MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nghịch lý nhà ở xã hội

27-03-2020 - 09:59 AM | Bất động sản

Theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến tháng 1-2020 trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 207 dự án nhà ở xã hội, quy mô xây dựng khoảng hơn 85.810 căn, với tổng diện tích hơn 4.290.500m2; đang tiếp tục triển khai 220 dự án với quy mô xây dựng khoảng 179.640 căn.

Những con số nhìn thì "đẹp" nhưng thực tế hiện nay, nhà ở xã hội không còn thực sự thu hút được sự quan tâm từ phía người có nhu cầu, cũng chính bởi thế nên có không ít dự án dù mở bán nhiều lần vẫn "ế". Nguyên nhân thì cũng đã được chỉ ra là do nhà ở xã hội hiện nay đang kém đủ mọi bề: hạ tầng, vị trí, giá cả…

Hơn 300 căn hộ và "kỷ lục" 20 lần mở bán

Đây là thực tế buồn của dự án nhà ở xã hội Bamboo Garden (Quốc Oai, Hà Nội) khi mới đây Sở Xây dựng Hà Nội tiếp tục ra thông báo tiếp nhận hồ sơ bán và cho thuê nhà ở xã hội đợt 20 dự án của dự án này. Dự án có có 432 căn hộ nhà ở xã hội.

Nghịch lý nhà ở xã hội - Ảnh 1.

Phát triển nhà ở xã hội mới chỉ đạt khoảng 30% mục tiêu đề ra.

Không chỉ ở dự án trên, một số dự án nhà ở xã hội trên địa bàn Hà Nội cũng rơi vào tình trạng mở bán ròng rã. Mỗi đợt rao bán, trung bình chỉ có khoảng 20-30 trường hợp đăng ký. Đơn cử như dự án nhà ở xã hội AZ Thăng Long (Hoài Đức, Hà Nội) do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư đã được thông báo mở bán lần thứ 12. Dự án có tổng số 1.496 căn.Trong đó, số căn để bán là 322 và số căn cho thuê là 86. Trong đợt mở bán lần thứ 20 này, số căn hộ nhà ở xã hội là 24 căn, giá căn hộ bán đã bao gồm VAT và 2% phí bảo trì tạm tính là 9.960.000 đồng/m2. Riêng số căn hộ cho thuê trong dự án là 86 căn vẫn còn nguyên với giá cho thuê là 48.000 đồng/m2/tháng. Sau 19 lần mở bán vẫn còn cả trăm căn và tiếp tục phải mở bán tới lần thứ 20. Chưa rõ, với dự án này sau lần mở bán thứ 20, "kỷ lục" mới có lại được xác lập nữa hay không.

Sau 11 lần bán, chủ đầu tư mới bán được 475 căn hộ xã hội, còn 231 căn hộ dành cho thuê mua vẫn còn nguyên. Lần bán thứ 12 này, chủ đầu tư công bố đẩy ra thị trường 354 căn với giá 14 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm VAT và 2% phí bảo trì). Dự án được bán suốt từ năm 2015 đến nay vẫn chưa hết hàng. Hay như tại dự án nhà ở xã hội tại ô đất 5.B2 (Đông Hội, Đông Anh, Hà Nội) do Công ty TNHH Thăng Long làm chủ đầu tư với tổng số căn hộ 504 căn.

Sau 7 lần mở bán, chủ đầu tư mới bán được 228 căn. Mới đây, trong lần mở bán thứ 8, chủ đầu tư thông báo bán 177 căn. Trong 97 căn hộ nhà ở xã hội thuộc diện cho thuê vẫn còn đến 97 căn chưa ai thuê sau 7 lần thông báo. Mặc dù ở xa trung tâm, nhưng mức giá chủ đầu tư đưa ra là 15 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm phí bảo trì)…

Chỗ thiếu cứ thiếu, chỗ thừa vẫn thừa

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hiệp hội môi giới bất động sản Việt Nam, thì người dân mua nhà để ở và nơi đó còn phải có những công trình đáp ứng nhu cầu tối thiểu trong cuộc sống của họ như các tiện ích, trường học, bệnh viện, hạ tầng giao thông…

Trong khi đó, các dự án nhà ở xã hội hiện nay nằm ở các khu vực xa trung tâm thường thiếu nhiều điều kiện về kết nối giao thông với các khu vực khác, chất lượng hạ tầng xã hội và dịch vụ thấp. "Những nơi có nhiều cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức phát sinh nhiều lao động làm việc lại rất ít dự án nhà giá rẻ, bình dân.

