MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý: Đời là bể khổ, tại sao cứ vội vã lao vào đời - Học là bể khổ, tại sao cứ vội vã học cho nhanh cho xong?

22-08-2018 - 17:09 PM | Sống

Hai nỗi khổ, một cái giúp chúng ta học cách hài lòng, vui sướng trước nghịch cảnh; một thứ trì hoãn niềm vui của chúng ta, trước khi trao cho chúng ta niềm vui trọn vẹn.

(1)

Nhớ ngày xưa đi học, cứ mỗi lần đến kì nghỉ hè, ông nội lại bắt xe lên thành phố đón tôi về.

Bến xe cách nhà tôi xa lắm. Sau khi tới trạm dừng, hai ông cháu phải ngồi thêm một chuyến taxi nữa mới về được đến nơi. Dọc đường, ông thường dặn tôi: "Nếu cháu muốn trở thành một người tốt, một người có ích cho xã hội, cháu cần phải học cách nhịn đắng nuốt cay, chịu khó học hành".

Ngày đó tôi không hiểu hết ý câu nói của ông, tôi chỉ đơn thuần lưu giữ nó trong lòng. Ngắm nhìn những người nông dân phía xa với lưng áo ướt đẫm, tay trái nâng những bông lúa, tay phải cầm chiếc liềm sắc cạnh đưa vào ngang thân, gặt "xoẹt… xoẹt…", tôi chỉ thầm mong sau này mình sẽ không phải làm những công việc như thế.

Lớn lên, tôi được nhận vào học ở một trường đại học có tiếng, chuyên ngành dự toán xây dựng. Tôi cho rằng đây là một chuyên ngành rất có tiềm năng. Tuy nhiên, khi đi thực tập, môi trường làm việc của tôi tệ đến mức khó có thể diễn tả hết bằng lời. Làm việc ở ngoài trời, ngày nắng thấy rõ bụi bay mù mịt, ngày mưa dòng nước cuốn lấy những rác rưởi ngoài công trường thành dòng nước đen ngòm, hôi thối. Trải nghiệm "tuyệt vời" này đã dần dần giết chết giấc mơ và sự hồn nhiên của tôi. Lúc đi làm, tìm được một người để học hỏi kinh nghiệm, hay đơn thuần chỉ là để nói chuyện phiếm giết thời gian, là chuyện khó không tưởng.

Sau khi tốt nghiệp một thời gian, tôi quyết định ra thành phố Hồ Chí Minh làm việc. Tại đây, cuối cùng tôi cũng đã tìm được một công việc mà tôi yêu thích, và công việc này không hề liên quan gì đến chuyên ngành tôi học suốt 5 năm trời. Mọi thứ đều lạ lẫm với tôi, nhưng tôi cảm thấy thích thú và vui mừng vì điều đó. Trí thông minh nhân tạo, lái xe tự động, công nghệ thực tế ảo, bánh xe cân bằng tự động,… Tất cả thuật ngữ này đã mở rộng một cánh cửa mới cho tôi.

Khi chúng ta càng tiếp cận rộng mở với thế giới ngoài kia, chúng ta sẽ càng thấy mình nhỏ bé, kiến thức chúng ta thu lượm được chỉ như một hạt cát giữa sa mạc rộng lớn. Tôi cũng nhận thấy rằng, khoảng cách giữa người với người cũng đang ngày càng được nới rộng ra.

Nghịch lý: Đời là bể khổ, tại sao cứ vội vã lao vào đời - Học là bể khổ, tại sao cứ vội vã học cho nhanh cho xong? - Ảnh 1.

(2)

Tại sao trong cuộc sống chúng ta sẵn sàng chịu khổ, chịu vất vả; nhưng trong khoảng thời gian học hành, chúng ta lại không chịu khó gian nan, khổ cực dù chỉ một chút?

Bởi vì: "Khi lao vào cuộc sống, sự chán chường, mệt mỏi của chúng ta đã giúp chúng ta tê liệt cảm giác đau. Thậm chí, chúng ta còn có thể đắm mình trong các cuộc vui để phớt lờ được những nỗi khổ ấy. Trong mọi trường hợp, miễn là chúng ta còn sức để đi, cuộc sống vẫn có thể ngày ngày trôi qua. Chúng ta hoàn toàn có thể để cuộc sống dẫn lối như vậy. Trong khi đó, nếu học, chúng ta luôn phải thật tập trung, giữ cho mình một suy nghĩ mở, một nhận thức tỉnh táo để đón nhận những luồng tri thức mới. Chúng ta phải liên tục mài dũa, trau dồi bản thân, điều mà với nhiều người là quá sức."

