Nghịch lý ngân hàng muốn giảm vốn điều lệ?
NHNN mới đây cho biết thời gian qua đã nhận được “đề nghị của ngân hàng thương mại cổ phần” có nhu cầu giảm mức vốn điều lệ theo quy định tại Điều 29 Luật các Tổ chức tín dụng. Cách dùng từ của NHNN cho thấy có thể chỉ có một ngân hàng là muốn giảm vốn điều lệ.
- 13-04-2021Có ngân hàng cổ phần muốn giảm vốn điều lệ
- 12-04-2021Sắp có xáo trộn mạnh trên bảng xếp hạng vốn điều lệ ngân hàng
- 11-04-2021Đằng sau cuộc đua tăng vốn ngân hàng
-
Biến số lạm phát trong nước luôn cần được dự đoán, phân tích khi muốn biết đường hướng của chính sách tiền tệ và lãi suất ở Việt Nam
-
Một khi đã đạt đến các ngưỡng an toàn và các cân nhắc vĩ mô tổng thể thì việc mua hay bán cần thiết phải dừng lại hoặc đảo chiều một cách cũng linh hoạt, thông qua điều chỉnh tỷ giá mua, bán tương ứng.
Trong bối cảnh đa phần các ngân hàng thương mại đang cố gắng tăng vốn điều lệ hoặc để đáp ứng tiêu chuẩn vốn an toàn tối thiểu cao hơn theo Basel II, hoặc đơn giản chỉ là để tăng cường năng lực cạnh tranh và mở rộng thị phần tín dụng và dịch vụ ngân hàng thì mới đây lại có thông tin một ngân hàng muốn xin giảm vốn điều lệ. Chuyện này nghe như là một điều nghịch lý. Bản thân NHNN chắc cũng chưa từng lường trước động thái xin giảm vốn này bởi trong thông tư hướng dẫn hiện hành có liên quan (Thông tư 50/2018) chỉ có quy định về tăng vốn điều lệ mà không có quy định cho việc ngược lại, vì thế mới đây đã phải ban hành thông tư hướng dẫn.
Câu hỏi đặt ra là tại sao lại có chuyện xin giảm vốn này? ngân hàng nào lại muốn làm điều có vẻ ngược với thị trường như vậy? việc giảm vốn sẽ tác động thế nào tới bản thân ngân hàng và cổ đông?...Xoay quanh câu chuyện, chúng tôi đã tham vấn ý kiến của chuyên gia Phan Minh Ngọc.
PV: Theo chuyên gia ngân hàng nào có khả năng muốn xin giảm vốn điều lệ, và "động cơ" của việc xin giảm vốn này là gì?
TS. Phan Minh Ngọc: Trước hết, cần lưu ý rằng vốn pháp định (vốn tối thiểu) cho ngân hàng thương mại là 3.000 tỷ đồng nên dù ngân hàng muốn xin giảm vốn điều lệ nói trên, cứ tạm gọi là ngân hàng X, muốn giảm vốn điều lệ thì vốn này sẽ không được nhỏ hơn 3.000 tỷ đồng. Hiện tuy ít nhưng vẫn còn một số ngân hàng thương mại có vốn điều lệ đúng bằng vốn pháp định. Suy ra tiếp là ngân hàng X này không phải là một trong số các ngân hàng có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, hoặc các ngân hàng đang bị giám sát đặc biệt, thuộc dạng bị bắt buộc tái cơ cấu.
Tiếp theo, dù hiện này vẫn còn nhiều ngân hàng chưa đáp ứng được tiêu chuẩn vốn an toàn tối thiểu 8% theo Basel II nhưng chắc chắn là không còn, không có ngân hàng nào không đáp ứng được tiêu chuẩn này theo Thông tư 36/2014 (với yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu CAR là 9%, dễ đạt hơn mức yêu cầu 8% theo Basel II).
Giả sử ngân hàng X có mức vốn an toàn tối thiểu lớn hơn mức quy định (có CAR >8% theo Basel II hoặc >9% theo Thông tư 36). Giả sử tiếp là họ muốn giữ nguyên cơ cấu và loại hình tài sản như hiện tại. Việc giảm vốn điều lệ sẽ làm giảm tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu (giả thiết mọi điều kiện khác không thay đổi). Như vậy, ngân hàng X muốn giảm vốn điều lệ thì cũng chỉ giảm được trong phạm vi không làm tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu trở nên nhỏ hơn mức quy định.
Điều quan trọng là khi giảm được vốn điều lệ trong phạm vi cho phép trong khi vẫn giữ nguyên các tài sản có (tức không làm ảnh hưởng đến khả năng tạo lợi nhuận) và, đồng thời, không làm tụt giảm mức an toàn vốn tối thiểu xuống dưới ngưỡng quy định thì mọi khoản lợi nhuận tạo ra trong kỳ (không thay đổi bởi tài sản có không thay đổi) sẽ được chia cho một số ít hơn cổ phiếu đang lưu hành, tức là tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền sẽ tăng lên. Cổ đông thì đa phần luôn thích lựa chọn này. Cổ đông hiện hữu cũng có thể cảm thấy có lợi hơn khi, trong điều kiện bình thường, việc giảm số cổ phiếu sẽ làm tăng giá cổ phiếu.