Điều này gây ra nghịch lý chỗ thiếu cứ thiếu, chỗ thừa vẫn thừa, thực tế nhu cầu về nhà ở của người dân vẫn rất lớn đặc biệt với những đối tượng có mức thu nhập thấp, trung bình nhưng vẫn không thiếu các dự án mở bán hết năm này qua năm khác vẫn không có người mua", ông Đính lý giải.

Nghịch lý của vấn đề nhà ở xã hội theo kiểu "chỗ thiếu vẫn thiếu, chỗ thừa cứ thừa" được thể hiện rõ trong kết quả của Kiểm toán Nhà nước liên quan đến nhà ở xã hội của TP Hà Nội mới đây. Tính đến hết năm 2018 kết quả thực hiện mục tiêu phát triển nhà ở xã hội của TP Hà Nội chỉ đạt 14% kế hoạch đặt ra theo các quyết định, còn thiếu hơn 4.7 triệu m2 nhà ở.

Kết quả kiểm toán chỉ rõ, hầu hết các dự án nhà ở xã hội theo danh mục dự kiến hoàn thành trong năm 2015 và giai đoạn 2016-2020 đều chậm tiến độ hoàn thành, một số dự án chưa có thông tin tiến độ dự án hoặc không thực hiện dự án được thu hồi bàn giao đất lại cho thành phố.

Trong giai đoạn 2016-2020, theo kế hoạch đặt ra, dự kiến có 15 dự án được xây dựng, hoàn thành nhưng chưa có dự án nào hoàn thành (2/15 dự án chưa triển khai xây dựng; 7/15 dự án chưa có chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc chấp thuận dự án đầu tư; 1/15 dự án không có thông tin tình hình triển khai; 2/15 dư án dừng triển khai không thực hiện được hoặc thu hồi; 3/15 dự án đã được chấp thuận chuyển mục tiêu đầu tư sang nhà ở thương mại).

Theo Bộ Xây dựng, trong năm 2019 cả nước có 9 dự án nhà ở xã hội hoàn thành. Tuy nhiên, kết quả này chưa đạt yêu cầu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Cụ thể, cả nước đã hoàn thành 207 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng trên 85 nghìn căn, tổng diện tích khoảng 4,29 triệu m2 nhà ở và  đang tiếp tục triển khai 220 dự án với khoảng gần 180 nghìn căn.

Tuy nhiên, kết quả của chương trình này so với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia là đến hết 2020 cả nước cần đạt 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội thì mới đạt khoảng 34%. Theo Bộ Xây dựng, nguyên nhân dẫn đến kết quả thấp như vậy là do nguồn lực tài chính thấp. Mặc dù theo quy định của pháp luật về nhà ở thì ngân sách nhà nước sẽ cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Chính sách xã hội khi thực hiện hỗ trợ nhà ở xã hội, nhưng trên thực tế việc cân đối nguồn vốn này đang khó khăn và được bố trí thấp, chỉ đáp ứng khoảng 30% so với yêu cầu, người dân và doanh nghiệp hiện đang rất trông chờ.

"Vấn đề rất đang quan tâm hiện nay là Nhà nước cần quan tâm bố trí đủ vốn ngân sách theo quy định luật pháp để thúc đẩy hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội, để tạo lợi ích kép: Vừa thực hiện đúng chủ trương coi phát triển nhà ở xã hội là một trong những trụ cột của chính sách an sinh xã hội, vừa thúc đẩy tăng trưởng, ổn định thị trường bất động sản", Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng cho biết.

Theo Phan Hoạt

Công an nhân dân

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên