Nghịch lý thị trường dầu mỏ: Nhiên liệu hóa thạch dần bị thay thế, vì sao giá dầu vẫn leo thang?
Đây có phải lần đầu thế giới đối mặt với nguồn cung nhiên liệu thiếu hụt trầm trọng, hay là lần đầu giá một nguyên liệu lập mức cao kỷ lục trong khi đã có nguyên liệu khác thay thế?
- 30-11-2021Thêm 1 địa phương lần đầu có nhà máy điện gió đưa vào vận hành thương mại, vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng
- 29-11-2021Lộ diện top 10 địa phương đứng đầu về vốn đầu tư công giải ngân trong 11 tháng
- 29-11-2021Báo Anh: Sau Hòa Phát, Việt Nam sẽ có thêm một đơn vị sản xuất container trong nước
Sau cuộc cách mạng dầu đá phiến, đến nay, thị trường đang chứng kiến những biến động đáng kể, chủ yếu do sự thay đổi cung - cầu từ thị trường dầu thô. Theo oilprice, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) lúc 6h 20' ngày 30/11 (giờ Việt Nam) tăng 0,97% (tương đương 0,680 USD/thùng), lên 70,63 USD/thùng. Cùng thời điểm, giá dầu thô Brent giao tháng 1 cũng tăng 0,99% (hay 0,72 USD/thùng) lên 73.44 USD/thùng.
Những đợt biến động giá này là do sau khi đại dịch COVID-19 dần lắng xuống, tình trạng thiếu hụt cung trên thị trường dầu thô vẫn tiếp tục kéo dài, thậm chí lâu hơn nhiều so với trong quá khứ.
Kể từ tháng 6/2020, khi Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) cắt giảm mạnh sản lượng 10 triệu thùng/ngày, thị trường dầu mỏ toàn cầu đã chuyển từ thế cung lớn hơn cầu sang cầu lớn hơn cung. Hiện nay, tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi.
Đáng chú ý, trước đó, các chuyên gia đều nhấn mạnh rằng nhiên liệu hóa thạch sẽ dần bị thay thế. Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho hay, quá trình chuyển tiếp năng lượng đã được tiến hành. Những nguồn nhiên liệu mới đã là nguồn sản xuất điện thứ hai, chỉ sau than đá, và sẽ trở thành nguồn cung cấp điện chính từ nay tới năm 2040. Song giá dầu thế giới vẫn tiếp tục tăng đột biến.
Vì sao lại như vậy?
Thực tế, đây không phải lần đầu thế giới đối mặt với nguồn cung nhiên liệu thiếu hụt trầm trọng, cũng không phải lần đầu giá một nguyên liệu lập mức cao kỷ lục trong khi đã có nguyên liệu khác thay thế.
Một trong những hiện tượng đó là dầu cá voi của thế kỷ 19. Thế kỷ 18 và đầu thế kỷ 19, con người sử dụng dầu cá nhà táng làm chất đốt cho đèn. Dầu cá voi khi ấy có rất nhiều tác dụng: làm chất đốt, bôi trơn, chế xà phòng, tạo sáp nến, sử dụng trong việc dệt vải, bện dây thừng.
Tuy nhiên, công dụng chủ yếu của dầu cá voi bấy giờ là làm dầu đốt đèn. Dầu cá voi có thể được sử dụng trong đèn dầu, cung cấp ngọn lửa không khói. Chất lượng của dầu cá voi cao hơn rất nhiều so với sáp ong hay mỡ động vật (là những nguồn chất đốt lúc bấy giờ). Đây cũng chính là lý do đẩy nhu cầu săn bắt cá voi để lấy dầu tăng cao.
Một con tàu săn cá voi được chụp năm 1905 tại Spitsbergen, Na Uy. Ảnh: Hulton Archive / Getty
Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, các cuộc săn cá voi được tiến hành rầm rộ vào giữa những năm 1700 và đầu những năm 1800. Một con cá nhà táng có thể cung cấp đến 3 tấn dầu. Bởi thế, chúng từng được coi là loài động vật hay những mỏ dầu sống tốt nhất trong ngành chất đốt.
Giai đoạn đỉnh điểm của việc săn bắt cá voi, đèn dầu cá nhà táng được thắp sáng không chỉ ở một căn phòng, mà là toàn bộ ngôi nhà, đèn đường, hay những tòa nhà công cộng. Giới thượng lưu thay vì dùng các loại nến sản xuất từ mỡ động vật, họ chỉ chuộng nến làm từ mỡ cá voi. Khi ấy, chính sách từ dầu cá voi cũng đã khởi nguồn cho chuẩn ánh sáng mới: Chuẩn ánh sáng Lumen.
Những năm 1760-1770, ngành công nghiệp dầu cá nhà táng phát triển cực thịnh ở Hoa Kỳ. Khoảng những năm 1770-1775, từ Massachussets, New York, Connecticut và đảo Rhode, người Mỹ đã sản xuất được đến 45.000 thùng dầu cá voi mỗi năm. Tiếp theo, hàng loạt nước châu Âu cũng dần tham gia vào ngành công nghiệp đang bùng nổ khi ấy.
Song, việc đánh bắt cá nhà táng đã đẩy loài cá này đến gần mức tuyệt chủng, cũng như sự khó khăn, vất vả khi đánh bắt loài cá khổng lồ này đã khiến giá dầu cá voi tăng vọt và theo thời gian, thứ dầu đắt đỏ này trở nên hiếm hơn bao giờ hết.
Sự khan hiếm của dầu cá voi vào thời điểm ấy đã giúp cho ngành khai thác dầu mỏ bắt đầu phát triển. Trong 20 năm sau khi được phát hiện vào năm 1846, dầu hỏa dần thay thế dầu cá voi.
Điều đáng ngạc nhiên là giá dầu cá voi không những không sụt giảm, mà còn lập mức cao kỷ lục vào năm 1865. Vấn đề là, khi ấy giá dầu hỏa vẫn còn cao và nguồn cung hạn chế trong giai đoạn đầu, đồng thời khi nguồn cung dầu cá voi giảm dần đã tiếp tục hỗ trợ giá dầu cá voi mạnh lên.
Tuy nhiên, không lâu sau đó, sự phát triển của dầu mỏ đã đánh sập hoàn toàn và đẩy lùi ngành công nghiệp dầu cá nhà táng vào quá khứ.
Thời điểm hiện tại, những nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ... cũng đang chứng kiến hiện tượng tương tự như ngành công nghiệp dầu cá nhà táng trong quá khứ. Dầu mỏ từng được coi là "cứu cánh" của loài cá voi, song đến nay, nó không còn là sự lựa chọn đúng đắn khi môi trường đang bị ảnh hưởng nặng nề hơn bao giờ hết.
Mặc dù vậy, vẫn chưa có nghiên cứu nào nói rõ liệu đây có phải thời điểm của một cuộc thoái trào mới. Giới chuyên gia vẫn cho rằng, giá dầu có thể sẽ tiếp tục ở mức cao trong một thời gian dài nữa.