Nghịch lý giá thuê nhà phố trung tâm giảm còn ngoài trung tâm lại tăng
Cả Hà Nội và TP.HCM xuất hiện tình trạng giá thuê nhà phố các quận trung tâm ghi nhận mức giảm so với năm ngoái, trong khi giá thuê nhà mặt phố khu vực ngoài trung tâm lại ghi nhận mức tăng.
- 12-04-2022Các "ông lớn" đổ bộ thị trường miền Trung, giá bất động sản khu vực này diễn biến ra sao?
- 11-04-20229X Hà Nội “bỏ phố về rừng”, đầu tư farmstay và nhận cái kết đắng, chuyên gia chỉ ra những sai lầm khiến nhà đầu tư "chết" vốn
- 09-04-2022Giá rao bán đất nền tại huyện này của Hà Nội tăng cao nhất cả nước
Theo báo cáo quý 1 của Batdongsan.com.vn, thị trường bất động sản cho thuê đang có dấu hiệu sôi động trở lại, cụ thể căn hộ chung cư tăng 19% so với quý 1/2021, cho thuê văn phòng tăng 47%, cho thuê nhà mặt phố tăng 2%, cho thuê kho, nhà xưởng, đất tăng 9%.
“Yếu tố tích cực này đến từ việc mở cửa dần lại nền kinh tế nên các hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại bình thường, đặc biệt là chính sách của Chính phủ hỗ trợ tiền thuê nhà cho người công nhân giúp cho lượng người quay trở lại thành phố cao lên, thứ hai du lịch quay trở lại, việc đi lại giữa các vùng miền, các nước tốt hơn thúc đẩy phân khúc cho thuê tốt hơn ở giai đoạn này”, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn nhấn mạnh.
Tuy nhiên, không phải mọi loại hình đều đã quay lại hồi trước dịch. Đặc biệt với hai loại hình cho thuê nhà riêng và nhà mặt phố, so sánh với với năm 2019, mặt bằng nhà riêng vẫn giảm 6%, nhà phố giảm 16%. Đây là 2 loại hình bị ảnh hưởng mạnh với dịch Covid-19.
Phân khúc nhà riêng, nhà mặt phố Hà Nội có sự ổn định trên thị trường mua bán so với quý 1/2021 khi không ghi nhận sự tăng giảm đáng kể. Nếu so với quý 1/2019 thì mức độ quan tâm tăng 26%. Riêng thị trường cho thuê, mức độ quan tâm tới bất động sản cho thuê của quý 1/2022 tăng 19% so với quý 1/2021 và tăng 12% so với quý 1/2019.
Đáng chú ý, giá cho thuê nhà mặt phố có sự sụt giảm ở các quận trung tâm, ổn định và tăng giá tại một số quận ngoài trung tâm. Giá thuê nhà mặt phố ở quận Hai Bà Trưng giảm 9% và quận Tây Hồ giảm 65% so với mức giá thuê trung bình của năm 2021. Ở khu vực ngoài trung tâm, giá thuê nhà mặt phố tăng 5% ở quận Cầu Giấy, 10% ở quận Thanh Xuân và giảm nhẹ 2% ở quận Hà Đông.
Anh Ngô Phong (Hà Nội) cho biết, anh vừa thuê mặt bằng kinh doanh trên phố Lò Đúc, quận Đống Đa với diện tích 30m2, giá 8 triệu đồng/tháng. “Trước đó, nhà chủ cho thuê với giá 15 triệu đồng/tháng nhưng vì dịch dã, khách đã trả mặt bằng được một thời gian mà không có ai thuê. Do đó, khi tôi hỏi thuê, họ chấp nhận giảm tiền cho thuê”, anh Phong cho biết.
Tuy nhiên, cũng cùng diện tích như thế, anh Phong thuê thêm mặt bằng thứ hai để kinh doanh tại quận Cầu Giấy thì có giá 12 triệu đồng/tháng.
Ông Nguyễn Ngọc Hiếu, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường của Batdongsan.com.vn cho biết, sở dĩ giá thuê nhà mặt phố các quận trung tâm vẫn ghi nhận mức giảm so với năm ngoái vì nguồn khách nước ngoài - nhóm khách tiêu dùng mạnh tại các quận trung tâm vẫn chưa quay lại Việt Nam đông đảo do dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn.
Trái ngược với thực trạng giảm ở các quận trung tâm, giá thuê nhà mặt phố khu vực ngoài trung tâm ghi nhận mức tăng do lượng người lao động, sinh viên bắt đầu quay trở lại Hà Nội làm việc sau thời gian bị gián đoạn vì dịch bệnh. Thị trường nhà cho thuê các quận trung tâm và ngoài trung tâm được dự báo sẽ có sự tăng trưởng trong các quý kế tiếp.
Tương tự, tại TP.HCM, phân khúc cho thuê nhà mặt phố, thị trường cũng chưa quay trở lại, tuy nhiên so với thị trường Hà Nội có sự phục hồi tương đối tốt.
Ông Đinh Minh Tuấn, Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan.com.vn cho hay: "Hiện, thị trường TP.HCM đang có hai xu hướng rõ ràng.
Thứ nhất, dịch chuyển mô hình kinh doanh. Trước đây, các đơn vị F&B thường lựa chọn tuyến phố lớn vừa làm thương hiệu vừa để bán hàng, mô hình kinh doanh này giờ chuyển ra vùng ven với giá cho thuê thấp hơn với khoảng giá được tìm kiếm nhiều nhất từ 30-80 triệu đồng. Mô hình kinh doanh sau đại dịch được các doanh nghiệp, nhà cung cấp thực hiện kết hợp giữa online và offline.
Thứ hai, đối với những tuyến "đường vàng" TP.HCM như Đồng Khởi, Quận 1 bây giờ gần như chưa hồi phục. Lý do bởi vì động lực của các tuyến đường này là du lịch và khách du lịch nước ngoài cũng như du lịch trong nước chưa quay trở lại".
Dù từ ngày 16/3 đã mở cửa trở lại nhưng các thị trường chính như Châu Âu, Trung Quốc hay Nga vẫn chưa quay trở lại. Nguyên nhân là do Trung Quốc đang áp dụng chính sách Zero Covid; khu vực Châu Âu thì đang bị ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraine.
Vì vậy, ông Tuấn cho rằng, thị trường vẫn khó quay trở lại như trước cần thời gian, ít nhất từ 6-12 tháng để thị trường này phục hồi. Do đó, nhu cầu tìm thuê bất động sản trong vùng trung tâm dần giảm xuống, thay vào đó là khu vực ven thành phố tăng.