Nghịch lý kỳ lạ ở Sài Gòn: 2 cây cầu song song, người dân chen chúc đến kẹt xe trên cây cầu sắt cũ và hẹp
Để giảm tải giao thông cho cây cầu cũ Trần Khánh Dư (bắc qua kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, nối quận 1 và quận Phú Nhuận), cầu Hoàng Hoa Thám được xây dựng song song bên cạnh. Tuy nhiên, có một nghịch lý là người dân chỉ thích chen nhau đến kẹt xe trên cầu Trần Khánh Dư - cây cầu nhỏ và hẹp.
Chấp nhận chờ đèn đỏ để… đi cây cầu kẹt
Cầu sắt Trần Khánh Dư bắc qua kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, giúp kết nối giao thông giữa quận 1 – quận Phú Nhuận và quận Bình Thạnh (TP. HCM). Theo thời gian, cây cầu sắt này dần cũ và nhỏ so với lượng phương tiện lưu thông mật độ cao nên cơ quan chức năng đã xây thêm cầu Hoàng Hoa Thám nằm song song, chỉ cách nhau khoảng 100m để giảm tải.
Cầu Hoàng Hoa Thám được xây dựng với chiều dài khoảng hơn 100m, rộng hơn 10m, trong khi cầu Trần Khánh Dư chỉ dài khoảng 70m và hai làn xe đều hẹp.
Cầu Trần Khánh Dư bắc qua kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè vào chiều tối luôn có hàng trăm phương tiện xếp hàng dài, nhích từng chút khó khăn.
Mỗi khi trời mưa, người dân dừng xe trên cầu để mặc áo mưa nên tình trạng kẹt xe càng nghiêm trọng hơn.
Trong khi đó, cầu Hoàng Hoa Thám thì luôn "bình yên", không "nghẹt thở" như cầu bên cạnh.
Cầu Trần Khánh Dư (trái) và cầu Hoàng Hoa Thám rất gần nhau nhưng người Sài Gòn lại thích đi cầu nhỏ và hẹp hơn - Ảnh: Googlemap.
Điều kỳ lạ khiến không ít người Sài Gòn ở các quận khác thắc mắc rằng, không hiểu sao cầu Hoàng Hoa Thám rộng thênh thang, cũng bắc qua kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, cũng nối quận 1 và quận Phú Nhuận và Bình Thạnh nhưng lại không có nhiều người đi?
Ngược lại, cầu Trần Khánh Dư bằng sắt đã lâu đời, lại nhỏ hẹp nhưng người dân Phú Nhuận, Bình Thạnh lại thích đi, bất chấp có kẹt xe thế nào đi chăng nữa.
Về chuyện 2 cây cầu song song nhưng mỗi cầu một "số phận" cũng khiến các bạn trẻ vốn xưa ít quan tâm nhưng nay lại bàn luận sôi nổi trên các diễn đàn mạng xã hội. Cầu mới đẹp thì không ai đi, cầu cũ thì nhiều người chui vào cho thêm kẹt xe?!
Cầu Trần Khánh Dư luôn trong tình trạng ùn ứ các phương tiện chen nhau qua cầu vào giờ cao điểm.
Trong khi đó vào cùng thời điểm thì cầu Hoàng Hoa Thám rất thông thoáng.
"Giá như xây thêm cây cầu sát bên cầu Trần Khánh Dư thì may ra có người đi", một bạn trẻ quan tâm đến vấn đề giao thông Sài Gòn chia sẻ. Tuy nhiên, đây chỉ là đóng góp vui nhưng vấn đề bất cập giữa hai cây cầu này lại khiến nhiều người thắc mắc.
Theo những người sống gần cầu Trần Khánh Dư (quận 1), mặc dù đang kẹt xe, các phương tiện vẫn không muốn đi đường khác, chấp nhận đứng chờ đèn đỏ vài phút để chen nhau qua cầu Trần Khánh Dư, và lời giải thích đơn giản chỉ vì "quen rồi!". Tuyến đường Trường Sa và Hoàng Sa dẫn vào hai đầu cầu Trần Khánh Dư cũng luôn ùn ứ vì phương tiện quá tải.
Cây cầu sắt cũ ngày nào cũng oằn mình "gánh" hàng trăm phương tiện đứng chôn chân trên cầu.
Xe máy ùn ùn nối đuôi nhau qua cầu Trần Khánh Dư.