Về hình thức, giảm vốn điều lệ xảy ra khi ngân hàng (buộc phải) tiêu hủy cổ phiếu quỹ, hoặc tiến hành mua lại phần vốn góp của thành viên (cá nhân hay doanh nghiệp, ngân hàng khác) vì một số lý do như bất đồng với các thành viên khác. Ngoài ra, ngân hàng có thể giảm vốn điều lệ khi vốn này không còn thích hợp với những thay đổi về quy mô, hình thức và chiến lược hoạt động của ngân hàng.
Về phía người làm thuê cho cổ đông – Tổng giám đốc và ban Tổng giám đốc, họ thường cũng thích ngân hàng có ít vốn điều lệ hơn, bởi cái mà họ quan tâm hơn trong nhiệm kỳ của mình, và sẽ ảnh hưởng đến danh tiếng, tiền lương và tiền thưởng của họ, là tỷ suất lợi nhuận trên vốn, ROE. Trong khi như đã giả thiết cho đơn giản là lợi nhuận, R, không thay đổi bởi cơ cấu và chất lượng tài sản được giữ nguyên, người điều hành ngân hàng chỉ có thể cải thiện ROE bằng cách giảm vốn điều lệ/tự có, E.
Trường hợp ngân hàng X muốn giảm vốn điều lệ mà tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu đã đến ngưỡng thì việc giảm vốn điều lệ sẽ phải đi đôi với việc giảm tài sản. Hay nói ngược lại, khi ngân hàng có nhu cầu giảm tài sản thì họ sẽ thấy việc duy trì vốn điều lệ nhiều như hiện tại là không cần thiết, bởi khi giảm tài sản thì tỷ lệ vốn an toàn tối thiểu sẽ tăng hơn nữa trên ngưỡng quy định một cách không còn cần thiết nữa.
Việc giảm tài sản có vẻ là nghịch lý, thực tế liệu có trường hợp nào thấy họ cần phải giảm tài sản?
Đúng là việc giảm tài sản nghe cũng là một nghịch lý nữa trong thời điểm hiện nay khi mà hầu hết ngân hàng đều muốn tăng vốn để tăng quy mô tài sản, nhưng việc muốn giảm tài sản là một mong muốn có khả năng là thật.
Trường hợp muốn giảm tài sản đầu tiên là khi Tổng giám đốc và ban giám đốc theo đuổi tối đa hóa ROE và họ sẽ thường có ý muốn tập trung vào các tài sản mang lại lợi nhuận lớn (và theo đó là rủi ro lớn), đồng thời có thể cắt giảm các hạng mục tài sản lớn nhưng lợi nhuận thấp hơn như cho vay khách hàng (phải ưu tiên về lãi suất). Trong trường hợp này thì không thể nói chung chung là "ngân hàng" muốn giảm quy mô tài sản, mà chính xác ra phải là "người điều hành ngân hàng" muốn vậy.
Trường hợp thứ hai là ngân hàng muốn tái cơ cấu tài sản, tổ chức lại với quy mô nhỏ hơn, tập trung vào một số phân khúc có lợi thế mà không nhất thiết phải chạy đua tăng tài sản.
Trường hợp muốn giảm tài sản khác là khi ngân hàng muốn bán đi một số tài sản mà họ cho là chất lượng xấu. Nếu bán "khéo" thì ngân hàng phát sinh ít hoặc không bị lỗ, cải thiện được các tỷ lệ hoạt động và giải phóng vốn (và chia cho cổ đông). Nếu bán tài sản làm phát sinh lỗ, ngân hàng phải/muốn giảm vốn điều lệ để xóa lỗ.
Như vậy là có cơ sở để ngân hàng thương mại tính đến chuyện nghịch lý giảm vốn, ngoài những tác động với bản thân ngân hàng như trên thì việc giảm vốn ấy có ảnh hưởng gì tới hoạt động của hệ thống ngân hàng không thưa ông?
Có nhiều lý do để cho ngân hàng thương mại hiện nay vẫn muốn giảm vốn điều lệ. Nhưng không phải tất cả mọi vụ việc xin giảm vốn điều lệ đều có lợi, vì quyền lợi của cổ đông. Ngược lại, xin giảm vốn đôi lúc sẽ gắn liền với việc giảm quy mô và/hoặc chất lượng tài sản, và do đó có thể ảnh hưởng đến vai trò và sự lành mạnh của hệ thống ngân hàng trong nền kinh tế. Vì vậy quyết định đưa ra cần hết sức thận trọng.
Xin cảm ơn ý kiến chuyên gia!