Nghịch lý không phải người thường nào cũng hiểu: Càng làm nhiều lại càng không ‘có cửa’ thành công
Không phải cắm đầu làm việc cật lực lúc nào cũng đem lại kết quả như mong đợi.
- 12-03-2023Cựu sinh viên Harvard thành công nghỉ hưu ở tuổi 28: 'Muốn giàu sớm phải hiểu 4 sự thật này, nếu không thu nhập chỉ mãi ở mức trung bình'
- 09-03-2023Tài không đợi tuổi: Cậu bé 8 tuổi vay ngân hàng 5.000 USD khởi nghiệp với ly nước chanh, thuê "bạn bè" bán hàng, 10 tuổi thành công chốt deal tiền tỷ trong Shark Tank
- 07-03-2023Thầy giáo dạy toán tiết lộ công thức đầu tư "đánh bại" cả tỷ suất lợi nhuận của Buffett: Chăm chỉ làm một việc này thành công đến với bạn không xa
Con đường dẫn đến thành công thường được tạo ra bằng sự bền bỉ và nỗ lực, ít nhất đó là những gì chúng ta hay nhắc đến trong nhiều năm qua. Nhiều triệu phú và vận động viên Olympic đều chia sẻ về tầm quan trọng của việc vượt qua đối thủ cạnh tranh và vượt qua giới hạn của bản thân đối với thành công của mình.
Trong khi đó, Sarah Sarkis - nhà tâm lý học và giám đốc cấp cao của công ty chuyên cung cấp dịch vụ huấn luyện tinh thần và thể chất Exos, cho biết mặc dù điều đó có thể đúng nhưng sự nỗ lực không phải là điều khiến người thành công khác biệt so với những người khác. Theo bà, sự phục hồi, nghỉ ngơi mới đóng vai trò đó.
Tại Exos, Sarkis và nhóm chuyên gia dinh dưỡng, vật lý trị liệu và chuyên gia sức khỏe hướng dẫn các cầu thủ NFL, CEO của các công ty lớn trong danh sách Fortune 100 như Intel và Humana cùng nhiều chuyên gia khác cách bứt phá trong môi trường áp lực cao.
“Chúng ta thường nhầm lẫn giữa thành công với việc liên tục ‘nhấn ga’ tiến về phía trước. Nếu không làm như vậy, chúng ta sẽ cảm thấy khó chịu. Chúng ta cho rằng bản thân lười biếng, không tập trung hoặc vô kỷ luật nhưng điều đó không đúng. Phục hồi hay nghỉ ngơi là điều cuối cùng mà chúng ta nghĩ đến khi căng thẳng, bận rộn trong quá trình nỗ lực để đạt tới thành công. Tuy nhiên, những người ưu tiên nghỉ ngơi mới là người đứng đầu cuộc chơi và hạnh phúc nhất”, Sarkis giải thích.
Nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng làm việc mà không có thời gian nghỉ sẽ làm giảm năng suất, giảm khả năng sáng tạo và có thể làm trầm trọng thêm tình trạng căng thẳng.
Ảnh minh họa: Internet.
Nghỉ ngơi đúng cách như thế nào?
Sarkis khuyến khích khách hàng bắt đầu bằng việc kiểm tra mức tiêu hao năng lượng của họ: Bạn đang dành phần lớn thời gian và sự chú ý của mình vào việc gì và ở đâu? Hoạt động nào khiến bạn cảm thấy mệt mỏi và hoạt động nào tiếp thêm năng lượng cho bạn?
“Hãy tưởng tượng, bất cứ khi nào làm điều gì đó có lợi cho sức khỏe tinh thần hoặc thể chất, chẳng hạn như ngủ hoặc tập thể dục… là các khoản ‘dương’. Ngược lại, bất kỳ hoạt động nào như làm việc muộn hay bỏ bữa… là các khoản ‘âm’. Nếu tính toán thói quen hàng ngày trong một tuần, bạn có thể xác định các thói quen cần cải thiện”, Sarkis cho biết thêm.
Cuối cùng, Sarkis nói rằng bạn nên xem quá trình nghỉ ngơi là “trò chơi về mức độ bạn đưa các khoản “dương” trở lại hệ thống năng lượng của mình. Một số hoạt động mà bạn có thể cân nhắc là thiền, yoga, viết nhật ký hoặc đi dạo ngoài trời. Theo Sarkis, bạn nên lên lịch cho chúng và thực hiện nghiêm túc giống như sắp xếp cuộc hẹn với bác sĩ hoặc cuộc họp với sếp.
Bất cứ điều gì bạn cần làm để triển khai việc nghỉ ngơi đều đáng giá. Sarkis nói: “Những người cam kết thực hành việc này thường xuyên là những người gặt hái được nhiều lợi ích nhất. Nó cần phải là một phần nhất quán, không thể thay đổi trong thói quen của bạn”, Sarkis cho biết thêm.
Nguồn: CNBC
Nhịp sống thị trường