Cách đó không xa cầu Hoàng Hoa Thám lại vắng bóng phương tiện.
Một người chạy xe ôm gần cầu Trần Khánh Dư chia sẻ: "Ngày nào cũng kẹt xe vào thời điểm sáng và chiều tại cầu sắt này. Trong khi đó cầu Hoàng Hoa Thám cách đây không xa lại thưa thớt phương tiện. Tôi đậu xe ôm ở khu vực này lâu rồi nhưng cũng không hiểu sao lại có nghịch lý kỳ lạ như vậy. Hai câu cầu song song, cầu mới thì không ai đi, cứ "chui" đầu vào cầu cũ đi cho kẹt xe".
Đi theo thói quen, quán tính hay vì cầu mới có bất tiện?
Ghi nhận tình trạng tại cầu Trần Khánh Dư, các chiến sỹ công an, trật tự, dân phòng của Phường Tân Định (quận 1) hầu như ai cũng toát mồ hôi tại điểm nóng kẹt xe này. Được biết, ngày nào đơn vị phường cũng chia nhau ra điều tiết giao thông tại địa điểm cầu Trần Khánh Dư.
Cảnh ngột ngạt trên cầu sắt Trần Khánh Dư.
Phương tiện ô tô, xe máy từ các ngả đường chen nhau qua cầu.
Các phương tiện thoải mái di chuyển trên cầu Hoàng Hoa Thám.
Chú Mỹ (nhà gần cầu Trần Khánh Dư) cho biết: "Nhiều lúc thấy kẹt xe quá, tôi hướng dẫn mọi người đi đường tắt hoặc quẹo phải (từ đường Trần Khắc Chân) vào đường Hoàng Sa, đi chút xíu nữa rồi lên cầu Hoàng Hoa Thám về Phú Nhuận và Bình Thạnh cho nhanh nhưng họ không chịu. Nhiều người bảo thích đi qua cầu này hơn nên tôi cũng bó tay luôn, về sau không chỉ đường nữa".
Qua tìm hiểu, các phương tiện lưu thông trên đường Hoàng Sa (hướng từ quận 1 về quận Phú Nhuận) mặc dù đi qua cầu Hoàng Hoa Thám nhưng không rẽ lên cầu này để về Phú Nhuận, Bình Thạnh mà đi thẳng đến cầu Trần Khánh Dư để rẽ, dù đi xa hơn.
Công an khu vực mệt mỏi và bất lực mỗi khi điều tiết giao thông tại cầu Trần Khánh Dư.
Dân phòng cũng toát mồ hôi vì phương tiện qua cầu Trần Khánh Dư ở cả hai chiều luôn trong tình trạng quá tải.
Trong khi đó, các phương tiện lưu thông trên đường Trần Quang Khải (quận 1) cũng không rẽ vào đoạn giao nhau với tuyến đường dẫn lên cầu Hoàng Hoa Thám mà lại muốn rẽ vào đường Trần Khắc Chân để "được" qua cầu Trần Khánh Dư. Khi đến cầu sắt cũ kỹ này thì có hàng trăm phương tiện đang "chôn chân" nhưng nhiều người vẫn không muốn đi đường tránh.
Theo người dân, có thể vì đi cầu Trần Khánh Dư có cảm giác... ngắn hơn, và nối trực tiếp đường Trường Sa và Hoàng Sa nên người dân dễ đi. Mặt khác, có thể khi qua cầu Trần Khánh Dư nhiều người thuận tiện đi vào gần đường Phan Xích Long hơn.
Hàng trăm phương tiện ùn ứ từ đường Trần Khắc Chân hướng về cầu Trần Khánh Dư.
Đường Hoàng Sa (từ cầu Hoàng Hoa Thám) đến cầu Trần Khánh Dư cũng ùn ứ.
Hai bên làn xe của cây cầu sắt lâu đời luôn chật ních phương tiện.
Còn đối với cầu Hoàng Hoa Thám, người dân lý giải, có thể do cầu này đi bất tiện hơn. Nếu đi đường Hoàng Sa rẽ lên cầu phải đi vòng hai bên mép cầu để đi lên.
Ngoài ra cũng có thể do cầu Trần Khánh Dư gắn bó với con kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè từ lâu nên người dân đi theo thói quen, quán tính, không muốn sự thay đổi.
Trí thức trẻ