng bao giờ chọn cách tăng thêm núi tiền đó để mất thêm tiền đi trả lãi. Họ sẽ chẳng phải chịu áp lực gì để tăng lãi suất", Greg McBride, trưởng bộ phận phân tích tại Bankrate.com, cho hay.
Trở lại năm 2020, Mỹ đã tung ra hàng trăm tỷ USD kích thích cho các doanh nghiệp nhỏ và các hộ gia đình, thúc đẩy thị trường bằng các chương trình mua trái phiếu và đưa lãi suất về gần bằng 0. Theo dữ liệu từ Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên Bang, phần lớn số tiền mặt đó đã được chuyển tới các ngân hàng. Họ thu hút được khoảng 5.000 tỷ USD tiền gửi mới trong 2 năm qua.
Cùng với đó, hoạt động cho vay của các ngân hàng không theo kịp, có nghĩa là họ có rất ít nơi để có thể giải ngân tiền mặt. Mặc dù trả lãi rất ít nhưng biên lợi nhuận cho vay của ngành cũng đã bị siết chặt, xuống mức thấp kỷ lục vào năm ngoái. Trung bình, các ngân hàng Mỹ trả khoản lãi 0,06% cho tiền gửi.
Tại JPMorgan Chase, ngân hàng lớn nhất của Mỹ tính theo tài sản, hầu hết các tài khoản nhỏ lẻ đều chỉ nhận lãi suất hàng năm 0,01% kể từ ngày 29/4.
Trong các chu kỳ tăng lãi suất trước đây, các ngân hàng cũng thường rất chậm trễ trong việc tăng lãi suất trả cho người gửi tiền, ít nhất là ở lúc đầu. Nó cho phép họ có thời gian để hưởng chênh lệch lãi suất.
Những áp lực có khả năng xoay chuyển cục diện
Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn đang tranh cãi xem bối cảnh hiện tại, với nhiều đặc thù "chưa từng có", có buộc các ngân hàng phải tăng lãi suất tiền gửi nhanh hơn không. Kết quả của việc thực hiện chính sách này sẽ tác động tới hàng triệu người Mỹ gửi tiết kiệm.
Deposit beta của ngành, một thuật ngữ đo lường mức độ phản ứng của một ngân hàng đối với những thay đổi của tỷ giá hiện hành, có khả năng sẽ ở mức rất thấp "trong vài lần tăng lãi suất đầu tiên của FED" khi "thanh khoản dư thừa trong hệ thống tài chính. (Hệ số deposit beta của ngân hàng càng cao thì tỷ lệ tăng lãi suất tiền gửi càng lớn).
Tuy nhiên, việc FED tăng lãi suất kỷ lục trong chu kỳ này cùng với sự cạnh tranh lớn hơn từ các công ty fintech kết hợp với nhận thức của mọi người về độ rộng trong chênh lệch lãi suất có thể khiến các ngân hàng phải hành động nhanh hơn với lãi suất tiền gửi so với các chu kỳ trước đây.
"Người tiêu dùng có thể nhận thức rõ hơn về việc tăng lãi suất khi FED hành động nhanh hơn. Bên cạnh đó, việc các fintech lôi kéo người dùng bằng chính sách lãi suất có thể gây áp lực, buộc các ngân hàng phải nhanh chóng tăng lãi suất huy động", Betsy Graseck của Morgan Stanley nói.
Ngoài ra, còn một áp lực khác từ Cục Bảo vệ Tài chính người tiêu dùng. Cơ quan này cho biết họ sẽ theo dõi chặt chẽ cách mà các ngân hàng phản ứng với lãi suất trong chu kỳ này.
Một ẩn số khác là tác động của cái gọi là Thắt chặt Định lượng (Quantitative Tightening) của FED đối với các ngân hàng. Đây là mặt trái của các chương trình mua trái phiếu mà Ngân hàng Trung ương Mỹ đã thực thi. Sau cuộc họp hôm 4/5, FED cho biết họ sẽ giảm lượng trái phiếu nắm giữ với tốc độ 95 tỷ USD/tháng.
Graseck nói rằng điều này có thể làm chậm tăng trưởng tiền gửi mạnh hơn so với dự kiến của các ngân hàng, dẫn tới khả năng họ buộc phải tăng lãi suất trong năm nay.
Trong khi các ngân hàng lớn như JPMorgan, Bank of America và Wells Fargo khó có khả năng sớm tăng lãi suất huy động, những ngân hàng trực tuyến, công ty fintech hay các liên minh tín dụng sẽ phản ứng nhanh hơn. Nhiều khả năng họ có thể tăng lãi suất huy động trong tuần này. Đại diện của 3 ngân hàng lớn được nêu tên từ chối đưa ra bình luận.
Greg McBride, trưởng bộ phận phân tích tại Bankrate.com, nhấn mạnh: "Giống như việc các ngân hàng xem lãi suất họ trả cho người gửi tiết kiệm chỉ là một quyết định kinh doanh, những người gửi tiền cũng nên làm như vậy".
Theo McBride, những người gửi tiền nên đặt tiền của họ vào những nơi có lợi nhuận tốt hơn. Các ví dụ được nêu ra bao gồm những tổ chức tài chính được liên bang đảm bảo để giúp họ có thêm lợi nhuận nhưng lại không phải chịu thêm bất cứ rủi ro nào.
Tham khảo: CNBC