Nghịch lý gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng
Trong khi hàng triệu người lao động đang thất nghiệp, nhất là khối du lịch, thì gói 16.000 tỷ đồng cho doanh nghiệp vay để hỗ trợ trả lương cho người lao động lại chỉ có 1 doanh nghiệp đủ điều kiện.
Trong báo cáo mới nhất về tình hình phòng chống dịch COVID-19, Sở Du lịch TP.HCM thống nhất với dự thảo tờ trình của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. HCM về xây dựng chính sách hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19 để trả lương cho người lao động.
TP. HCM đã đề xuất cho doanh nghiệp du lịch lớn vay vốn với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động.
Bên cạnh đó, Sở Du lịch TP. HCM đề xuất thêm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp du lịch có quy mô lớn trên 200 lao động được vay vốn với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động.
Tính đến hết tháng 8/2020, trên địa bàn TP. HCM có khoảng 90 - 95% doanh nghiệp lữ hành đã phải tạm ngưng hoạt động. Số lượng tour khách hủy lên đến hơn 35.000 lượt, trong đó, riêng Công ty Vietravel đã nhận được yêu cầu hủy tour của hơn 22.000 lượt khách, thiệt hại ước tính khoảng 102 tỷ đồng.
Lãnh đạo Vietravel cho biết, trong quý II/2020, doanh thu của công ty chỉ đạt 206 tỷ đồng, chỉ tương đương 9% doanh thu cùng kỳ năm 2019. Lợi nhuận sau thuế âm 38 tỷ đồng, giảm 283% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu của Vietravel đã giảm 72% so với cùng kỳ năm 2018 và chỉ đạt 996 tỷ đồng, lỗ ròng 80 tỷ đồng.
Còn đối với Saigontourist, một doanh nghiệp du lịch lớn khác của TP. HCM cũng chịu chung số phận, với khoản lỗ 6 tháng đầu năm 2020 lên đến hơn 180 tỷ đồng, giảm mạnh so với mức lãi hơn 512 tỷ đồng cùng kỳ 2019.
Không chỉ đối mặt với những thiệt hại nặng nề về kinh tế, các doanh nghiệp du lịch hiện nay còn đối mặt với việc giữ nguồn nhân lực chất lượng cao, bởi trong bối cảnh nhiều người lao động ngành Du lịch bị mất việc làm, nhiều lao động chất lượng cao của ngành du lịch đã chuyển sang ngành khác. Theo thống kê sơ bộ, số lượng lao động du lịch giảm 61% so với cùng kỳ, trong đó 87,4% lao động nghỉ không lương và 12,6% chấm dứt hợp đồng lao động.
Trong khi đó, gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng dành cho các doanh nghiệp vay với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động, hiện đang bị "ế" và chưa hề được giải ngân.
Tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2020 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) diễn ra mới đây, đại diện NHNN cho biết, hiện cả nước mới chỉ có 1 doanh nghiệp đủ điều kiện được UBND tỉnh phê duyệt danh sách vay gói tín dụng 16.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng đã tự cân đối được nguồn trả lương cho người lao động mà không cần vay gói này. Như vậy, gói 16.000 tỷ đồng này đến nay vẫn chưa được giải ngân cho doanh nghiệp nào.
Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, cho đến nay vẫn chưa doanh nghiệp nào tiếp cận được gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng.
Theo phản ánh của các doanh nghiệp, điều kiện giải ngân quá khắt khe khiến các doanh nghiệp không thể tiếp cận được gói hỗ trợ này. Chẳng hạn như quy định doanh nghiệp phải chứng minh không có doanh thu, hay quy định phải có từ 20-30% người lao động trở lên đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng liên tục trở lên; đã trả trước tối thiểu 50% tiền lương ngừng việc cho người lao động từ ngày 1/4 đến hết ngày 30/6… Đây là những quy định mà các doanh nghiệp khó có thể đáp ứng được.
Chia sẻ với người viết, lãnh đạo một doanh nghiệp bức xúc và cho rằng, nếu không có doanh thu trong vài tháng thì doanh nghiệp đóng cửa rồi, làm gì phải vay để trả lương người lao động.
Tương tự quy định phải có từ 20 – 30% người lao động trở lên đang tham gia BHXH bắt buộc phải ngừng việc từ 1 tháng trở lên mới được vay, điều này chẳng khác nào bắt doanh nghiệp phải đuổi người lao động ra đường. Trong khi đó, các doanh nghiệp đang phải cố gắng xoay sở để giữ chân người lao động.
Thậm chí, vị lãnh đạo doanh nghiệp này còn gay gắt cho rằng, nếu cứ "một người đạp ga, ba người đạp thắng", thì những chính sách hỗ trợ vốn rất nhân văn và kịp thời của Chính phủ sẽ không bao giờ phát huy được hết tác dụng, và các doanh nghiệp vẫn cứ phải gồng mình gánh chịu khó khăn, trong khi hàng chục nghìn tỷ đồng hỗ trợ của Chính phủ lại không thể đến được tay doanh nghiệp chỉ vì thủ tục nhiêu khê.
Những nghịch lý này xuất phát từ điều kiện đặt ra phi thực tế. Hệ lụy là doanh nghiệp mất niềm tin vào các gói hỗ trợ, vào sự hỗ trợ của Chính phủ, mặc dù chính sách và quyết tâm của Chính phủ là rất lớn và sáng suốt, nhưng đã bị làm giảm hiệu quả gần như về 0 ở công đoạn thực thi bên dưới.
Đợt dịch COVID-19 thứ hai đã bước qua 22 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, đây là cơ hội để tái khởi động du lịch nội địa và mở rộng là các ngành dịch vụ khác. Thời hạn sửa đổi quy định điều kiện hưởng gói hỗ trợ 16.000 tỷ đồng phù hợp thực tế doanh nghiệp là không thể kéo dài hơn được nữa. Nên chăng cần thay đổi ngay và luôn tư duy "trên trải thảm dưới rải đá dăm" trong việc triển khai các gói hỗ trợ?
Diễn đàn doanh nghiệp