MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý "giấc mơ xanh" của tỷ phú giàu thứ 3 thế giới: Tham vọng mở rộng đế chế kinh doanh sang các lĩnh vực sạch nhưng tất cả lại phải dựa vào ... than đá

13-09-2022 - 15:50 PM | Tài chính quốc tế

Nghịch lý "giấc mơ xanh" của tỷ phú giàu thứ 3 thế giới: Tham vọng mở rộng đế chế kinh doanh sang các lĩnh vực sạch nhưng tất cả lại phải dựa vào ... than đá

Tài sản của Gautam Adani tăng lên gần bằng với số tiền mà hai tỷ phú giàu nhất thế giới là Jeff Bezos và Elon Musk đã mất đi kể từ đầu năm đến nay, giúp ông vươn lên vị trí giàu thứ 3 thế giới. Tuy nhiên, để tạo ra được 1 đế chế kinh doanh ngang tầm là điều không dễ dàng.

Tỷ phú kín tiếng bỗng xuất hiện dày đặc

Một buổi tối tháng 4, Gautam Adani, người vừa trở thành tỷ phú giàu nhất châu Á, xuất hiện trên sân khấu một sự kiện ở Mumbai. Vị tỷ phú có bài phát biểu tại India Economic Conclave, diễn đàn kinh tế tập hợp nhiều nhân vật tinh hoa trong giới tài chính Ấn Độ.

Vốn là người kín tiếng, trong mấy tháng gần đây Adani bỗng xuất hiện nhiều hơn trên truyền thông. Nguyên nhân không chỉ bởi vì khối tài sản mà ông sở hữu đột nhiên tăng vọt. Sau khi liên tục mở rộng hoạt động kinh doanh, đế chế vốn chỉ tập trung vào nhiên liệu hóa thạch của ông giờ đây đã lấn sân sang rất nhiều lĩnh vực mới và hoạt động ở cả bên ngoài Ấn Độ thay vì chỉ tập trung ở thị trường nội địa như trước đây.

Trong bối cảnh đó, Adani dường như đang thay đổi bản thân để thích ứng với “sân chơi toàn cầu”. Ông cần phải thuyết phục thế giới rằng 1 tỷ phú than đá nay đã trở thành người thống lĩnh năng lượng sạch. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người “canh gác” thị trường vốn toàn cầu, nơi ông sẽ huy động vốn để tài trợ cho những tham vọng khổng lồ của mình.

Adani không phải là ông trùm than đá duy nhất chuyển hướng như vậy, cho đến nay ông là người giàu nhất và cũng là một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất. Giá năng lượng cũng như giá cổ phiếu đồng loạt tăng cao đã giúp tài sản của Adani tăng lên mức 143 tỷ USD, chỉ đứng sau Elon Musk và Jeff Bezos.

“Ấn Độ sắp bước vào chu kỳ tăng trưởng mạnh mẽ sẽ kéo dài nhiều thập kỷ mà thế giới chắc chắn sẽ muốn khai thác. Do đó, lựa chọn tốt nhất là hãy bảo vệ lợi ích của chúng ta ngay từ lúc này”, Adani phát biểu tại sự kiện ở Mumbai.

Tiếp theo, ông cho rằng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới về năng lượng sạch sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi. “Đối với Ấn Độ, sự kết hợp giữa điện mặt trời và điện gió cùng với thủy điện sẽ mở ra những điều chưa từng có tiền lệ”.

Nghịch lý giấc mơ xanh của tỷ phú giàu thứ 3 thế giới: Tham vọng mở rộng đế chế kinh doanh sang các lĩnh vực sạch nhưng tất cả lại phải dựa vào ... than đá - Ảnh 1.

Tỷ phú Adani tại một sự kiện. Ảnh: Manoj Verma/Hindustan Times/Getty Images

Đế chế bành trướng

Được đánh giá là người thân cận với Thủ tướng Modi hơn bất kỳ tỷ phú nào khác, trọng tâm chiến lược kinh doanh của Adani trong thập kỷ vừa qua là hỗ trợ kế hoạch phát triển kinh tế Ấn Độ. Những tham vọng của tập đoàn Adani cũng đồng điệu với các ưu tiên hàng đầu của chính phủ, trong đó nổi bật nhất là đẩy mạnh sử dụng than đá trong khi Thủ tướng cam kết mang đến nguồn điện ổn định hơn cho người dân.

Không chỉ tại Ấn Độ, năm 2021, Adani bắt đầu xây dựng 1 cảng lớn ở Sri Lanka, dự án được cho là thể hiện ý muốn kiềm chế sức ảnh hưởng của Trung Quốc tại quốc đảo láng giềng. Dù là xây đường cao tốc hay cải tạo các trung tâm dữ liệu, tỷ phú Adani là người tin cậy sẽ cung cấp tiền bạc, cơ sở hạ tầng và cả nhân lực, cho dù ưu tiên của chính phủ Ấn Độ là gì.

