Nghịch lý tại Nhật Bản: Nhân viên không thích được tăng lương
Nghịch lý này đã khiến nhiều công ty tại Nhật Bản rơi vào tình cảnh thiếu hụt nhân viên trầm trọng, đặc biệt là nguồn nhân công làm việc theo ca.
- 27-11-2017Biến động lớn của Hoàng gia Nhật Bản
- 24-11-2017Mitsubishi tiếp nối chuỗi bê bối của ngành công nghiệp Nhật Bản
- 20-11-2017Trải nghiệm đoàn tàu siêu sang chỉ dành cho giới nhà giàu Nhật Bản với giá vé 12.000 USD/người
Đa phần người lao động trong lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ tại Nhật Bản đều là những phụ nữ đã lập gia đình, muốn tìm kiếm một công việc bán thời gian để có nhiều khoảng trống dành cho chồng con.
Tuy nhiên, họ lại chẳng vui vẻ khi được tăng lương, thậm chí còn cắt giảm giờ làm nhằm đảm bảo tổng thu nhập không bao giờ vượt quá định mức nhất định, từ đó giữ được ưu đãi thuế cho cả gia đình.
Nghịch lý trên đã khiến nhiều công ty rơi vào tình cảnh thiếu hụt nhân viên trầm trọng, đặc biệt là nguồn nhân công làm việc theo ca.
Đa phần người lao động trong lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ tại Nhật Bản đều là những phụ nữ đã có gia đình.
Áp lực liên quan tới vấn đề cải cách môi trường lao động từ phía chính phủ cũng khiến các công ty gặp nhiều khó khăn trong việc yêu cầu nhân viên chính thức làm thêm giờ để bù vào sự thiếu hụt nặng nề trên.
Bởi vậy, một số cơ sở kinh doanh thuộc lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ đành tìm hướng giải quyết bằng cách thay đổi thời gian mở cửa. Điển hình là chuỗi siêu thị Akashiya tại khu vực thành phố Osaka đã phải ngừng hoạt động vào ngày Chủ Nhật, thay vì phục vụ khách hàng cả tuần như trước đây.
Tự kiểm soát tổng thu nhập hằng năm
Người lao động làm bán thời gian tự kiểm soát tổng thu nhập hằng năm không phải là một hiện tượng mới tại Nhật Bản.
Nhưng kế hoạch nâng mức lương tối thiểu và cải cách môi trường làm việc do chính phủ nước này đề ra mới chính là nguyên nhân khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong vấn đề tuyển dụng nhân công.
"Suốt hai năm vừa qua, mức lương mỗi giờ của tôi đã tăng thêm khoảng 100 yên. Nếu hồi trước tôi thường làm việc khoảng 17 hay 18 ngày mỗi tháng thì bây giờ, con số đó chỉ là 14 mà thôi", một nhân viên siêu thị tại thành phố Yokohama nói.
Người lao động thường cắt giảm luôn giờ làm nhằm đảm bảo tổng thu nhập không vượt quá định mức nhất định.
Với mức lương lên tới 980 yên mỗi giờ, người phụ nữ 55 tuổi này cho biết mình sẽ giảm giờ làm vào buổi chiều – khoảng thời gian mà các cửa hàng thường bị thiếu hụt nhân viên.
Bà tiếp lời: "Tôi quyết định như vậy không phải vì khung giờ làm việc thiếu thuận tiện. Thực ra, tôi chỉ muốn đảm bảo tổng thu nhập trong năm của mình đừng vượt quá 1,06 triệu yên.
Và nếu nhận mức thu nhập cao hơn ngưỡng đó, tôi sẽ phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc khiến khoản tiền tích lũy bị hao hụt khá nhiều. Trường hợp giống như vậy cũng chẳng hề hiếm gặp ở siêu thị nơi tôi đang công tác".
Đa phần nguồn nhân công làm việc bán thời gian đều chọn giảm giờ làm để hạn chế mức tổng thu nhập.
Theo số liệu từ Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, mức lương trung bình mà người lao động bán thời gian trong lĩnh vực bán buôn và bán lẻ tại quốc gia này nhận được là khoảng 1.000 yên mỗi giờ, tăng 4% so với hai năm trước đó.
Do vậy, thời gian làm việc trung bình của đội ngũ nhân công cũng giảm tới 3%, tức chỉ còn 92 tiếng mỗi tháng.
"Với mức lương trung bình 1.000 yên cho mỗi giờ lao động, một người chỉ cần làm việc đúng bốn ngày mỗi tuần thì có thể bỏ túi 1,03 triệu yên hằng năm.
Nếu vượt qua ngưỡng ấy, họ sẽ khiến vợ hoặc chồng của mình mất tiêu chuẩn nhận ưu đãi thuế dành cho người phụ thuộc, làm ảnh hưởng tiêu cực tới thu nhập chung của cả gia đình", Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản ông Katsunobu Kato nhấn mạnh.
Bổ sung phúc lợi cho người lao động
Nhiều công ty tại Nhật Bản đã tìm kiếm phương án bổ sung phúc lợi với hi vọng người lao động sẽ không lựa chọn việc cắt giảm giờ làm để kiểm soát mức thu nhập của mình.
Hiện nay, công ty cho vay tín dụng và tư vấn tài chính Orix đang kêu gọi doanh nghiệp chuyển sang cung cấp cho nhân công bán thời gian các kế hoạch hưu trí tự nguyện thay vì trực tiếp tăng lương như trước đây.
Đại diện phía Orix chia sẻ: "Doanh nghiệp nên bỏ riêng một phần thu nhập ‘thừa’ của người lao động sang quỹ đầu tư riêng, rồi sử dụng số tiền này để cung cấp khoản lương hưu mang tính chất hỗ trợ sau khi họ nghỉ việc".
Dù nhiều chính sách phúc lợi mới được đưa ra nhưng người lao động bán thời gian vẫn không mặn mà cho lắm.
Kể từ khi đưa ra kế hoạch đó tới nay, công ty Orix đã nhận về rất nhiều lời đề nghị hợp tác từ phía các doanh nghiệp.
Trong đó, chuỗi thương hiệu Doutor Coffee đã áp dụng phương pháp trên vào tháng 9/2017 vừa qua. Riêng hãng kinh doanh bia Kirin City hứa hẹn sẽ ra mắt chính sách hoàn toàn mới này trong thời gian gần nhất.
Giải pháp chưa hoàn thiện
Theo kế hoạch, sang năm 2018, chính phủ Nhật Bản sẽ nâng cao tổng thu nhập hằng năm của các hộ gia đình lên 1,5 triệu yên. Họ chỉ phải nộp thuế nếu đạt tới con số này.
Nhưng không ít doanh nghiệp lại chi trả trực tiếp khoản phúc lợi gia đình cho nhân viên. Bởi vậy, nhiều khả năng họ vẫn duy trì mức thu nhập nhận phúc lợi tối thiểu ở ngưỡng 1,03 triệu yên, và kế hoạch trên sẽ trở nên vô tác dụng.
Giải pháp do chính phủ Nhật Bản đề xuất chưa hề tính tới việc nhiều người lao động sẽ tự khống chế giờ làm của bản thân.
Giải pháp do chính phủ Nhật Bản đề xuất chưa hề tính tới việc nhiều người lao động tự khống chế giờ làm của bản thân nhằm duy trì tổng mức lương hằng năm dưới 1,06 triệu yên (đối với doanh nghiệp lớn) hay 1,3 triệu yên (đối với doanh nghiệp nhỏ).
Đây là ngưỡng thu nhập tối thiểu mà họ phải đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Trí thức trẻ