Nỗi khổ tới từ cuộc sống có tính chất lặp đi lặp lại, nếu chúng ta không quen hôm nay, thì vẫn có thể học cách quen vào ngày hôm sau. Còn nỗi khổ tới từ việc học luôn biến đổi không ngừng, chỉ những người có đủ bản lĩnh mới có thể đón nhận nó.

Hai nỗi khổ, một cái giúp chúng ta học cách hài lòng, vui sướng trước nghịch cảnh; một cái trì hoãn niềm vui của chúng ta, trước khi trao cho chúng ta niềm vui trọn vẹn.

Không cần phải hỏi cũng biết, rất nhiều người sẽ chọn nỗi khổ thứ nhất. Dù sao trên đời này cũng không nhiều người dám chủ động đương đầu với cái khổ để giành lấy niềm vui trọn vẹn, bởi họ đã quá hài lòng với việc tự tạo niềm vui trong nỗi khổ!

Nghịch lý: Đời là bể khổ, tại sao cứ vội vã lao vào đời - Học là bể khổ, tại sao cứ vội vã học cho nhanh cho xong? - Ảnh 2.

(3)

Trước đây tôi có đọc được một bài báo kể về một cậu bé nghiện Internet. Kì thi đại học sắp đến, để tránh cho cậu bị phân tâm, bố mẹ đã cấm cậu sử dụng các thiết bị điện tử, từ máy tính, điện thoại di động, thậm chí đến cả vô tuyến.

May mắn, cậu thi đậu đại học, bố mẹ cậu lúc này mới nới lỏng "thiết quân luật", cho phép cậu được sử dụng internet trở lại. Cậu rất vui mừng, tiếp tục "cày" nốt những trò chơi còn đang dang dở trước đây. Cậu nhận thấy, lên đại học việc "bùng học" có thể thực hiện khá dễ dàng, vậy là cậu bắt đầu cúp tiết. Những tháng ngày trên giảng đường, cậu không mài đũng quần trên ghế nhà trường, cậu dính chặt thân mình vào chiếc ghế ở quán điện tử.

Thời gian qua đi, bạn học của cậu bắt đầu nhận được những lời mời đi làm ngay sau khi ra trường. Còn cậu, chỉ có các trò chơi điện tử là yêu thương cậu, ngay cả việc tốt nghiệp ra trường với cậu bây giờ cũng là một vấn đề lớn.

Thế giới ảo quả thật là một nơi tuyệt vời mà chúng ta có thể đắm chìm hàng giờ không biết chán, nhưng chúng ta cần phải tỉnh táo mà sống thật, bởi sự cạnh tranh ở thế giới thật thực sự khủng khiếp. Không muốn học, nghĩ rằng học và vô ích? Đời ảo sẽ xoa dịu bạn, trong khi đời thật sẽ dạy cho bạn một bài học cay đắng.

Trên đời này không ai muốn trải nghiệm nỗi khổ "đích thực" của cuộc sống. Đối với những người thực sự muốn giải thoát mình khỏi cuộc sống khổ đau, liên tục trau dồi, liên tục học hành là giải pháp đơn giản, hiệu quả và dễ dàng nhất.

Nghịch lý: Đời là bể khổ, tại sao cứ vội vã lao vào đời - Học là bể khổ, tại sao cứ vội vã học cho nhanh cho xong? - Ảnh 3.

(4)

Cuộc sống mà không có sỏi đá, không đáng để người khác ghé thăm.

Những năm gần đây, tôi thấy nhiều bạn trẻ sau khi tốt nghiệp ra trường, đi làm theo đúng con đường gia đình vạch sẵn ra cho họ. Thời còn đi học, họ cho rằng việc học không quan trọng. Họ cho rằng bản thân là những người dư dả về mặt năng lực, học xong có thể dễ dàng lăn xả kiếm tiền. Sau này, họ cứ cậy sức để làm việc hùng hục, hài lòng với cuộc sống hiện tại, không bao giờ cố gắng tìm một con đường tốt hơn.

Rất nhiều người khi còn trẻ, tin tưởng vào vận mệnh của mình, tin tưởng vào những ô dù chống lưng, mà xem nhẹ việc học, xem nhẹ việc rèn luyện bản thân. Nếu họ chịu suy nghĩ một chút, họ sẽ hiểu rằng những khó khăn, những sự bẽ bàng mà họ phải chịu đựng là cái giá họ phải trả cho việc không chịu học tập từ đầu.

Chúng ta thường không chủ động đón nhận cái khổ, mà để cái khổ tự tìm đến chúng ta. Nhưng khi biết rằng nổi khổ từ việc học có thể giúp chúng ta né tránh những nỗi khổ từ cuộc sống thường ngày, vậy tại sao chúng ta lại tìm cách trì hoãn, thoái thác việc học?

Theo Đình Trọng

Trí thức trẻ

Trở lên trên