Cổ phiếu của 7 công ty đại chúng thuộc tập đoàn Adani đã tăng vọt kể từ đầu năm đến nay, giúp tổng giá trị vốn hóa đạt 255 tỷ USD, tương đương 7% tổng giá trị vốn hóa của TTCK Ấn Độ. Trong số 10 tỷ phú giàu nhất thế giới mà Bloomberg theo dõi, chỉ có Adani và 1 người nữa không phải chứng kiến tài sản sụt giảm trong năm 2022. Ông là người duy nhất đi lên từ than đá.

Adani đang sử dụng nguồn tài chính này để hiện thực hóa những tham vọng mới, mà trọng tâm là cam kết đến năm 2030 sẽ đầu tư 70 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng năng lượng sạch. Tháng trước, tập đoàn của ông hé lộ rót số vốn 7,2 tỷ USD vào các dự án khai thác quặng sắt và nhôm. Mới đây tập đoàn còn chi 10,5 tỷ USD thâu tóm công ty xi măng Holcim. Ngoài ra, Adani Group còn chuyển hướng sang các lĩnh vực mới mẻ như truyền thông và kỹ thuật số, sân bay, trung tâm dữ liệu và viễn thông.

Nghịch lý giấc mơ xanh của tỷ phú giàu thứ 3 thế giới: Tham vọng mở rộng đế chế kinh doanh sang các lĩnh vực sạch nhưng tất cả lại phải dựa vào ... than đá - Ảnh 2.

Nhà máy nhiệt điện của Adani Power ở Gujarat. Ảnh: Sam Panthaky/AFP/Getty Images


Than đá - Bài toán khó

Theo Tim Buckley, giám đốc 1 think tank ở Sydney và là người theo dõi Adani từ lâu, miễn là ông Modi vẫn làm Thủ tướng, các công ty của Adani vẫn sẽ có thể tạo ra đủ tiền mặt dù số nợ của họ ngày càng phình to vì tập đoàn đang trên đà mở rộng. “Tổ chức này làm việc rất, rất hiệu quả, không như nhiều đối thủ Ấn Độ khác. Họ nói là làm. Khó ai có thể so sánh được với sức mạnh chính trị cũng như mức độ am hiểu tường tận về thị trường Ấn Độ như Adani”.

Tuy nhiên, quyền lực của Adani ở bên ngoài Ấn Độ không được chắc chắn như vậy, trong khi ông lại đặt “giấc mơ xanh” của mình ở nước ngoài. 70 tỷ USD rót vào nhà máy điện mặt trời là số tiền mà Adani hi vọng có thể biến đế chế của ông thành nhà sản xuất năng lượng sạch lớn nhất thế giới vào cuối thập kỷ này. Trong bài phát biểu dài 32 phút, Adani gần như không đề cập đến từ than đá. Ông muốn hòa hợp hơn với các nhà quản lý quỹ ưu tiên năng lượng sạch và ESG.

Thế nhưng theo tổ chức SumOfUs, hoạt động khai mỏ của các công ty trong tập đoàn Adani vẫn đang đóng góp ít nhất 3% lượng khí thải carbon dioxide từ than đá trên toàn cầu. Điều này là khó tránh bởi tập đoàn của ông vẫn chủ yếu dựa vào than đá. Các mảng kinh doanh chính phụ thuộc vào loại nhiên liệu hóa thạch này hiện đóng góp 62% doanh thu của tập đoàn. Than đá vẫn là nhân tố quan trọng trong tham vọng tự lực tự cường của Thủ tướng Modi. Chỉ trong 2 năm gần đây, Adani đã mua 8 mỏ than mới ở Ấn Độ, nâng tổng con số lên 17.

Nghịch lý giấc mơ xanh của tỷ phú giàu thứ 3 thế giới: Tham vọng mở rộng đế chế kinh doanh sang các lĩnh vực sạch nhưng tất cả lại phải dựa vào ... than đá - Ảnh 3.

Ít nhất thì trong tương lai gần than đá vẫn là thứ mang về tiền bạc. Tình trạng thiếu hụt năng lượng do tình hình căng thẳng ở Ukraine gây ra đã đẩy giá than đá lên đỉnh nhiều năm. Tổ chức năng lượng quốc tế IEA dự báo nhu cầu toàn cầu đến năm 2024 mới lập đỉnh. Các nước châu Âu bao gồm cả Đức và Hà Lan đang mở cửa trở lại các nhà máy than trong lúc nguồn khí đốt dự trữ ngày càng cạn kiệt.

Adani đã nhảy vọt từ số 14 lên số 3 trong bảng xếp hạng người giàu thế giới chỉ trong 9 tháng ngắn ngủi. Nhưng đó là một chặng đường dài so với xuất thân của ông. Sinh ra trong 1 gia đình trung lưu làm nghề buôn vải, Adani theo học ngành thương mại nhưng đã quyết định bỏ dở giữa chừng. Ông từng kinh doanh kim cương trước khi lập công ty thương mại là tiền thân của Adani Enterprises vào năm 1988.

Khi đó, Ấn Độ bắt đầu dỡ bỏ “License Raj”, hệ thống các quy định và giấy phép phức tạp từng ràng buộc hoạt động thương mại. Adani nhanh chóng nổi lên là 1 doanh nhân thức thời và có được thành công, thậm chí ông từng bị bắt cóc và đòi 1,5 triệu USD tiền chuộc.

Năm 1995, ông bắt đầu vận hành cảng ở Mundra, 1 thị trấn hẻo lánh ở gần vịnh Kutch. Adani từng bước mở rộng hoạt động kinh doanh, và đến ngày nay đã xây dựng được đế chế trải dài trên nhiều lĩnh vực.

Tuy nhiên đế chế đó cũng đi kèm với khoản vay mượn lớn hiếm thấy ở Ấn Độ. Tổng cộng Adani Group có dư nợ khoảng 8 tỷ USD trái phiếu niêm yết bằng ngoại tệ, nhiều hơn so với bất kỳ công ty nào ở Ấn Độ. Tổng nợ ròng của tập đoàn tính đến cuối tháng 3 là 1.600 tỷ rupee (tương đương 20 tỷ USD).

Nghịch lý giấc mơ xanh của tỷ phú giàu thứ 3 thế giới: Tham vọng mở rộng đế chế kinh doanh sang các lĩnh vực sạch nhưng tất cả lại phải dựa vào ... than đá - Ảnh 4.

Liệu có thể thay đổi?

Cách đây vài năm, Adani liên hệ với Bảo tàng Khoa học, một trong những định chế văn hóa danh giá nhất của London, với mong muốn trở thành nhà tài trợ. Tuy nhiên, bảo tàng đã tham khảo ý kiến của Transition Pathway Initiative, 1 tổ chức phi lợi nhuận chuyên phân tích các công ty có tuân thủ các mục tiêu về môi trường hay không. Theo tổ chức này, Adani Enterprises có mức xếp hạng rất thấp, dưới cả những ông lớn dầu mỏ như Saudi Aramco và Exxon-Mobil.

Tuy nhiên cuối cùng lãnh đạo bảo tàng vẫn đồng ý hợp tác với tỷ phú Ấn Độ, nhận một khoản tiền quyên góp (chưa được tiết lộ là bao nhiêu tiền). Tháng 10 năm ngoái, bảo tàng thông báo tổ chức 1 cuộc triển lãm có tên “Energy Revolution: The Adani Green Energy Gallery” (tạm dịch: Cuộc cách mạng năng lượng - Triển lãm năng lượng sạch của Adani). Nhưng sự kiện đã vấp phải sự phản đối của nhiều người, thậm chí nổ ra 1 cuộc biểu tình nhỏ.

Giờ đây câu hỏi lớn nhất dành cho Adani là liệu ông có thể thuyết phục được những định chế tài chính quốc tế hay không. Trong khi các ngân hàng quốc tế như Standard Chartered và Barclays đã đồng ý tài trợ, một trong những quỹ trái phiếu lớn nhất thế giới PIMCO đã từ chối cấp vốn cho dự án xây cảng của Adani vì những lo ngại liên quan đến than đá. Với các nhà quản lý tài sản toàn cầu có xu hướng phi carbon hóa danh mục đầu tư, có thể những bài phát biểu thể hiện tham vọng năng lượng xanh của Adani là chưa đủ để thuyết phục họ rót tiền.

Hiện nay, cổ phiếu của các công ty trong tập đoàn Adani vẫn được nhà đầu tư đánh giá cao vì “họ là tập đoàn duy nhất của Ấn Độ tập trung vào năng lượng và cơ sở hạ tầng xanh mà các nhà đầu tư toàn cầu có thể tiếp cận”, theo Deven Choksey, giám đốc điều hành công ty môi giới KRChoksey Holdings Pvt.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư toàn cầu đang ngày càng trở nên nhạy cảm hơn với các khoản đầu tư xanh và sẽ đặt nhiều ra nhiều câu hỏi hơn. ​​Adani bắt buộc phải cam kết chấm dứt sử dụng than đá để hiện thực hóa những tham vọng của mình. ESG 2.0 đang tới. Các công ty sẽ không thể đơn giản là tẩy xanh mà phải thực sự hành động.

Tham khảo Bloomberg


Thu Hương

Nhịp sống thị trường

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên