Nghịch lý: Nhiều người đi vay không muốn được kéo dài thời gian ưu đãi lãi suất
Các chuyên gia dự báo mặt bằng lãi suất thời gian tới sẽ tiếp tục giảm. Tuy nhiên, nếu chờ lãi suất cho vay giảm sâu rồi mới dùng đòn bẩy tài chính mua tài sản có thể sẽ không phải là giải pháp tối ưu cho nhà đầu tư.
- 09-09-2023Chữa bệnh ngân hàng thừa tiền: Thuốc nào?
- 08-09-2023Vay ngân hàng để “đảo nợ”, khách hàng cần lưu ý gì?
Chị Nguyễn Mai Liên ngụ tại quận 8, TP.HCM chia sẻ, hồi tháng 8/2023, chị có vay 3 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm để mua nhà tại một ngân hàng với lãi suất ưu đãi 9% cho năm đầu tiên. Ngoài ra, do trong chương trình khuyến mãi, nên chị còn được quyền nhận thêm 1 năm ưu đãi lãi suất như trên. Tuy nhiên, chị lại chỉ chọn hưởng lãi suất 9% trong năm đầu.
“Lãi suất thả nổi của gói vay được tính bằng bình quân lãi suất kỳ hạn 12 tháng của 4 ngân hàng lớn (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank) cộng với biên độ 3%. Ở thời điểm hiện tại nếu tính theo công thức này, lãi suất gói vay của tôi sẽ chỉ ở mức 8,65%. Ngoài ra, thời gian tới lãi suất huy động còn có thể tiếp tục giảm, do đó tôi đã quyết định không kéo dài thời gian hưởng lãi suất ưu đãi”, chị Liên cho biết.
Anh Lê Thanh Minh ngụ tại quận Tân Bình, TP.HCM chia sẻ, còn 6 tháng nữa gói vay kỳ hạn 3 năm của anh sẽ bước vào kỳ thả nổi. Mới đây, anh được phía ngân hàng tặng thêm 1 năm ưu đãi lãi suất, nhưng đã không sử dụng.
“Đến cuối tháng 6, lãi suất thả nổi ở gói vay của tôi chỉ cao hơn lãi suất ưu đãi 0,5%. Trong khi vừa bước sang tháng 9 lãi suất huy động lại giảm rất nhanh 0,5-1,5% ở nhiều ngân hàng. Do đó, tôi kỳ vọng ngay trong kỳ điều chỉnh quý IV, lãi suất thả nổi sẽ thấp hơn lãi suất ưu đãi. Vì thế, tôi không sử dụng quyền được hưởng lãi ưu đãi thêm 1 năm”, anh Minh chia sẻ.
Hay ở trường hợp của chị Hồ Tịnh Văn, ngụ tại quận 2, TP.HCM vì lãi suất huy động giảm sâu, nên chị đang kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm. Vì lẽ đó dù được ngân hàng chào nhiều gói vay với lãi suất ưu đãi 8-9% chị vẫn không vay.
Báo cáo vĩ mô tháng 9 vừa được công ty Chứng khoán Rồng Việt công bố cũng cho thấy, trong tháng 8, lãi suất huy động đã có một nhịp giảm mạnh. Trong đó, nhóm quốc doanh giảm 30-50 điểm, các ngân hàng tư nhân giảm 50-100 điểm. Tính từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động đã giảm 150-250 điểm cơ bản, tùy kỳ hạn đã giảm sâu hơn mức giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Hiện tại, lãi suất huy động của hệ thống ở hầu hết các kỳ hạn đã giảm về tương đương mặt bằng lãi suất tại thời điểm tháng 9/2022. Đồng thời, nhịp giảm mạnh của mặt bằng lãi suất trong tháng 8 sẽ kích hoạt tiếp đà giảm lãi suất cho vay, từ đó giúp tăng trưởng tín dụng cải thiện trong các tháng tới.
Theo Ths.Ngô Thành Huấn - Giám đốc điều hành công ty tư vấn tài chính và quản lý gia sản FIDT, vì lãi suất huy động đã giảm sâu theo các chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế của chính phủ, nên không ít nhà đầu tư kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ tiếp tục giảm thêm nữa. Một số gói vay đã ghi nhận lãi suất thả nổi trong tương lai có thể bằng hoặc thấp hơn mức ưu đãi. Từ đó, mà người đi vay có hành động không kéo dài thời gian hưởng khuyến mãi. Điều này không có gì bất thường. Tuy nhiên, động thái chờ lãi suất giảm sâu rồi mới đi vay mua tài sản, của các nhà đầu tư cần phải xem xét lại
“Ở thời điểm hiện tại, mặt bằng lãi suất huy động đã về vùng trước khi diễn ra cuộc đua lãi suất và ngang ngưỡng trước dịch. Do đó, dư địa để lãi suất huy động cũng như cho vay tiếp tục giảm sâu là rất ít. Mặt khác, nhiều loại tài sản rủi ro, đặc biệt là bất động sản đã có tín hiệu phục hồi ở một số phân khúc. Vì vậy, việc chỉ tập trung vào lãi vay là chưa đủ. Thậm chí, hành động này đôi khi còn có thể khiến nhà đầu tư đánh mất cơ hội đầu tư phù hợp, đặc biệt là trong giai đoạn tài sản có định giá cạnh tranh như hiện nay. Tuy nhiên, không vì thế mà nhà đầu tư bất chấp vay nợ bằng mọi giá, mua đuổi theo đà tăng giá của các tài sản (FOMO)”, Ths.Huấn đánh giá.
Chuyên gia từ FIDT lưu ý, nhà đầu tư cũng nên xây dựng kế hoạch tài chính dài hạn khi có khoản vay lớn như mua bất động sản. Việc này sẽ được xem xét dựa trên một số yếu tố như tính ổn định của dòng thu nhập, các nhu cầu chi phí cho người phụ thuộc, độ tuổi và sức khỏe của người đi vay, các phương án bảo vệ tài chính để tránh rủi ro áp lực nợ cho người thân khi có sự cố về sức khỏe của người tạo thu nhập, các phương án dự phòng khi không thể hoàn trả (vay người thân, quỹ dự phòng, thanh lý tài sản khác,...)
Nhịp sống thị trường